Clematis là một loại thảo mộc được dùng để làm thuốc điều trị các chứng đau khớp (thấp khớp), đau đầu, giãn tĩnh mạch, giang mai, bệnh gút, rối loạn xương. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Clematis, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Clematis trong bài viết dưới đây.
1. Công dụng Clematis là gì?
1.1. Clematis là thuốc gì?
Clematis là một loại thảo mộc có tên tiếng Việt là dây ruột gà hay dây mộc thông.
- Tên gọi khác: Devil’s darning-kim, Umdlonzo (Zulu), Bower Virgin, Bower Vine, Woodbine.
- Tên khoa học: Clematis chinensis Osbeck – C. sinensis Lour, hay Clematis virginiana L.
- Họ thực vật: Họ Mao lương (Ranunculaceae)
- Phân bố: Ninh Bình, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cây mọc tự nhiên rải rác trên các savan, trong rừng thứ sinh, lùm bụi, ở độ cao dưới 300m.
1.2. Clematis công dụng là gì?
- Clematis công dụng là gì? Clematis không chỉ là một loại cây thảo dược có hình thức đẹp mà còn có vô số công dụng tốt đối với sức khỏe. Trên thực tế, không chỉ có hoa Clematis được sử dụng làm thuốc thảo dược, mà còn cả lá. Đông y thường sử dụng lá và hoa để điều trị: Đau khớp, đau đầu, bệnh giang mai, suy tĩnh mạch, bệnh Gout, rối loạn xương, các vấn đề về da, tích tụ chất lỏng.
- Phần thân và rễ phơi khô sắc uống giúp tiêu hoá tốt, thông tiểu, lợi sữa. Rễ cây trị thiên đầu thống, chân tay yếu mỏi, co giật gân, thần kinh mặt bị tê liệt, nấc nghẹn và hóc xương cá.
- Một số người lại dùng chiết xuất hoa clematis bôi trực tiếp lên da để điều trị mụn nước. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng loại chiết xuất này như một loại kem để điều trị nhọt và các vết thương bị nhiễm trùng nhẹ.
Hiện nay, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về cách thức hoạt động và tác dụng cụ thể của Clematis. Vì vậy, hãy cùng trao đổi với bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin chi tiết.
2. Cách sử dụng của thuốc Clematis
2.1. Liều lượng và cách dùng Clematis
- Không có bằng chứng lâm sàng hỗ trợ khuyến nghị liều cho Clematis và cũng chưa có chống chỉ định sử dụng loại thuốc này.
- Liều lượng của các chất bổ sung thảo dược bao gồm cả Clematis có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Liều lượng sử dụng cho mỗi bệnh nhân phụ thuộc vào sức khỏe, tuổi tác và một số tình trạng khác. Tuy nhiên, các chất bổ sung có nguồn gốc thảo dược không phải lúc nào cũng an toàn để sử dụng. Tốt hơn hết là người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
- Thảo dược Clematis có thể có sẵn dưới dạng chiết xuất, tinh chất và trà. Người dùng có thể lựa chọn tùy ý theo sở thích.
2.2. Sử dụng Clematis cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Thông tin liên quan đến việc sử dụng an toàn và hiệu quả Clematis trong thai kỳ và cho con bú còn thiếu. Bởi vậy người bệnh cần tham khảo ý kiến của thầy lang có chuyên môn hoặc bác sĩ trước khi sử dụng phương thuốc này.
2.3. Phản ứng phụ khi sử dụng Clematis
Việc sử dụng chất chiết xuất từ lá và hoa của cây mộc thông bôi trực tiếp lên da có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Màng nhầy bị kích ứng nghiêm trọng
- Đau bụng
- Bệnh tiêu chảy
- Kích ứng các mô cơ thể
- Chóng mặt
- Co giật
Tuy nhiên không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ này. Có thể có những bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ khác không được liệt kê trên đây. Nếu trong quá trình sử dụng bạn gặp phải bất kỳ biểu hiện hay triệu chứng bất thường nào nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
3. Một số biện pháp bảo vệ trước khi dùng clematis?
Có rất ít thông tin được biết về Clematis. Bạn nên xem xét các phương pháp điều trị hiện đại nào khác an toàn hơn.
Các quy định về quản lý việc sử dụng các chất bổ sung thảo dược thường ít nghiêm ngặt hơn so với các quy định sử dụng thuốc.
Nghiên cứu thêm là cần thiết để xác định độ an toàn của Clematis. Trước khi sử dụng, hãy chắc chắn rằng lợi ích của việc sử dụng Clematis nhiều hơn nguy cơ nó mang lại cho người bệnh. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền để biết thêm thông tin.
Làm thế nào để sử dụng an toàn chiết xuất hoa clematis?
Không tự ý sử dụng Clematis tươi bằng đường uống hoặc bôi lên da khi chưa tham khảo ý kiến chuyên môn, đặc biệt nó không an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Hiện cũng chưa có phương pháp điều trị cụ thể nếu bạn bị dị ứng với chiết xuất Clematis bôi trên da, nên cần cân nhắc khi sử dụng đặc biệt cho vùng da bị tổn thương.
Những loại tương tác nào có thể xảy ra khi dùng thuốc clematis?
Bổ sung các thảo dược bao gồm cả Clematis có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc với bất kỳ tình trạng sức khỏe nào bạn có. Nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc y học cổ truyền hoặc bác sĩ trước khi sử dụng. Tránh sử dụng đồng thời loại thảo dược này với bất kỳ loại thuốc hiện đại nào.
4. Cách bảo quản thuốc Clematis
Thời gian bảo quản chiết xuất của Clematis hay cây Clematis tùy thuộc vào dạng bào chế.
- Dạng phơi khô hoặc sấy khô có thể bảo quản trong các bao nilon kín, đặt ở những nơi khô ráo thoáng mát, tránh nấm mốc và không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
- Dạng cao cô đặc nên để ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời và các nguồn nhiệt.
Theo đó cần để thuốc xa tầm tay của trẻ nhỏ, tránh xa vật nuôi trong gia đình.
Clematis là một loại thảo mộc được dùng để làm thuốc điều trị các chứng đau khớp (thấp khớp), đau đầu, giãn tĩnh mạch, giang mai, bệnh gút, rối loạn xương. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Clematis, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn tham khảo: drugs.com, rxlist.com, holevn.org