Cây dành dành khá quen thuộc với người dân nước ta, nó thường được nhiều người trồng làm cây cảnh. Tuy nhiên, cây dành dành còn cung cấp một số dược liệu để chữa bệnh. Đọc tiếp bài viết sẽ giúp bạn biết cây dành dành có tác dụng gì và điều trị bệnh lý nào?
1. Đặc điểm cây dành dành
Cây dành dành còn được người dân một số nơi gọi với tên khác như là chi tử, thủy hoàng chi hay là mác làng cương (tiếng Tày). Tên khoa học của cây dành dành là Gardenia jasminoides Ellis, thuộc họ thiên thảo - Rubiaceae.
Cây dành dành là một loại nhỏ, cao khoảng 1 – 2m, cây có thân thẳng và phân thành nhiều nhánh. Lá cây dành dành tươi tốt quanh năm, thường mọc đối nhau hoặc thành vòng 3 lá. Mặt trên của lá dành dành có màu xanh thẫm, bóng; mặt dưới màu nhạt hơn.
Hoa của cây dành dành mọc ở đầu cành, màu trắng khi mới nở và chuyển sang màu vàng nhạt khi sắp tàn, có mùi thơm. Hoa dành dành thường nở vào mùa hè.
Quả dành dành thuôn hình bầu dục có 6 – 9 góc, bên trong có 2 – 5 ngăn. Khi chín quả dành dành có màu vàng cam, chứa nhiều hạt, vị thơm và hơi đắng.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc là quả, rễ và lá của cây dành dành. Lá và rễ cây dành dành được thu hái quanh năm. Quả cây dành dành được thu hái vào khoảng tháng 8 – 10.
Lá cây dành dành sau khi hái về, đem đi rửa sạch và dùng tươi trực tiếp. Rễ cây thái lát và phơi khô để sử dụng.
Quả dành dành chín được hái về ngắt bỏ cuống, sau đó đem phơi hoặc sấy khô để dành làm dược liệu với tên gọi là chi tử.
- Cách bào chế chi tử sao vàng: Bóc bỏ vỏ ngoài của quả dành dành để lấy hạt bên trong đem sao với lửa nhỏ cho đến khi hạt có màu nâu vàng thì lấy ra để nguội.
- Tiêu chi tử: Bóc bỏ vỏ, lấy hạt sạch. Sau khi sấy khô thì sao trên lửa vừa cho đến khi mặt ngoài vàng xém, khi bẻ ra mặt trong có màu thẫm thì đổ ra để nguội. Khi sao xém chi tử có thể rất dễ bị cháy, vì vậy trong quá trình sao người ta có thể phun một ít nước lên trên, rồi lấy ra phơi hoặc sấy khô lại.
Lưu ý: Dược liệu sau khi được chế biến thành nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Theo nghiên cứu hiện đại, trong cây dành dành có các thành phần hóa học sau:
- Trong quả dành dành có chứa một loại glucozit màu vàng được gọi là gacdenin và một số chất khác như gardenosid, geniposid, shanzhisid, gardosid, geniposidic acid gardenin, n-crocetin, crocin-l, scandosid methyl ester.
- Trong lá cây dành dành có chứa một hợp chất có tác dụng diệt nấm.
- Trong hoa dành dành có chứa acid gardenic và acid gardenolic B.
- Ngoài ra, cây dành dành còn có một số hoạt chất khác như tannin, tinh dầu, chất pectin.
2. Cây dành dành có tác dụng gì?
Không phải ai cũng biết cây dành dành có tác dụng gì và điều trị bệnh lý nào. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, cây dành dành có các tác dụng sau:
- Giải nhiệt: Nước sắc của quả dành dành có tác dụng ức chế trung khu sinh nhiệt.
- Tác dụng lợi mật: Nghiên cứu cho thấy dịch chiết từ quả dành dành có tác dụng làm tăng co bóp túi mật do đó làm tăng tiết mật.
- Tác dụng cầm máu: Nghiên cứu cho thấy quả dành dành khi sao cháy thành than sẽ có tác dụng cầm máu hiệu quả.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nghiên cứu cho thấy nước sắc quả dành dành có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu vàng.
- Tác dụng hạ huyết áp: Thí nghiệm trên động vật cho thấy nước sắc quả dành dành có khả năng hạ huyết áp hiệu quả.
- Thí nghiệm trên động vật cũng cho thấy nước sắc của quả dành dành có tác dụng ức chế các tế bào ung thư.
Theo Y Học Cổ Truyền, quả dành dành có vị đắng, tính hàn, đi vào kinh tâm, phế và tam tiêu. Quả dành dành có tác dụng thanh nhiệt, tá hỏa, lợi tiểu tiện và cầm máu. Chi tử thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh như tâm phiền rạo rực, hoàng đản, thổ huyết, chảy máu cam, đi ngoài ra máu, mất ngủ, bệnh lý của hệ tiết niệu.
Mỗi ngày sử dụng 6 – 9g chi tử đem đi sắc nước uống hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Khi dùng để đắp ngoài, chỉ sử dụng lá tươi giã nát để đắp một lượng vừa đủ.
Lưu ý: Người có tỳ vị hư hàn hoặc đang bị tiêu chảy không được sử dụng vị thuốc dành dành.
3. Cây dành dành chữa bệnh gì?
Trong Y Học Cổ Truyền, cây dành dành có tác dụng hiệu quả đối với các bệnh lý sau:
- Chữa viêm gan virus cấp: Sử dụng quả dành dành 6 -16g cùng với nhân trần cao 18 – 24g, đại hoàng 4 – 8g sắc nước uống.
- Chữa các bệnh viêm nhiễm như đau mắt đỏ, sưng mắt, chảy nước mắt, mồm khô:
- Bài thuốc chữa viêm màng tiếp hợp cấp lưu hành: Sử dụng quả dành dành 12g, cùng với cúc hoa 12g, cam thảo 4g sắc nước uống.
- Bài thuốc chữa viêm bể thận, viêm đường tiết niệu: Sử dụng quả dành dành 12g, cam thảo tiêu 12g sắc nước uống.
- Chữa bệnh nhiễm trùng, sốt, bứt rứt: Sử dụng quả dành dành sống 12g, cùng với liên kiểu 20g, đương quy 24g, xích thược 12g, phòng phong 12g, khương hoạt 8g, cam thảo sống 12g, sinh địa 20g, hoàng kỳ 40 -60g, hoàng bá 12g sắc nước uống.
- Chữa chấn thương, bong gân: Sử dụng quả dành dành sống đem tán bột rồi trộn với bột mì và lòng trắng trứng gà để đắp lên vết thương.
- Chữa chảy máu cam: Sử dụng quả dành dành sống đốt thành than, tán thành bột mịn rồi thổi vào mũi.
- Chữa đau, nhức và mắt sưng đỏ: Dùng lá dành dành bánh tẻ, đem rửa sạch, vò nát, lấy dịch đông, bôi vào miếng giấy bản hoặc vải gạc sạch, đắp lên mí mắt. Khi có cảm giác nóng lên ở miếng thuốc thì lật ngược lại, làm nhiều lần như vậy. Ngày đắp từ 1 – 2 miếng thuốc.
- Chữa viêm gan hoàng đản: Sử dụng 30 - 50g cành và lá dành dành sắc nước chia uống 2 lần, trước bữa ăn. Hoặc sử dụng hạt dành dành (chi tử) 12g, rễ chút chít 8g, nhân trần 30g, ngày một thang, sắc uống trước ăn, chia 2 – 3 lần trong ngày.
- Chữa sốt cao dùng vỏ quả dành dành 20 – 30g, sắc uống. Hoặc dùng 5 – 7 quả dành dành tươi, thái ngang đem sắc với 20g đạm đậu xị, ngày một thang.
- Chữa ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam: Sử dụng tiêu chi tử 9g, hoa hòe (sao đen) 12g và cát căn 12g sắc uống trước bữa ăn, ngày một thang.
- Chữa đại tiện ra máu: Sử dụng 30 - 50g quả dành dành tươi thái ngang, sắc nước uống. Hoặc dùng chi tử, xa tiền tử, biển súc, hoạt thạch, mộc thông, cù mạch, mỗi vị 12g, đại hoàng 8g, cam thảo 6g, sắc uống, ngày một thang, uống trước ăn.
- Phòng và trị cảm cúm: Sử dụng rễ cây dành dành, rễ bạch đồng nữ, mỗi vị 30g, rễ kim ngân, rễ hậu phác, mỗi vị 15g, cúc hoa 9g, sắc uống ngày một thang.
Tóm lại, các bài thuốc cây dành dành không nên áp dụng đối với những người tỳ vị hư, tiêu chảy. Những người khác muốn áp dụng các bài thuốc trên để chữa bệnh thì cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.