Chụp CT toàn thân để tầm soát ung thư là một kỹ thuật hiện đại nhằm phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý, bất thường trong cơ thể người. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn một vài nhược điểm, do đó chỉ định chụp CT toàn thân hiện nay cần cân nhắc, tùy nhu cầu và đối tượng.
1. Chụp CT là gì?
Chụp CT hay còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính là một kỹ thuật hiện đại sử dụng tia X chiếu từ các góc độ khác nhau lên một bộ phận trên cơ thể cần kiểm tra theo các lát cắt ngang và qua hệ thống xử lý máy tính thu được kết quả là hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều của bộ phận đó.
Chụp CT được sử dụng chẩn đoán trong những trường hợp sau:
- Chẩn đoán các rối loạn ở cơ và xương, ví dụ như khối u xương hay gãy xương
- Xác định vị trí của một khối u, cục máu đông hay nhiễm trùng
- Hỗ trợ phẫu thuật, sinh thiết và xạ trị
- Phát hiện và theo dõi các bệnh ung thư hay tim mạch,...
- Giám sát hiệu quả điều trị như trong điều trị ung thư,...
- Phát hiện các nội tổn thương và chảy máu trong.
Chụp CT không gây đau và chỉ mất một vài phút, sau đó người bệnh sẽ được nghỉ ngơi trong thời gian ngắn và hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, chụp CT có thể gặp một số rủi ro khác như:
- Gây hại cho thai nhi: bức xạ từ chụp CT không làm tổn thương tái thai nhi, nhưng các bác sĩ thường khuyên các bà mẹ đang mang thai chuyển sang các xét nghiệm khác nhằm tránh cho thai nhi không phơi nhiễm bức xạ.
- Phơi nhiễm phóng xạ: khi chụp CT người bệnh có tiếp xúc với bức xạ ion hóa trong một thời gian ngắn. Lượng bức xạ trong chụp CT lớn hơn so với chụp X-quang, tuy nhiên nguy cơ này rất nhỏ và hiếm khi xảy ra.
- Phản ứng với vật liệu tương phản: một số trường hợp cần phải tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch trước khi chụp CT và có thể gây ra các phản ứng như phát ban, ngứa ngáy,... Rất hiếm những trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Chụp CT toàn thân
Chụp CT toàn thân là kỹ thuật thuộc nhóm cao cấp, đây là kỹ thuật hiện đại được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán bệnh lý trong cơ thể người. Kỹ thuật này sử dụng tia X nhằm quan sát các cấu trúc, chi tiết của bộ phận cần kiểm tra. Chụp CT toàn thân có thể phát hiện sớm các bệnh lý như ung thư, các khối u trong cơ thể như ung thư vú, ung thư phổi, tuyến giáp và các bệnh về não,.. mà không cần xâm lấn và gây đau đớn,...
Chụp CT toàn thân là chụp từng bộ phận trên cơ thể con người như chụp ổ bụng, tim, não,... Do đó, kỹ thuật này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Máy CT sẽ phải chảy toàn bộ cơ thể bệnh nhân để kiểm tra, thời gian có thể sẽ kéo dài khoảng 30-50 phút.
Bệnh nhân sẽ được đặt lên bàn chụp và di chuyển vào khung máy, trong đó có cái đầu đèn phát tia tương tự chụp X-quang, nó xoay vòng quanh bệnh nhân, vừa quay vừa bắn tia tạo thành các khoang lát cắt. Lúc này, độ hấp thụ tia X của các thành phần khác nhau sẽ được máy tính xử lý và cho ra các hình ảnh có nhiều độ đậm khác nhau. Các lát cắt này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhìn thấu vào trong một cách rõ ràng về vị trí giải phẫu vừa xác định được thành phần bản chất tổn thương.
3. Có nên chụp CT toàn thân để tầm soát ung thư?
Chụp CT toàn thân có thể kiểm tra được các bộ phận trên cơ thể bệnh nhân bao gồm: não, xương, mạch máu, các mô mềm, và các nội tạng,... nhằm phát hiện được những bất thường trong cơ thể. Từ đó, có thể tầm soát được các bệnh ung thư và phát hiện sớm các khối u nguy hiểm trong cơ thể. Đây cũng là cơ sở giúp cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.
Tuy nhiên, chụp CT toàn thân cũng vẫn tồn tại một số nhược điểm như:
- Phương pháp này cũng sử dụng tia X chiếu vào cơ thể, mặc dù mức độ này an toàn với sức khỏe nhưng nếu áp dụng nhiều lần có thể khiến người bệnh bị nhiễm xạ.
- Phương pháp chụp CT không áp dụng được với những bệnh nhân là trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai,... bởi những tia X có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi trong bụng bà bầu.
- Đối với một vài trường hợp chỉ định sử dụng thuốc cản quang bệnh nhân có dấu hiệu phản ứng với thuốc gây ra dị ứng, phát ban, khó thở,...
- Vì quét cùng kiểu cho toàn bộ các cơ quan nên vẫn có thể bỏ sót tổn thương và hiện cũng chưa thấy phổ biến rộng rãi như là chương trình mang tính quốc gia ở các nước khác, nên chỉ định CT toàn thân hiện nay là cân nhắc, tùy nhu cầu và đối tượng.
Tuy rằng, chụp CT là phương pháp kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư hiệu quả nhưng không phải đối tượng nào cũng nên thực hiện. Chụp CT toàn thân chỉ nên thực hiện với những bệnh nhân đã trên 50 tuổi, hay những đối tượng đang bị nghi ngờ mắc các bệnh mãn tính. Bởi vì ngoài 50 tuổi, cơ thể bắt đầu già đi và lão hóa, hormone thay đổi, khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích lũy và hình thành phát sinh bệnh. Do đó, việc tầm soát ung thư và phát hiện sớm các bất thường là rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị. Đối với những người trong độ tuổi 30 tuổi không được khuyến khích áp dụng.
Tóm lại, chụp CT toàn thân là một phương pháp hiện đại, có thể kiểm tra được các bộ phận trên cơ thể bệnh nhân bao gồm: não, xương, mạch máu hay các mô mềm,... nhằm phát hiện được những bất thường trong cơ thể. Từ đó có thể tầm soát được các bệnh ung thư và phát hiện sớm các khối u nguy hiểm trong cơ thể. Để đảm bảo an toàn cũng như có kết quả chụp CT chính xác, rõ nét thì bệnh nhân nên chọn các địa chỉ có máy chụp CT hiện đại, có trang thiết bị y tế đầy đủ, đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm.