Một trong những vấn đề khiến nhiều bà mẹ băn khoăn là liệu có thể có thai trong thời điểm cho con bú hay không. Liệu khoảng thời gian bao lâu thì khả năng sinh sản của mẹ sẽ được phục hồi. Và có cách nào để ngừa thai tự nhiên và hiệu quả trong khoảng thời gian này. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu về khả năng có thai trong thời gian cho con bú và phương pháp tránh thai trong thời gian cho con bú này.
1. Bạn có thể mang thai khi đang cho con bú được không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể xảy ra, bạn có thể mang thai khi đang cho con bú. Vì vậy, nếu bạn chưa muốn sinh thêm con, tốt nhất bạn nên sử dụng một phương pháp ngừa thai đáng tin cậy ngay khi bắt đầu quan hệ tình dục trở lại sau khi sinh.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng sinh sản và hoạt động của buồng trứng sau khi mang thai sẽ theo các bước như sau:
- Các nang trứng bắt đầu hoạt động mà không rụng trứng (không có cơ hội mang thai.). Xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt không có rụng trứng (Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.)
- Bắt đầu có sự rụng trứng nhưng chưa có khả năng hỗ trợ của hoàng thể (Sau khi trứng rụng, quá trình thụ tinh có thể diễn ra. Trong giai đoạn hoàng thể, niêm mạc tử cung được chuẩn bị để làm tổ khi trứng di chuyển xuống ống dẫn trứng và vào tử cung. Nếu niêm mạc tử cung không được chuẩn bị đầy đủ cho việc làm tổ, có thể sẽ làm tổ thất bại.)
- Khả năng của hoàng thể trở nên đầy đủ (Khả năng sinh sản đầy đủ - tại thời điểm này, việc cho con bú không còn ảnh hưởng đến cơ hội mang thai của bạn.)
Bạn có thể có thêm một hoặc (thỉnh thoảng) nhiều chu kỳ kinh nguyệt trước khi bắt đầu rụng trứng. Trong trường hợp này, kinh nguyệt xuất hiện trong giai đoạn đầu tiên của quá trình phục hồi khả năng sinh sản - trước khi rụng trứng trở lại. Chu kỳ không rụng trứng thường xảy ra nhất trong sáu tháng đầu sau sinh. Đối với những bà mẹ khác, kỳ kinh nguyệt đầu tiên diễn thường xảy ra trước khi rụng trứng - thời gian cho bú vô kinh kéo dài sẽ làm tăng khả năng rụng trứng ở những kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
Một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ sẽ mang thai trong lần rụng trứng đầu tiên sau sinh mà không phải trải qua thời kỳ hậu sản. Điều này là rất hiếm và thường có liên quan đến việc giảm cho con bú.
Không hiếm các bà mẹ đang cho con bú phàn nàn về các triệu chứng chuột rút theo chu kỳ hoặc các triệu chứng giống với hội chứng tiền kinh nguyệt (các triệu chứng của kỳ kinh sắp tới) - trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi kỳ kinh trở lại. Khi điều này xảy ra, cơ thể có thể đang “chuẩn bị” cho kinh nguyệt trở lại, nhưng việc cho con bú vẫn làm trì hoãn khả năng sinh sản trở lại.
Khoảng thời gian cần thiết để phục hồi khả năng sinh sản hoàn toàn khác nhau ở mỗi phụ nữ. Nói chung, kinh nguyệt trở lại càng sớm thì khả năng sinh sản càng sớm phục hồi trở lại.
2. Bạn có thể tránh thai bằng cách cho con bú.
Có một số quan niệm sai lầm về việc cho con bú. Thứ nhất là không tránh thai bằng phương pháp cho bú sữa hoàn toàn. Thứ hai, việc cho con bú với bất kỳ lượng sữa nào cũng mang lại hiệu quả tránh thai, bất kể tần suất hoặc kinh nguyệt đã trở lại hay chưa.
Phương pháp kiểm soát sinh sản bằng cho bú hoàn toàn còn được gọi là phương pháp ngừa thai cho con bú vô kinh. Vô kinh khi cho con bú là hiện tượng vô sinh sau sinh tự nhiên xảy ra khi phụ nữ không có kinh nguyệt do cho con bú. Nhiều bà mẹ nhận được thông tin trái chiều về chủ đề cho con bú và sinh sản.
Cho con bú hoàn toàn trên thực tế đã được chứng minh là một hình thức kiểm soát sinh sản tuyệt vời, nhưng có một số tiêu chí nhất định phải được đáp ứng để việc nuôi con bằng sữa mẹ được sử dụng hiệu quả.
Khi cho con bú, cơ thể phụ nữ có thể không rụng trứng trong vài tháng (hoặc thậm chí lâu hơn) sau khi sinh, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú hoàn toàn.
Việc sản xuất sữa mẹ làm trì hoãn việc kinh nguyệt trở lại là cơ sở cho một kỹ thuật tránh thai được gọi là phương pháp cho bú vô kinh (LAM).
Nhưng để sử dụng phương pháp này đúng cách, bạn phải đáp ứng các tiêu chí nhất định:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Bạn phải cho con bú ít nhất bốn giờ một lần vào ban ngày và sáu giờ một lần vào ban đêm.
- Khi sử dụng phương pháp cho bú vô kinh, bạn không được sử dụng bất kỳ nguồn thức ăn nào cho trẻ ngoài việc cho bú trực tiếp. (Việc sử dụng sữa công thức thay vì cho trẻ bú và cho trẻ ăn thức ăn đặc cũng làm cho phương pháp này kém hiệu quả hơn.)
Cho bú vô kinh được báo cáo là có hiệu quả 98% trong sáu tháng đầu sau sinh khi bạn đáp ứng chính xác các điều kiện này. Nhưng tỷ lệ hiệu quả giảm xuống khi bé lớn hơn, chẳng hạn như khi bé bắt đầu ăn dặm hoặc bú ít hơn khi bé bắt đầu ngủ nhiều hơn trong buổi đêm.
Hãy nhớ rằng bạn có thể bắt đầu rụng trứng trở lại bất cứ lúc nào mà không biết. Điều đó có nghĩa là bạn có thể mang thai trước khi có kinh lần đầu tiên sau khi sinh con. Vì vậy, đừng đợi đến khi có kinh mới tìm một phương pháp ngừa thai đáng tin cậy.
Nếu bạn muốn sử dụng phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ để kế hoạch hóa gia đình một cách tự nhiên, hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia tư vấn cho con bú về phương pháp cho bú vô kinh, lý tưởng là trước khi bạn sinh con.
3. Làm thế nào để có thể tối đa hóa hiệu quả tránh thai bằng phương pháp cho bú vô kinh?
Thời gian để có khả năng sinh sản trở lại rất khác nhau ở mỗi phụ nữ và phụ thuộc vào mô hình nuôi con bằng sữa mẹ và mức độ nhạy cảm của cơ thể mẹ đối với các hormone liên quan đến quá trình tiết sữa.
Tần suất cho con bú và tổng thời gian cho con bú mỗi 24 giờ là những yếu tố liên quan chặt chẽ nhất về việc khả năng sinh sản trở lại. Người mẹ có nhiều khả năng sinh sản trở lại nếu tần suất và / hoặc thời gian cho con bú của trẻ bị giảm xuống, đặc biệt nếu thay đổi đột ngột.
Ở một số quần thể, nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bú đêm làm chậm khả năng sinh sản trở lại. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bà mẹ tách con (nhưng vắt sữa để cung cấp 100% sữa mẹ cho con) có nguy cơ mang thai cao hơn (5,2%) trong 6 tháng đầu.
Việc cho trẻ ăn dặm vào cũng có thể là một yếu tố giúp tăng khả năng sinh sản trở lại. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm (nếu chu kỳ của mẹ chưa trở lại), thời kỳ vô kinh tự nhiên có thể kéo dài bằng cách cho trẻ bú mẹ trước khi cho trẻ ăn dặm, bắt đầu ăn dặm dần dần và không hạn chế bú mẹ.
Bạn có thể đạt được hiệu quả cao hơn bằng cách thực hành nuôi con bằng sữa mẹ theo mô hình sau:
- Để trẻ gần gũi với mẹ để tăng cơ hội bú mẹ
- Cho con bú theo yêu cầu (ngày và đêm)
- Sử dụng việc cho con bú để dỗ trẻ không quấy khóc
- Cho con bú ở tư thế nằm vào ban đêm (tạo sự thoải mái cho mẹ và bé)
- Không sử dụng bình sữa hoặc núm vú giả
Nếu bạn thực hành nuôi con theo mô hình này cơ hội mang thai thực tế là bằng không trong ba tháng đầu, dưới 2% trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng và khoảng 6% sau 6 tháng (giả sử kinh nguyệt của mẹ vẫn chưa trở lại). Thời gian có kinh trở lại trung bình là 14,6 tháng. Những bà mẹ có chu kỳ trở lại sớm có xu hướng không rụng trứng trong vài chu kỳ đầu tiên. Những bà mẹ có chu kỳ trở lại muộn hơn có nhiều khả năng rụng trứng trước kỳ kinh đầu tiên.
4. Bạn có cần phải cai sữa để mang thai không?
Câu trả lời là không. Nếu bạn vẫn đang trong giai đoạn phục hồi khả năng sinh sản (như đã thảo luận ở trên), việc cho con bú có thể ảnh hưởng đến sự thành công của việc làm tổ. Sau khi làm tổ thành công, việc cho con bú sẽ không ảnh hưởng đến một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu kinh nguyệt của bạn trở lại và ổn định đều đặn, có khả năng việc cho con bú không còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn.
Những thay đổi đột ngột trong cách thức cho con bú có xu hướng khiến khả năng sinh sản trở lại nhanh hơn (ví dụ: đột ngột cắt bỏ một buổi cho con bú, thay vì giảm dần thời gian cho con bú vào buổi đó) — ngay cả khi bạn tiếp tục cho con bú nhiều — đây là lý do tại sao nhiều bà mẹ gặp phải tình trạng quay trở lại khả năng sinh sản khi con họ ngủ suốt đêm hoặc bắt đầu ăn thức ăn đặc. Nếu bạn quyết định thay đổi mô hình cho con bú của mình, thời gian trong ngày mà bạn thực hiện thay đổi (ví dụ: cắt bỏ hoặc rút ngắn thời gian cho bú ban đêm thay vì thời gian cho bú ban ngày) sẽ không tạo ra nhiều sự khác biệt. Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng tần suất cho con bú và tổng thời gian cho con bú mỗi 24 giờ là những yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải là thời điểm cho con bú trong ngày.
Một số bà mẹ không thể mang thai khi đang cho con bú, nhưng điều này không thường gặp. Nhiều mẹ băn khoăn liệu việc cho con bú có ảnh hưởng đến độ tin cậy của que thử thai hay không. Câu trả lời là không - xét nghiệm mang thai đo lượng hormone hCG trong máu hoặc nước tiểu, và nồng độ hCG không bị ảnh hưởng khi cho con bú. Nhau thai đang phát triển bắt đầu giải phóng hCG khi làm tổ; thông thường có thể phát hiện thai bằng que thử thai trong vòng 7 -14 ngày sau khi thai làm tổ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com