Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nếu phụ nữ thụ thai lại trong vòng năm đầu tiên sau khi sinh, những dấu hiệu mang thai khi đang cho con bú có thể không được chú ý. Những bà mẹ đang cho con bú thường trải qua một số thay đổi trong cơ thể, dẫn đến khó chịu và nhạy cảm, đồng thời cũng sẽ không có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Đôi khi, thật khó để phát hiện dấu hiệu có thai khi đang cho con bú, vì vậy cần có kiến thức về vấn đề này để phát hiện sớm và lên kế hoạch hành động phù hợp.
1. Phụ nữ có thể bắt đầu mang thai bao lâu sau khi sinh khi đang cho con bú?
Nếu không cho con bú, phụ nữ có thể mang thai lại ngay sau khi sinh ba tuần. Tuy nhiên, một đánh giá của các nghiên cứu đã cho thấy hầu hết phụ nữ không rụng trứng cho đến sáu tuần sau khi sinh nếu chọn phương án cho con bú. Đồng thời, nếu quyết định nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn thì phương pháp này có thể hoạt động như một phương pháp ngừa thai tương đối trong tối đa sáu tháng sau khi sinh.
Thật không may, rất khó để biết thời điểm rụng trứng đầu tiên và người mẹ có thể không biết điều đó đã xảy ra cho đến khi thấy có lại chu kỳ kinh đầu tiên sau khi mang thai, khi đó đã có khả năng thụ thai. Ngoài ra, còn có một số lựa chọn có sẵn để giúp phát hiện sự rụng trứng sớm hơn như que xét nghiệm LH có thể phát hiện sự gia tăng hormone trước khi rụng trứng, trong khi đo nhiệt độ cơ thể có thể không xác nhận sự rụng trứng đã xảy ra một cách đáng tin cậy như trước kia.
Vì vậy, bất cứ lúc nào, người phụ nữ luôn cần được tư vấn về các biện pháp tránh thai hiệu quả với bác sĩ phụ sản cả trước và sau khi sinh em bé. Đây là thời điểm tốt để xem xét các lựa chọn kiểm soát sinh sản và đặt câu hỏi về một phương pháp kiểm soát sinh sản khác với những gì đã sử dụng trước đây.
2. Cơ hội có thai khi đang cho con bú như thế nào?
Nếu được thực hiện một cách hoàn hảo, việc cho con bú như một biện pháp tránh thai có thể đạt hiệu quả tới 98%. Điều này có nghĩa là người mẹ chỉ cho con bú sữa mẹ và chỉ trong sáu tháng đầu tiên. Sau thời gian này, khả năng mang thai sẽ tăng lên nhanh chóng.
Tất nhiên, điều này khác nhau ở mỗi phụ nữ và trong khi đối với một số người, có thể mất nhiều thời gian hơn để quá trình rụng trứng tiếp tục quay lại. Lúc này, khả năng mang thai xảy ra là dễ dàng.
3. Làm sao phát hiện mang thai khi đang cho con bú?
Những dấu hiệu mang thai khi đang cho con bú cũng thường giống với những dấu hiệu nhận biết ở thai kỳ trước. Chúng được phân loại dựa trên mức độ có thể dự đoán một người phụ nữ có thai hay không.
3.1.Các dấu hiệu giả định của thai kỳ
Đây là các dấu hiệu có thai khi đang cho con bú có giá trị gợi ý thấp do mang tính chủ quan cao khi chỉ có bản thân người mẹ có thể cảm nhận được những dấu hiệu này, bao gồm:
- Vú căng đau, nhạy cảm
- Giảm sản xuất sữa
- Thường xuyên mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ
- Đi tiểu nhiều lần
- Ốm nghén
- Chảy máu âm đạo kiểu “máu báo thai”
3.2. Các dấu hiệu khả năng của thai kỳ
Đây là các dấu hiệu mang thai đang cho con bú có thể được quan sát bởi một người khác mà không phải là bản thân mẹ. Vì thế, những dấu hiệu này đáng tin cậy hơn những dấu hiệu phỏng đoán nên trên, bao gồm:
- Sờ được hình thái thai nhi qua thành bụng
- Cơn gò Braxton Hicks – vận động co bóp của tử cung không theo chu kỳ
- Dấu hiệu Chadwick – thay đổi màu sậm hơn của vùng âm hộ và âm đạo
- Dấu hiệu Goodell – phần phụ trở nên mềm hơn do tăng tuần hoàn và phân phối mạch máu tại chỗ
- Dấu hiệu Hegar – sờ thấy eo tử cung mềm hơn khi thăm khám trong âm đạo
- Các bằng chứng xét nghiệm: thử que trong nước tiểu, đo nồng độ beta HCG trong máu và siêu âm thấy túi trong buồng tử cung
3.3.Các dấu hiệu chắc chắn của thai kỳ
Những dấu hiệu chắc chắn là những dấu hiệu đảm bảo rằng người phụ nữ đang mang thai. Nếu phụ nữ đang cho con bú có một trong những dấu hiệu này thì chắc chắn 100% bạn đã có thai. Cho đến nay, chỉ có ba dấu hiệu chẩn đoán thai kỳ được các chuyên gia y tế công nhận:
- Nhịp tim của bào thai tách biệt khỏi nhịp tim mẹ
- Phát hiện hình ảnh thai nhi qua siêu âm
- Chuyển động của bào thai được giám định cảm nhận
4. Người mẹ có thể tiếp tục cho con bú khi đang mang thai không?
Hoàn toàn không có bất cứ quy tắc cố định nào về việc cho con bú khi đang mang thai, nhưng hãy đảm bảo người mẹ được ăn uống đầy đủ các chất. Trong giai đoạn này, người mẹ nên nạp đủ calo cho bản thân, cho em bé bú mẹ và cho cả thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, trẻ bú mẹ có thể bắt đầu từ chối sữa mẹ trong vài tháng đầu của thai kỳ. Điều này có thể là do khẩu vị của sữa mẹ thay đổi. Mặt khác, nguồn sữa của người mẹ cũng có thể giảm đi khiến trẻ không chịu bú mẹ tiếp tục và quyết định cai sữa cho con sẽ sớm được đặt ra.
Mặt khác, một số phụ nữ vẫn có thể cho con bú trong suốt thai kỳ. Tùy thuộc vào cảm giác của bản thân người mẹ và nguồn sữa có thể đáp ứng vừa đạt số lượng lẫn chất lượng, sản phụ có thể lựa chọn đảm nhận nuôi trẻ lớn lên với hoàn toàn sữa mẹ cùng với nuôi dưỡng bào thai trong bụng. Tuy nhiên, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ luôn là vấn đề cần được ưu tiên hơn.
5. Các lựa chọn biện pháp tránh thai trong khi đang cho con bú
Các biện pháp tránh thai nội tiết vẫn tiếp tục là lựa chọn hợp lý cho phụ nữ khi đang cho con bú. Theo các bằng chứng báo cáo, người mẹ hoàn toàn có thể sử dụng các phương pháp nội tiết tố một cách an toàn, vì chúng sẽ không làm tổn thương bản thân, trẻ sơ sinh hay làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.
Để thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sản phụ có thể bắt đầu sử dụng thuốc tiêm, que cấy, vòng tránh thai hay một số loại thuốc tránh thai ngay sau khi sinh. Sau khi đã tham vấn ý kiến chuyên môn, người phụ nữ có thể được cấy que hoặc đặt vòng tránh thai tại bệnh viện hoặc khi khám sức khỏe sau sinh. Các phương tiện cấy que và vòng tránh thai siêu hiệu quả kéo dài trong vài năm. Sau khi áp dụng các phương pháp này, người phụ nữ không phải làm bất cứ điều gì (chẳng hạn như nhớ uống một viên thuốc mỗi ngày) để tránh khả năng mang thai ngoài ý muốn và có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho con nhỏ.
Tuy nhiên, cần lưu ý là trong 3 tuần đầu tiên sau khi sinh, không sử dụng phương pháp có hormone estrogen như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng tránh thai. Sau 3 tuần, người phụ nữ sẽ có thể bắt đầu bất kỳ phương pháp nào trong số này.
Ngoài ra, các lựa chọn ngừa thai không dùng hormone khác là bao cao su cho nam, bao cao su bên trong cho nữ, màng ngăn tinh trùng và nắp cổ tử cung. Nếu trước đây đã sử dụng màng ngăn hoặc nắp cổ tử cung, hãy đợi cho đến lần khám sức khỏe đầu tiên sau sinh để bắt đầu sử dụng lại phương pháp đó. Hầu hết các bác sĩ đều khuyên rằng sản phụ không nên đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo cho đến lần khám sức khỏe đầu tiên này. Mặt khác, để các dụng cụ này hiệu quả, đôi khi cần phải thay đổi một kích thước mới cho phù hợp hơn.
Cuối cùng, phương pháp tránh thai tuyệt đối là thắt ống dẫn trứng (hay còn gọi là triệt sản) sau khi sinh. Đây là phương pháp vĩnh viễn, vì vậy chỉ dành cho những phụ nữ đã lớn tuổi và hoàn toàn không muốn có thêm con.
Tóm lại, các dấu hiệu có thai khi đang cho con bú có thể khó phát hiện vào giai đoạn này; đồng thời, nếu đang phải bận rộn chăm sóc trẻ nhỏ và bản thân đã có chu kỳ không đều, những dấu hiệu mang thai khi đang cho con bú càng khó phát hiện ra hơn. Do đó, mặc dù nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tránh thai an toàn, đây không phải là một lựa chọn hoàn thiện. Vì vậy, bất cứ khi nào nghi ngờ dấu hiệu mang thai đang cho con bú, cần thăm khám bác sĩ phụ sản càng sớm càng tốt để được tư vấn và đưa ra quyết định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.