Công dụng của cây bầu nâu

Bầu nâu là loại cây thân gỗ thường mọc ở miền nam nước ta. Theo y học dân gian, công dụng của cây bầu nâu là hỗ trợ tiêu hóa, có tác dụng nhuận tràng, điều trị lỵ, tiêu chảy và các bệnh lý về gan. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về các tác dụng này trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về cây bầu nâu

Cây bầu nâu có tên khoa học là Aegle marmelos, thuộc họ Cam (Rutaceae). Bầu nâu là dạng cây gỗ, cao đến 15m, lá có hình ngọn giáo, mũi cứng cong ở đầu và có mép uốn lượn. Hoa bầu nâu có màu trắng, rất thơm và xếp thành từng chùm ở nách lá. Cây bầu nâu có quả mọng, hình cầu dẹt (hay dạng trứng) và có màu lục. Vỏ quả bầu nâu nhẵn và cứng, bao phủ một lớp cơm nhầy. Quả chia ra thành 10 - 15 ô, mỗi ô chứa từ 6-10 hạt thuôn, dẹt và có lớp lông màu trắng. Bộ phận dùng của cây bầu nâu là quả, vỏ và lá bầu nâu.

Bầu nâu là loài cây bản địa của Ấn Độ và được tìm thấy nhiều ở các vùng Himalaya, Nam Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan, Bangladesh, Nepal, Việt Nam, Lào, Campuchia,... Ở Việt Nam, cây bầu nâu được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam của nước ta. Cây bầu nâu thường được trồng trên những sườn đồi khô, độ cao từ 600 đến 1000 m.

2. Thành phần hoá học của cây bầu nâu là gì?

Cây bầu nâu có hàm lượng tanin cao, khoảng 9% trong thịt quả và 20% trong vỏ cây. Vỏ thân non chứa coumarin với tỷ lệ 0,03%, alkaloid 0,003% và umbelliferon. Vỏ già chứa nhiều umbelliferon và coumarin, fragrine, marmesin,... Lõi gỗ cây bầu nâu chứa alkaloid feroquinolin, dictamin dihydro furocoumarin, marmesin và sitosterol. Hoạt chất chính trong quả bầu nâu là marmal osin, nó tương đồng với imperatorin. Quả bầu nâu còn có tinh dầu d-α-phelandren và cả alloimperatorin và β-sitosterol. Ngoài ra cây cũng chứa acid tartaric, acid linoleic, tannin, phlobatannin, flavan-3-ols, leucoanthocyanins, anthocyanins và glycoside flavonoid.


Cây bầu nâu có hàm lượng tanin cao.
Cây bầu nâu có hàm lượng tanin cao.

3. Công dụng của cây bầu nâu là gì?

Nhìn chung, cây bầu nâu có có công dụng kháng khuẩn, kháng vi rút, hạ sốt, chống tiêu chảy, hỗ trợ điều trị ung thư, chữa lành vết loét, chống độc, lợi tiểu. Cây bầu nâu còn có hiệu quả cao trong hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá, giúp giảm chứng khó tiêu, viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, điều hoà hệ tim mạch và giảm căng thẳng.

Thịt quả bầu nâu chín thơm, ăn mát, dùng hỗ trợ điều trị táo bón, lỵ, trị lao và các bệnh lý về gan. Quả xanh của cây bầu nâu thường được dùng để hỗ trợ tiêu hóa, điều trị tiêu chảy. Người ta có thể ăn tươi thịt quả bầu hoặc chế biến thành siro.

Lá non có thể dùng để ăn như rau gia vị nhưng hơi khó tiêu và có thể làm cho phụ nữ khó thụ thai. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng đặc biệt lưu ý không được ăn lá bầu nâu non vì nó có thể gây sảy thai. Ở các nước Ðông Nam Á như Ấn Độ, Indonesia, lá bầu nâu còn được dùng điều trị sốt rét. Bạn cũng có thể dùng phối hợp với lá trầu không, chanh để điều trị ghẻ lở và vết thương. Lá giã ra, hơ nóng có thể dùng làm thuốc đắp để trị đau mắt.

Bài viết tham khảo: hellobacsi.com, baolamhoangnguyen.com.vn, thuocdongduoc.vn, tracuuduoclieu.vn, suckhoedoisong.vn

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe