Có nên cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Hải từng làm việc tại Khoa Nhi sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là khám và điều trị nhi khoa tổng quát, khám và điều trị nhi sơ sinh, hồi sức nhi.

Cắt bao quy đầu là một phẫu thuật cắt bỏ lớp da che đậy phần đầu của dương vật, gọi là bao quy đầu. Cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh là một trong những chỉ định không bắt buộc đối với trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ, và nó cũng để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm nên các bậc phụ huynh cần phải xem xét kỹ trước khi quyết định tiến hành thủ tục này.

1. Hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh là gì?

Hẹp bao quy đầu ở trẻ là tình trạng bao quy đầu trên dương vật bị dính lại, thắt chặt và không thể kéo xuống được, hay còn được định nghĩa là hiện tượng da quy đầu của dương vật không có khả năng tuột ra khỏi quy đầu. Đây là một trong những tình trạng bệnh lý phổ biến ở những bé trai, với ước tính gần 96% bé trai khi sinh ra sẽ bị hẹp bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ được chia làm 2 loại:

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý:

Chiếm đại đa số các trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do sự kết dính tự nhiên của bao quy đầu và quy đầu nhằm bảo vệ quy đầu cũng như lỗ tiểu của bé khi mới sinh ra. Khi lớn lên, khả năng hẹp bao quy đầu ở trẻ sẽ giảm dần và bao quy đầu sẽ dần tuột ra khỏi quy đầu được. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ 16 tuổi bị dính bao quy đầu và không thể tuột bao quy đầu ra được, nhưng chỉ chiếm khoảng 1%.

  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý:

Chiếm khoảng dưới 16% trong hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do sau khi viêm nhiễm gây ra sẹo xơ khiến trẻ bị dính bao quy đầu. Đối với những trường hợp hẹp bao quy đầu bệnh lý này thì không thể áp dụng phương pháp điều trị nội khoa được.


Hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh là tình trạng bao quy đầu trên dương vật bị dính lại, thắt chặt và không thể kéo xuống được
Hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh là tình trạng bao quy đầu trên dương vật bị dính lại, thắt chặt và không thể kéo xuống được

2. Cách nhận biết hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng của hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Bao quy đầu không tuột ra được.
  • Khi tiểu tiện thì bao quy đầu của bé phồng lên như bong bóng khiến bé tiểu khó, phải rặn khi đi tiểu, có cảm giác đau và quấy khóc.
  • Dương vật ngứa, đỏ, sưng.
  • Đầu dương vật xuất hiện mủ, dịch bất thường.
  • Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.

Với những trẻ em dưới 2 tuổi và có hiện tượng hẹp bao quy đầu sinh lý thì khi điều trị không cần đến thủ thuật nong bao quy đầu cho trẻ sơ sinh, mà chỉ cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ hướng dẫn vệ sinh bao quy đầu đúng cách và tuột bao quy đầu một cách nhẹ nhàng tại nhà. Một số trường hợp bao quy đầu quá sít chặt thì sẽ được chỉ định nong bao quy đầu.

3. Khi nào cần cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh?

Cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý.
  • Viêm da quy đầu mức độ nặng, viêm da quy đầu tái phát hay điều trị thất bại.
  • Bao quy đầu bị nghẹt không tuột lên được.
  • Hẹp bao quy đầu dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu tái phát

Việc cắt bao quy đầu cho trẻ chỉ được thực hiện khi bé hoàn toàn khỏe mạnh và có một tình trạng sức khỏe tốt. Đa số những trẻ em lớn hơn (trên 3 tuổi) với da quy đầu bị xơ hoặc quá khít mà biện pháp nong bao quy đầu không thể thực hiện được thì sẽ được áp dụng cắt bao quy đầu.

Dịch ẩm là chất dịch nằm giữa quy đầu và bao quy đầu có tác dụng bóc tách tự nhiên giúp bao quy đầu kéo tuột lên được. Trong dịch ẩm, các tế bào biểu mô của bao quy đầu tróc ra, tích thành những mảng trắng chứa tế bào chết và dễ dàng để vệ sinh sạch sẽ khi tuột bao quy đầu xuống. Vì vậy, khi ta cắt bao quy đầu thì chất này sẽ được rửa sạch một cách dễ dàng và không gây ra viêm nhiễm, mùi hôi.

Ngoài ra, trẻ cắt bao quy đầu sẽ ít bị nhiễm trùng đường tiểu hơn là những trẻ không thực hiện cắt bao quy đầu, và hơn nữa, phương pháp này cũng giúp phòng ngừa ung thư dương vật ở nam giới. Một số nghiên cứu còn cho rằng cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh sẽ làm giảm khả năng mắc phải virus HIV, từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV cũng như những bệnh liên quan đến sức khỏe tình dục khác.


Việc cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh chỉ được thực hiện khi bé hoàn toàn khỏe mạnh và có một tình trạng sức khỏe tốt
Việc cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh chỉ được thực hiện khi bé hoàn toàn khỏe mạnh và có một tình trạng sức khỏe tốt

4. Các bước cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh

Cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh được thực hiện theo những bước sau:

  • Gây tê cho trẻ để giảm đau trong quá trình phẫu thuật.
  • Làm sạch dương vật, bao quy đầu.
  • Kẹp chuyên dụng được gắn vào dương vật.
  • Cắt bỏ bao quy đầu.
  • Băng vết thương, bôi sáp mỡ để không cho dương vật cọ xát vào tả của trẻ.

Cắt bao quy đầu cho trẻ là một phương pháp tự chọn. Phụ huynh có thể lựa chọn hoặc không lựa chọn phương pháp này để áp dụng lên đứa bé. Nguyên nhân mà phụ huynh chọn cắt bao quy đầu cũng có thể do tôn giáo, ví dụ như người Hồi giáo và người Do Thái luôn lựa chọn cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh trong nhiều thế kỷ. Ngược lại, một số cha mẹ không tin tưởng vào phương pháp này vì lo sợ những biến chứng sẽ xảy ra như chảy máu bao quy đầu, nhiễm trùng vết mổ, để lại sẹo xấu...

5. Chăm sóc trẻ sau cắt bao quy đầu

  • Phải sử dụng xà phòng dịu nhẹ cùng với nước để làm sạch vùng phân dính trên dương vật.
  • Thay tã thường xuyên cho bé vì nước tiểu và phân trong tã để lâu dễ gây nên tình trạng nhiễm trùng.
  • Chú ý những tình trạng như đỏ kéo dài, sưng, tiết ra chất lỏng đục bất thường và tạo thành một lớp vảy cứng trên bề mặt dương vật để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.
  • Sau khi cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh, sẽ có một miếng băng sáp mỡ đặt trên phía đầu của dương vật và dễ bị rơi ra khi bé đi vệ sinh, nên cần chú ý điều này để vết thương được mau lành hơn.

Khi có dấu hiệu hẹp bao quy đầu ở trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán có phải là một tình trạng bệnh lý hay không, từ đó có hướng xử lý phù hợp. Việc cắt bao quy đầu cho trẻ phụ thuộc vào mức độ hẹp bao quy đầu, và quan trọng nhất là cần được sự đồng ý của gia đình trẻ để có thể tiến hành.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đăng ký khám và điều trị với các bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, quý khách hàng vui lòng nhấp vào nút “Liên hệ” trên website hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe