Thời tiết nắng nóng có thể khiến trẻ mắc nhiều bệnh lý như mụn nhọt, nhiễm khuẩn,... Nhiều bậc phụ huynh cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do bé bị nóng gan và tự ý sử dụng các thuốc giải độc gan cho bé. Vậy độ an toàn và hiệu quả thực sự của phương pháp này là gì?
1. Nguyên nhân nóng gan ở trẻ
Nóng gan là một thuật ngữ chỉ tình trạng tổn thương ở gan gây nên các triệu chứng khiến bệnh nhân rất khó chịu. Thực chất, nguyên nhân nóng gan do nhiều yếu tố tác động, có thể chia làm hai nhóm nguyên nhân chính:
1.1. Nguyên nhân bên trong
Ở trẻ nhỏ, các cơ quan còn non yếu, chức năng gan chưa hoàn thiện, do đó việc thải độc cũng chưa thực sự tốt và dễ tích tụ độc tố trong gan. Đây là điều kiện phát sinh mẩn ngứa, mụn nhọt. Ngoài ra, sự rối loạn nội tiết tố, thiếu dinh dưỡng, bệnh lý huyết học,... cũng có thể là nguyên nhân gây nóng gan ở trẻ.
1.2. Nguyên nhân bên ngoài
- Sử dụng nhiều loại thuốc hoặc hóa chất: Sử dụng thuốc kháng sinh thời gian dài ở trẻ tiềm ẩn các tác dụng không mong muốn. Một trong các tác dụng phụ có thể gặp là nóng gan.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, các món nướng, chiên, xào, đồ ăn cay nóng, hay các thực phẩm giàu năng lượng khiến gan bị quá tải, độc tố tích tụ trong gan và gia tăng tình trạng nóng gan ở trẻ.
- Không uống đủ nước: Việc thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động trong cơ thể, kể cả quá trình thải độc của gan.
- Ô nhiễm môi trường: Môi trường nhiễm bẩn hay hít khói thuốc lá thụ động ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, có thể dẫn đến các bệnh lý ở gan.
2. Các triệu chứng nóng gan ở trẻ
Không phải trẻ nhỏ mà trẻ sơ sinh cũng có thể bị nóng gan. Một số triệu chứng thường gặp ở trẻ bị nóng gan là:
- Nổi mụn nhọt, mẩn ngứa: Bé bị nóng gan có thể xuất hiện mụn nhọt gây sưng đỏ, ngứa, đau nhức, nếu gãi nhiều có thể làm trầy xước và nhiễm trùng da. Ngoài ra, nóng gan ở trẻ cũng có thể biểu hiện với các mẩn ngứa, mày đay hay dị ứng.
- Nhiệt miệng, loét miệng, chảy máu chân răng: Trẻ bị nóng gan thường bị nhiệt miệng, loét miệng, điều này khiến trẻ khó chịu, đau đớn và ăn uống khó khăn. Đôi khi trẻ còn bị chảy máu chân răng, hay hơi thở có mùi.
- Táo bón: Một trong những chức năng của gan là bài tiết dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Chức năng gan giảm sút ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và có thể khiến trẻ bị táo bón.
- Tiểu ít: Trẻ nhiễm độc gan cũng có thể gặp các triệu chứng tiết niệu như tiểu ít, nước tiểu vàng sậm.
- Các triệu chứng khác: Đổ mồ hôi trộm, khát nước nhiều, bứt rứt, khó ngủ, nhức đầu,... cũng có thể là biểu hiện ở trẻ bị nóng gan.
3. Có nên giải độc gan cho bé?
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc Đông y, Tây y được giới thiệu với công dụng giải độc gan, làm mát gan. Tuy nhiên, một số phụ huynh tự ý sử dụng các loại thuốc này mà không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, khiến cho trẻ có thể gặp một số tác dụng không mong muốn, đôi khi còn phản tác dụng.
Theo Đông y, thuốc thanh nhiệt là các loại thuốc có tác dụng tả hỏa, giải độc, dùng để trị các chứng nhiệt độc thịnh, đinh nhọt, phát ban,... Một số loại thảo dược đã được sử dụng như thuốc giải độc gan có thể kể đến như: Kim ngân, diếp cá, bồ công anh, sài đất, liên kiều, sâm đại hành,... Ngoài ra, các loại dược vật này còn hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn hô hấp như: Viêm họng, viêm amydal, viêm phế quản, viêm phổi,... Người ta còn phối hợp các loại thảo dược này với nhau để tạo thành các bài thuốc y học cổ truyền như: thanh ôn bại độc ẩm, hoàng liên giải độc thang, tả tâm thang, phổ tế tiêu độc ẩm.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là nhiều loại thuốc lưu hành trên thị trường có nguồn gốc xuất xứ và thành phần không rõ ràng. Một số loại thảo dược có khả năng chữa bệnh, nhưng cũng đi kèm với nhiều nguy cơ, tác dụng phụ do độc tính của nó mang lại. Do đó, để một loại thuốc có thể đưa vào sử dụng, các dược sĩ phải dành nhiều thời gian phân tích, bào chế cũng như nghiên cứu giữa lợi ích và nguy cơ. Việc tự ý sử dụng các loại dược vật đôi khi còn gây hại cho chính trẻ.
Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu mẩn ngứa, mụn nhọt, hay các dấu hiệu khác nghi ngờ nóng gan, nhiễm độc gan, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh, chẩn đoán nguyên nhân, và được tư vấn, hướng dẫn điều trị chính xác.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc giải độc gan, thuốc thanh nhiệt:
- Thận trọng khi sử dụng thảo dược giải độc gan ở người có tổn thương tân dịch, vì các dược vật giải độc gan chủ yếu mang tính hàn.
- Chú ý nguồn gốc và thành phần của thuốc giải độc gan, cách bảo quản cũng như hạn sử dụng.
4. Một vài lời khuyên dinh dưỡng ở trẻ bị nóng gan
Đối với những trẻ bị nóng gan đang bú mẹ hoàn toàn, người mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng,... Ở trẻ dùng sữa công thức mà bị nóng gan, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thành phần của sữa, cách pha sữa,... vì các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa cũng như thải độc của gan.
Trẻ lớn hơn cần được bổ sung thêm nước để cải thiện tình trạng nóng gan. Việc cung cấp đủ nước giúp gan, thận hoạt động hiệu quả hơn và giúp đào thải độc tố qua đường mồ hôi, nước tiểu.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ, cần hạn chế các gia vị có tính nóng, cũng như không nên cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm, nhiều dầu mỡ, quá mặn hoặc quá ngọt. Phụ huynh có thể tham khảo một số thực phẩm cải thiện nóng gan ở trẻ:
- Rau má: Rau má giúp làm mát cơ thể, giải độc gan, do đó phụ huynh có thể chế biến rau má thành các món như: canh rau má, nước ép rau má,... cho trẻ sử dụng.
- Rau ngót: Rau ngót cũng có tác dụng thanh nhiệt, làm mát,... Cho trẻ uống nước ép rau ngót hoặc ăn canh rau ngót có thể hỗ trợ giải độc gan.
- Rau mồng tơi: Rau mồng tơi chứa nhiều dưỡng chất, các vitamin, khoáng chất thiết yếu, và có thể được dùng như bài thuốc mát gan. Sử dụng rau mồng tơi hợp lý trong khẩu phần ăn có thể giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ giải độc gan.
- Rau dền: Rau dền chứa các khoáng chất, vitamin cũng như nhiều sterol, acid béo, giúp giải độc, thanh nhiệt.
- Rau diếp cá: Diếp cá là một thực phẩm tốt xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày. Diếp cá có thể được dùng với mục đích thanh nhiệt, hỗ trợ giải độc gan.
- Nước ép trái cây: Bé bị nóng gan cần được tăng cường các loại nước ép trái cây có tính mát như: dưa lê, chanh, cam, bưởi, thanh long, dưa hấu, bơ, dâu tây, táo,... Các loại thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất, hỗ trợ gan đào thải độc tố hiệu quả.
5. Cách phòng tránh nóng gan ở trẻ
Để tránh nóng gan ở trẻ, phụ huynh có thể tham khảo một số lời khuyên sau:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, tránh ăn nhiều đồ chiên, xào, nướng. Tăng cường rau xanh, trái cây.
- Trẻ cần được đảm bảo lượng nước để chuyển hóa trong cơ thể diễn ra thuận lợi, tránh tích tụ chất độc ở gan.
- Tăng cường vận động phù hợp với từng độ tuổi của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.