Cơ hoành có tác dụng gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cơ hoành có vai trò quan trọng đối với hệ hô hấp. Nếu cơ hoành hoạt động kém, chức năng thông khí ở phổi bị giảm đi sẽ dẫn đến các cơ hô hấp phụ phải tăng cường hoạt động.

1. Cơ hoành ở đâu? Cơ hoành có chức năng gì?

Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, có hình vòm, làm thành một vách gân - cơ, ngăn giữa vị trí lồng ngực và ổ bụng. Cơ hoành có vai trò quan trọng trong sinh lý hệ hô hấp. Khi cơ hoành co thì vòm hoành hạ xuống, giúp cho lồng ngực giãn, áp lực trong lồng ngực giảm, không khí được hít vào trong và ngược lại.

Cơ hoành giải phẫu có diện tích bề mặt trung bình vào khoảng 250 cm2, khi cơ hoành hạ xuống 1 cm, tức là thể tích khí lưu vào phổi sẽ tăng xấp xỉ 250ml, khoảng một nửa thể tích khí lưu thông. Khi cơ hoành hạ xuống đến 7 - 8 cm, thể tích khí vào phổi lúc này có thể lên đến 2000ml. Như vậy, khi cơ hoành bị tổn thương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng khí ra vào phổi, gây ra suy hô hấp.


Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, có hình vòm, ngăn giữa vị trí lồng ngực và ổ bụng
Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, có hình vòm, ngăn giữa vị trí lồng ngực và ổ bụng

2. Triệu chứng rối loạn chức năng cơ hoành

2.1. Rối loạn chức năng cơ hoành nguy hiểm thế nào?

Triệu chứng của rối loạn chức năng cơ hoành có nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc vào độ nặng của tổn thương. Nếu cơ hoành chỉ bị yếu chứ chưa liệt hoặc tình trạng tổn thương chỉ xảy ra ở một bên (cơ hoành phải hoặc cơ hoành trái), bệnh nhân chỉ có biểu hiện khó thở khi gắng sức, hay khi vận động nhiều.

Trong trường hợp cơ hoành bị liệt hoàn toàn, triệu chứng khó thở sẽ biểu hiện thường xuyên hơn. Liệt một bên cơ hoành cũng có khả năng gây khó thở khi bệnh nhân nằm ở tư thế ngửa. Ngoài ra, các bệnh kèm theo như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, nhược cơ... có thể khiến tình trạng khó thở thêm trầm trọng hơn khi bị rối loạn chức năng cơ hoành.

Khó thở do liệt cơ hoành hai bên cũng nặng thêm mỗi khi bệnh nhân gập người, khi nằm đầu thấp hoặc khi tắm ngập nước từ thắt lưng trở lên. Liệt toàn bộ cơ hoành thường khiến cho bệnh nhân bị mất ngủ, giảm thông khí khi ngủ, mệt mỏi, khả năng tập trung kém, đau đầu, chóng mặt. Một số biến chứng khác do liệt cơ hoành là xẹp phổi, hoặc viêm hai đáy phổi.

2.2. Chẩn đoán rối loạn chức năng cơ hoành

Chẩn đoán tình trạng khó thở do nguyên nhân xuất phát từ cơ hoành sẽ được đặt ra nếu bệnh nhân có biểu hiện khó thở thường xuyên không rõ nguyên nhân, lặp đi lặp lại và đã từng mắc các bệnh gây tổn thương tủy sống, chấn thương vị trí cột sống cổ, các bệnh lý về thần kinh - cơ, có các khối u trung thất, từng thực hiện thông khí nhân tạo kéo dài....

Các biện pháp khám phát hiện rối loạn chức năng cơ hoành bao gồm việc tìm các dấu hiệu co kéo cơ hô hấp phụ (như cơ ức đòn chũm, cơ thang); xác định mức độ phồng xẹp của cơ hoành ở cả thì thở ra và hít vào hết sức.

Theo đó, triệu chứng điển hình nhất của liệt toàn bộ cơ hoành là bụng nghịch thường, hay hô hấp đảo. Thông thường, khi bệnh nhân hít vào, cả lồng ngực và vùng bụng đều phồng to lên (do cơ hoành phồng hít khí vào ổ bụng). Khi cơ hoành bị liệt, trong lúc hít vào, áp lực âm trong lồng ngực sẽ kéo cơ hoành lõm vào, dẫn đến bụng bệnh nhân cũng lõm vào theo.

Ngoài ra, một vài dấu hiệu cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán như: giảm dung tích sống với tư thế bình thường hay nằm ngửa, giảm áp lực hít vào tối đa...

3. Điều trị rối loạn chức năng cơ hoành


Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ của rối loạn chức năng cơ hoành nên đi khám sớm tại bệnh viện để được điều trị sớm, tránh biến chứng
Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ của rối loạn chức năng cơ hoành nên đi khám sớm tại bệnh viện để được điều trị sớm, tránh biến chứng

Mục tiêu điều trị rối loạn chức năng cơ hoành chủ yếu là giải quyết nguyên nhân, chẳng hạn như các bệnh lý tại não và tủy sống, bổ sung đủ kali, photpho, magiê, canxi, điều trị những tình trạng gây căng phổi (thường gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản) và đề phòng nhiễm khuẩn...

Trong trường hợp nhận thấy triệu chứng khó thở tăng lên, bác sĩ có thể cho bệnh nhân thở máy ngắt quãng hoặc liên tục. Bên cạnh đó, đối với trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật khâu kéo căng cơ hoành, nhất là khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả.

Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ của rối loạn chức năng cơ hoành nên đi khám sớm tại bệnh viện, tránh trường hợp để tình trạng yếu cơ hoành tiến triển thành liệt cơ hoành, khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị công nghệ hiện đại, hỗ trợ tối đa cho việc khám và điều trị đạt hiệu quả cao. Đặc biệt y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân sẽ giải quyết triệt để vấn đề mà người bệnh gặp phải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe