Có thể hàn răng khi đang mang thai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Lâm Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc các bệnh răng miệng do sự thay đổi hormone và thiếu hụt canxi. Ngoài gây ra những bất tiện trong cuộc sống, sâu răng ở bà bầu có thể làm tăng nguy cơ sinh non cho thai nhi. Rất nhiều thai phụ muốn đi hàn răng nhưng lại băn khoăn, không biết liệu hàn răng khi mang thai có an toàn hay không?

1. Tại sao phụ nữ mang thai dễ mắc các vấn đề răng miệng?

Khám răng định kỳ vô cùng quan trọng với tất cả mọi người, đặc biệt với phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là trong giai đoạn này, các hormone ProgesteroneEstrogen tăng lên, đẩy mạnh tuần hoàn và đưa nhiều máu tới lợi. Do đó, lợi sẽ bị sưng lên và dễ phản ứng với vi khuẩn, làm tăng mảng bám.

Thêm vào đó, lượng canxi - yếu tố quan trọng nhất giúp răng chắc khỏe trong cơ thể của phụ nữ có thai thường thay đổi liên tục, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng. Ở phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh, sự thay đổi này rất khó nhận thấy, còn đối với những phụ nữ (có trữ lượng canxi giảm) thì khi mang bầu lượng canxi trong cơ thể người mẹ có thể giảm đi rất nhiều.

Thai nhi ở 24 - 25 tuần tuổi là thời điểm hệ xương đang hình thành mạnh mẽ. Lượng canxi cần thiết để hình thành xương của trẻ được lấy từ cơ thể người mẹ. Nếu trong máu của người mẹ không đủ canxi để cung ứng, cơ thể sẽ huy động canxi từ xương, mà đầu tiên là mô xương hàm trên và hàm dưới.

Một vấn đề khác nữa dễ gặp trong khi mang thai là khô miệng. Trong thời gian mang bầu, lượng nước bọt tiết ra giảm. Nước bọt chứa nhiều thành phần làm chắc men răng, ngăn chặn sự xuất hiện của sâu răng. Khi lượng nước bọt tiết ra giảm cũng đồng nghĩa với nguy cơ sâu răng ở bà bầu cũng sẽ tăng lên.

Trong suốt thai kỳ, người mẹ nhiễm khuẩn ở bất cứ bộ phận nào thuộc cơ thể cũng gây những rủi ro tiềm ẩn cho cả bà mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai nếu không được điều trị dứt điểm bệnh về răng miệng có nguy cơ đẻ non cao hơn bình thường.


Khi lượng nước bọt tiết ra giảm cũng đồng nghĩa với nguy cơ sâu răng ở bà bầu cũng sẽ tăng lên
Khi lượng nước bọt tiết ra giảm cũng đồng nghĩa với nguy cơ sâu răng ở bà bầu cũng sẽ tăng lên

2. Có thể hàn răng khi đang mang thai không?

2.1 Hàn răng là gì?

Hàn răng còn được gọi là trám răng, là phương pháp lấp đầy khoảng trống của răng bằng những vật liệu nha khoa chuyên dụng, với mục đích khôi phục lại những chiếc răng đã bị hư hỏng do sâu răng, đem lại chức năng bình thường như răng thật.

Ngoài ra, hàn răng phủ một lớp bảo vệ lên bề mặt các răng hàm còn giúp ngăn chặn sự trú ngụ của các vi khuẩn.


Hàn răng là gì?
Hàn răng là gì?

2.2 Có bầu làm răng được không?

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị răng miệng an toàn được áp dụng. Một điều rõ ràng là không phải phương pháp điều trị răng miệng nào cũng được khuyến khích cho bà bầu.

Tuy nhiên bà bầu vẫn có thể trám và hàn răng sâu. Khi răng bị sâu răng (ở mức độ vừa phải, chưa gây đau nhức), bà bầu hoàn toàn có thể thực hiện hàn răng để giải quyết vấn đề răng miệng của mình.

Hàn răng khi mang thai hoàn toàn có thể thực hiện và nên được trám để tránh tình trạng sâu răng lan đến tủy gây viêm tủy. Đặc biệt trong giai đoạn thai nhi được 21 tuần tuổi (ba tháng giữa của thai kỳ) là giai đoạn mà nhiều thai phụ có thể chịu đựng được các can thiệp khó hơn như nhổ răng hoặc tiểu phẫu.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

Hàn răng nếu không sử dụng thuốc gây tê tại chỗ hoặc chụp X-quang thì mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm. Trong một số trường hợp, cần sử dụng thuốc gây tê tại chỗ và chụp X-quang. Đây có lẽ là điều làm thai phụ lo lắng và băn khoăn nhất. Về mặt lý thuyết thì điều này có thể được áp dụng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý:

  • Thuốc tê trong nha khoa về mặt lý thuyết là không gây ảnh hưởng gì cho thai nhi, vì đây chỉ là thuốc tê tại chỗ, tác dụng rất nhẹ, trong vòng 1 tiếng là tan hết không còn dấu vết. Do đó việc trám răng không gây vấn đề gì đối với bé. Tuy nhiên, 3 tháng đầu thai kỳ là 3 tháng cực kỳ quan trọng trong việc hình thành cơ thể của đứa trẻ, do đó, nên hạn chế điều trị trong giai đoạn này. Thuốc tê thường sử dụng là Lidocain, là thuốc nhóm B theo phân loại của FDA trong thai kỳ nên có thể sử dụng trong thai kỳ.
  • Chụp X-quang: Mặc dù tia X sử dụng trong nha khoa có mật độ rất thấp nên hạn chế sử dụng, trừ khi bắt buộc. Trong thực tế, nha sĩ có vẫn có thể điều trị nhiều trường hợp mà không cần đến sự hỗ trợ của tia X-quang, đặc biệt là trong những can thiệp đơn giản như hàn răng. Nếu chỉ chụp X- quang không cần tiêm thuốc cản quang thì không ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều xáo trộn, cùng sự thay đổi hormone nên rất dễ bị viêm nướu gây chảy máu nướu và một số vấn đề răng miệng khác. Do đó, ngoài việc giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thai phụ nên đi khám nha khoa định kỳ để lấy cao răng, vôi răng, tránh mảng bám để hạn chế vấn đề răng miệng. Ngoài ra, phát hiện sớm để xử lý các vấn đề răng miệng cũng sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho cả mẹ và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe