Cơ thể ra sao khi thừa - thiếu magie?

Magie là một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên việc bổ sung thừa hay thiếu magie đều sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người.

1. Vai trò của magie trong cơ thể

Magie là một trong những khoáng chất có vai trò quan trọng đối với con người, tham gia vào khoảng 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Đa phần lượng magie trong cơ thể tập trung ở xương (khoảng 50 - 75% tổng lượng, trong đó magie kết hợp với canxi và phốt pho trong quá trình tạo xương). Lượng magie còn lại phân bố ở cơ bắp, những tổ chức mô mềm và một lượng rất nhỏ trong máu.

Magie là một thành phần rất quan trọng đối với hoạt động chức năng của tim, có tác dụng làm giảm nhu cầu oxy của cơ tim trong lúc cơ thể nghỉ ngơi cũng như trong lao động, tập luyện; tăng cường chức năng tim và phòng ngừa các bệnh tim mạch.

Magie còn có công dụng điều hòa hàm lượng đường trong máu và hỗ trợ ổn định huyết áp. Vai trò của magie là cực kỳ cần thiết trong quá trình tạo glycogen của cơ và gan từ glucose máu và tham gia vào cấu trúc nên các tổ chức mô, trong đó có xương.

Ngoài ra, nguyên tố dinh dưỡng này còn tham gia vào thành phần của nhiều loại enzyme với chức năng điều hòa nhiều quá trình khác nhau của cơ thể, điều hòa nhu động ruột và tham gia vào chu trình phân hủy glucose, acid béo và các acid amin trong toàn bộ quá trình chuyển hóa năng lượng. Ngoài ra, magie cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp lipidprotein, giúp tạo xương và các mô khác, bảo đảm tính ổn định trong dẫn truyền thần kinh và sự co cơ.

Bên cạnh đó, magie còn có tác động kích thích hệ miễn dịch, bảo vệ các cơ quan, giúp tế bào chống lại những tác động xấu từ môi trường bên ngoài và ngăn cản sự xâm nhập của các kim loại nặng từ hóa chất, khí thải công nghiệp, khói xe ô-tô, xe máy và các loại động cơ dùng xăng dầu.

Nhu cầu magie với một người trưởng thành là khoảng 350 - 400 mg/ngày. Với những người lao động thể lực thường xuyên, làm việc nặng nhọc, vận động viên thể thao, nhu cầu magie cần nhiều hơn 1,5 - 2 lần. Mặt khác, trẻ em cần ít magie hơn (6 tháng tuổi: 30mg; 1 - 3 tuổi: 80mg; 9 - 13 tuổi: 240mg magie/ngày).


Magie là một thành phần rất quan trọng đối với hoạt động chức năng của tim.
Magie là một thành phần rất quan trọng đối với hoạt động chức năng của tim.

2. Magie giảm trong trường hợp nào?

Nồng độ magie trong máu giảm thấp có thể là dấu hiệu cơ thể không hấp thụ đủ hoặc bài tiết quá nhiều magie. Tình trạng giảm magie máu cũng có thể là nguyên nhân gây ra hạ canxi máu và cũng thường liên quan đến giảm kali máu. Sự thiếu hụt magie thường thấy trong những trường hợp sau:

  • Người có chế độ ăn uống kém (thường gặp ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng và nghiện rượu);
  • Tiêu chảy kéo dài;
  • Rối loạn tiêu hóa (bệnh Crohn);
  • Đái tháo đường không kiểm soát tốt;
  • Sau phẫu thuật;
  • Suy tuyến cận giáp;
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu dài ngày;
  • Bỏng nặng;
  • Nhiễm độc thai nghén đối với phụ nữ mang thai.

Những dấu hiệu lâm sàng của thiếu hụt magie có khả năng chỉ xuất hiện khi nồng độ magie huyết thanh giảm dưới 0,5mmol/L.

3. Triệu chứng thiếu magie

3.1. Tăng huyết áp

Những người có huyết áp tốt thường là nhóm người có lượng magie cao nhất. Theo đó, magie có tác dụng giúp thư giãn mạch máu và hỗ trợ vận chuyển kali, là một khoáng chất quan trọng giúp giữ cho thành mạch máu mềm mại, máu được lưu thông dễ dàng nên huyết áp ổn định. Khi cơ thể bị thiếu magie, nguy cơ sẽ dẫn đến tăng huyết áp.

3.2. Vôi hóa động mạch

Thiếu magie ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe động mạch. Magie thấp có thể là nguyên nhân khiến cho các động mạch bị vôi hóa, bởi magie là tác nhân giúp cân bằng lượng canxi trong cơ thể. Khi thiếu hụt nguyên tố này, động mạch mất đi tính đàn hồi, trở nên vôi hóa và cuối cùng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là ngưng tim và đột quỵ.

Ngoài tác hại làm cho động mạch bị vôi hóa, co cứng thì magie giảm thấp cũng làm cho các mô cơ bị cứng lại, dẫn đến nguy cơ chuột rút. Ngoài ra, magie còn có tác dụng ổn định sợi trục thần kinh hoặc sợi thần kinh truyền thông tin từ cơ thể đi. Nếu cơ thể thiếu magie quá mức, các sợi trục thần kinh phản ứng nhanh, dẫn đến hậu quả làm cho cơ run rẩy, co thắt, thậm chí suy yếu nghiêm trọng.

3.3. Gây gián đoạn giấc ngủ

Bổ sung magie đầy đủ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Magie có tác dụng duy trì chức năng cho một số thụ thể ở não, cho phép não chuyển đổi trạng thái thoải mái hơn và đi đến giấc ngủ dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu thiếu magie, bệnh nhân thường sẽ bị gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể.

3.4. Suy giảm năng lượng

Magie là khoáng chất rất cần thiết trong quá trình sản xuất năng lượng adenosine triphosphate (ATP) trong tế bào. Magie hoàn thành chức năng này bằng cách liên kết với ATP - “đồng tiền” năng lượng chính trong tế bào, giúp cơ thể luôn trong trạng thái minh mẫn, khỏe mạnh. Khi thiếu hụt magie, cơ thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, tinh thần suy nhược.

3.5. Lo lắng và trầm cảm

Ngoài tác dụng điều chỉnh nồng độ canxi, magie còn có chức năng kiểm soát glutamate. Canxi và glutamate là hai tác nhân gây kích hoạt thụ thể N-methyl-D-aspartate (NMDA), dẫn đến sự hoạt hóa quá mức, lâu dài có thể làm tổn thương các nơron, hậu quả cuối cùng dẫn đến chết tế bào.

Đây là hiện tượng rất khó khắc phục đối với tế bào não và có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người, đặc biệt là hiệu ứng bồn chồn, lo lắng và trầm cảm.

3.6. Ảnh hưởng đến xương cốt

Tương tự như canxi, magie rất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Magie tạo điều kiện cho quá trình hấp thu canxi của vitamin D cũng như tác dụng kích thích hormon calcitonin thu hút canxi trong mô mềm và chuyển nó vào cho xương.


Tương tự như canxi, magie rất quan trọng đối với sức khỏe của xương.
Tương tự như canxi, magie rất quan trọng đối với sức khỏe của xương.

4. Bổ sung magie thế nào?

Khi thiếu magie, bệnh nhân có thể bổ sung bằng cách dùng gạo, lúa mì, yến mạch, là những loại thực phẩm giàu magie hàng đầu, trong đó nguồn gạo thô rất dễ tìm kiếm. Cứ mỗi 100g gạo thô sẽ chứa khoảng 781 mg magie (chiếm 195% lượng magie cơ thể cần mỗi ngày).

Bên cạnh đó, bí ngô (bí đỏ), hạt dưa hấu ở nước ta cũng khá dễ tìm kiếm và là nguồn bổ sung magie lý tưởng. Theo đó, cứ 100g hạt bí ngô sẽ cung cấp một lượng magie là 535mg, còn 100g hạt dưa hấu chứa khoảng 515mg. Ngoài ra, hạt hướng dương không chỉ xếp hàng đầu về hàm lượng vitamin E mà còn chứa một lượng magie khá cao (cứ 100g hạt hướng dương bổ sung khoảng 325mg magie, chiếm 81% nhu cầu hàng ngày).

Rau xanh là thực phẩm không chỉ cung cấp lượng vitamin tuyệt vời mà còn là nguồn bổ sung magie cần thiết hàng ngày. Ăn sống hay chế biến các loại rau này đều có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ được các dưỡng chất thiết yếu. Các loại rau giàu magie phải kể đến là rau cải xanh, bông cải xanh, cải xoăn, lá củ cải, cần tây, dưa chuột, atiso...

Trong trường hợp phải bổ sung magie bằng dược phẩm, cần có chỉ định và dùng theo toa của bác sĩ, không tự ý mua thuốc sử dụng hoặc dùng các sản phẩm bổ sung không rõ nguồn gốc.

5. Đối tượng nào dễ bị thừa magie?

Thừa magie trong máu hiếm khi do các nguồn thực phẩm nạp vào mà thường là do hiện tượng giảm bài tiết hoặc bổ sung magie quá mức. Sự gia tăng nồng độ magie trong máu thường thấy trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân suy thận;
  • Cường cận giáp, suy giáp;
  • Bị mất nước;
  • Nhiễm acid do đái tháo đường;
  • Bệnh Addison;
  • Sử dụng các thuốc kháng acid có chứa magie hoặc thuốc nhuận tràng.

6. Triệu chứng thừa magie

Những triệu chứng thường gặp phải khi thừa magie là buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, chóng mặt, yếu cơ. Dùng quá liều magie dẫn đến bổ sung một lượng magie quá lớn vào cơ thể, gây tổn thương tim hoặc suy hô hấp, nhất là với những người có sẵn bệnh thận.

Đối với những bệnh nhân này, cần phải chuyển đến viện để theo dõi chức năng tim mạch, hô hấp và cho dùng thuốc để kích thích cơ thể bài xuất lượng magie dư thừa, nhằm cải thiện triệu chứng thừa magie.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe