Cây thù lù đực là loại cây mà nhiều người thường hay nhầm lẫn với cây tầm bóp. Đây là một cây thân mềm, mọc hoang ở rất nhiều nơi khắp các vùng miền. Ngoài việc sử dụng như một loại rau ăn, cây thù lù đực còn được biết đến là một vị thuốc. Vậy công dụng của cây thù lù đực là gì?
1. Thù lù đực là cây gì?
Cây thù lù đực mọc hoang hóa khắp nơi ở nước ta, đặc biệt là ở miền núi phía Tây Bắc. Cây phát triển tốt nhất là vào mùa đông xuân.
Tuy cây có hơi độc, nhưng hiện nay cây thù lù đực lại được sử dụng khá nhiều trong đời sống hàng ngày, như món rau tầm bóp xào tỏi nhưng thực ra chính là rau thù lù đực xào tỏi, món ăn này có mùi vị rất thơm ngon và lạ miệng.
2. Cây thù lù có tác dụng gì?
"Thù lù có tác dụng gì?" Bộ phận dùng làm thuốc của cây thù lù được là toàn cây tươi hoặc phơi sấy khô. Cây thù lù đực có vị ngọt, hơi đắng, nó có mùi hơi hăng, tính mát và hơi có độc. Nó thường được dùng như một vị thuốc thanh nhiệt, tiêu viêm.
Trong dân gian, người dân sử dụng thù lù đực để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau, có thể dùng thuốc uống hay đắp ngoài. Một số công dụng của cây thù lù đực như là:
- Thông tiểu tiện, chữa phù thũng
- Gan to
- Vẩy nến
- Á sừng
- Viêm da cơ địa
- Ghẻ
- Bỏng
- Trĩ nội, trĩ ngoại
- Hỗ trợ điều trị ung thư
Sử dụng cây thù lù đực trong điều trị chứng phù nề, gan to: Dùng 150g thù lù đực tươi (bỏ quả) rửa sạch, giã nát, dùng khăn vải mỏng vắt lấy nước chia uống 2 đến 3 lần trong ngày.
Sử dụng cây thù lù đực trong bệnh ngoài da:
- Dùng cây thù lù đực tươi: Lấy 150g cây tươi, bỏ quả, ép lấy nước bôi ngoài da, bôi vào những vùng da bị mẩn ngứa, lở loét.
- Dùng cây thù lù đực dạng cao lỏng:
- Lấy khoảng 5kg cây tươi rửa thật sạch, bỏ gốc rễ. Cho cây vào nồi đun sôi lấy nước, vớt bỏ bã. Sau đó tiếp tục đun nước cốt trong nhiều giờ để cô cạn thành cao lỏng có màu đen dạng sền sệt.
- Dùng cao thù lù đực bôi ngoài, có công dụng điều trị các bệnh ngoài da rất hữu hiệu, đặc biệt là bệnh trĩ, vảy nến á sừng.
3. Các nghiên cứu về công dụng của cây thù lù đực
- Nghiên cứu về hiệu quả phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư của cây thù lù đực: Nghiên cứu này được tiến hành tại Phòng Khoa học Sinh học và Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Hoạt tính Sinh học của trường Đại học Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chiết xuất ethanol từ quả chín của cây lu lu đực đã phát hiện ra rằng nó có thể được sử dụng như một chất chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư.
- Nghiên cứu về hiệu quả kháng khuẩn, làm lành vết loét của cây thù lù đực: Nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Hóa sinh, Đại học Madras, Tamil Nadu, Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu sử dụng chiết xuất quả của cây thù lù đực trên chuột thí nghiệm bị viêm loét dạ dày. Kết quả cho thấy chiết xuất từ quả của loài cây này có đặc tính kháng sinh và khả năng làm lành vết loét.
- Nghiên cứu về hoạt động bảo vệ gan của cây thù lù đực: Một nghiên cứu đã được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu người Nhật Bản, họ sử dụng chiết xuất ethanol từ cây Solanum nigrum L trên chuột đã cho thấy hoạt động bảo vệ gan đáng chú ý.
4. Những lưu ý khi sử dụng cây lu lu đực
Bên cạnh việc biết được thù lù có tác dụng gì thì những lưu ý khi sử dụng cây thù lù đực cũng rất quan trọng. Những nghiên cứu mới đây đều không đề cập đến độc tính của cây thù lù đực. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cây lu lu đực làm rau ăn và làm thuốc bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Do cây thù lù đực có độc, đặc biệt là trong quả xanh, vì vậy không nên ăn sống thường xuyên loại cây này. Khi sử dụng làm rau ăn cần được nấu chín, loại bỏ phần quả xanh khi sử dụng. Vì theo các nghiên cứu cho thấy trong quả xanh chứa nhiều độc tố hơn so với thân lá. Khi nấu chín, độc tố ở cây cũng giảm bớt.
- Cây thù lù đực không nên dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ nhỏ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.