Có phải bà bầu nào cũng cần làm xét nghiệm Triple test

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Có phải bà bầu nào cũng xét nghiệm Triple test? Thường là thắc mắc của không ít phụ nữ mang thai khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Tuy nhiên, không phải bà bầu nào cũng cần làm xét nghiệm Triple test, khi xét nghiệm Double test cho ra kết quả nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, lúc đó mẹ bầu mới tiến hành làm xét nghiệm Triple test.

1. Triple test là gì?

Xét nghiệm Triple test hay còn có tên gọi khác là xét nghiệm bộ ba là một loại thủ thuật không xâm lấn giúp xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho bà bầu. Xét nghiệm này hoàn toàn an toàn cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Các bác sĩ sẽ lấy máu của người mẹ để xét nghiệm và tìm ra một số nguy cơ dị tật của thai nhi thông qua kiểm tra nồng độ ba chất AFP, hCG và Estriol trong máu của mẹ bầu.

  • AFP: alpha-fetoprotein là một loại protein được sản xuất bởi bào thai;
  • hCG: human chorionic gonadotropin – loại hoóc môn được tiết ra bởi nhau thai;
  • Estriol: estriol là estrogen được sản xuất bởi cả bào thai và nhau thai.

Các chỉ số trên sẽ được tính toán cùng với rất nhiều các chỉ số khác của người mẹ như tuổi, cân nặng, chiều cao, tuổi thai,... Nhờ một phần mềm chuyên dụng để đánh giá nguy cơ các hội chứng Down, Edward hoặc dị tật ống thần kinh của thai nhi.


Triple test là xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn trước sinh cho bà bầu
Triple test là xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn trước sinh cho bà bầu

2. Đối tượng cần làm xét nghiệm Triple test

Xét nghiệm Triple test là loại xét nghiệm mang tính chất sàng lọc được thực hiện trong khoảng thời gian từ tuần thứ 15-20 của thai kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ thai nhi có bị dị tật ống thần kinh không.

Đối với những mẹ bầu có kết quả double test ở tuần thai thứ 11-13 bình thường và tiểu sử gia đình hoàn toàn khỏe mạnh có thể bỏ qua xét nghiệm này. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dưới đây thì việc thực hiện triple test là cần thiết:

  • Tuổi trên 35;
  • Sử dụng thuốc hoặc chất gây nghiện nguy hiểm trong thời gian mang thai;
  • Đã từng sảy thai hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân;
  • Đã từng mang thai hoặc sinh con có các dị tật di truyền;
  • Tiền sử gia đình có người sinh con dị tật;
  • Đái tháo đường;các bệnh mãn tính
  • Nhiễm virus trong quá trình mang thai;
  • Tiếp xúc với phóng xạ;
  • Mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai;
  • Có các biểu hiện hoặc nghi ngờ bất thường trên kết quả siêu âm.

Đặc biệt những thai phụ đã kiểm tra Double test có kết quả thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh ở mức ranh giới cần phải thử tiếp xét nghiệm Triple test để đánh giá mức độ nguy cơ rõ ràng hơn.


Xét nghiệm Triple test giúp đánh giá mức độ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Xét nghiệm Triple test giúp đánh giá mức độ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi

3. Cách tiến hành xét nghiệm Triple test

Xét nghiệm Triple test thường được thực hiện:

  • Trong tuần thứ 15-20 của thai kỳ;
  • Thực hiện bằng cách bằng cách phân tích mẫu máu của mẹ. Do đó, nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé;
  • Kết quả xét nghiệm có thể được trả lại cho thai phụ vài ngày sau đó.

Ngoài kết quả xét nghiệm với máu, các nguy cơ dị tật bào thai còn được định lượng trên các yếu tố như tuổi tác, cân nặng, chứng tiểu đường hoặc những bất thường về gen của người mẹ...

Các chất hóa sinh (alpha fetoprotein), β-hCG (beta-human chorionic gonadotropin) và estriol không liên hợp uE3 (unconjugated estriol) còn gọi là estriol tự do (free estriol) trong máu thai phụ được sản xuất một cách bình thường và xuất hiện trong máu mẹ trong quá trình phát triển của thai và nhau thai.

Giá trị bình thường của các thông số để đánh giá nguy cơ như sau:

  • AFP < 0,4 hoặc > 2,5 MoM
  • β-hCG < 0,4 hoặc > 2,5 MoM
  • uE3 (estriol) < 0,5 MoM

Hàm lượng AFP cao vượt chuẩn cho thấy thai nhi đang có có nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh hoặc thiếu một phần não.

Hàm lượng AFP thấp, những bất thường về lượng hCG và estriol cho thấy khả năng bào thai có thể mắc phải hội chứng Down (3 nhiễm sắc thể thứ 21) hoặc hội chứng Edward (3 nhiễm sắc thể thứ 18) và các bất thường nhiễm sắc thể khác.

Nếu kết quả xét nghiệm Triple test bất thường, mẹ bầu nên trao đổi kỹ với bác sĩ để được thực hiện chẩn đoán xác định bằng thủ thuật xâm lấn như chọc dò ối hoặc sinh thiết gai nhau.


Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác nếu kết quả Triple test bất thường
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác nếu kết quả Triple test bất thường

4. Những lưu ý về xét nghiệm Triple test

Để thực hiện xét nghiệm Triple test cần những lưu ý:

  • Mẹ bầu cần nhớ chính xác tuần thai, thực hiện đúng thời điểm mới cho kết quả sàng lọc chính xác. Đa số các trường hợp có hàm lượng AFP tăng là do xác định tuổi thai sai.
  • Trước khi đi làm xét nghiệm Triple test mẹ bầu cần nhịn ăn và chỉ được uống nước lọc trước khi làm xét nghiệm.
  • Khi đi cần mang theo sổ khám thai định kỳ, đồng thời nắm rõ tiểu sử sức khỏe gia đình mình và gia đình nhà chồng.
  • Xét nghiệm này không được chỉ định cho những mẹ bầu mang đa thai vì các chỉ số này trong máu những mẹ bầu mang đa thai có thể tăng bất thường khiến kết quả xét nghiệm sẽ không chính xác. Những trường hợp này chỉ nên sử dụng siêu âm 4D để chẩn đoán dị tật.
  • Kết quả của xét nghiệm Triple test chỉ cho biết nguy cơ, không phải là cơ sở để quyết định đình chỉ hay tiếp tục thai kỳ. Nếu có bất thường mẹ bầu cần làm thêm xét nghiệm khác để có kết quả chính xác hơn.

Xét nghiệm Triple test là một trong những xét nghiệm sàng lọc trước sinh hiện đại được áp dụng rộng rãi. Vì vậy, để đảm bảo kết quả cho ra độ chính xác cao cần đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe