Thuốc mê đã được nhà nghiên cứu và đóng góp một phần quan trọng trong các ca phẫu thuật y tế giúp người bệnh không gặp các phản ứng phụ. Vậy thuốc mê làm từ gì và cơ chế tác dụng của thuốc mê như thế nào?
1. Thế nào là thuốc mê?
Thuốc mê là loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương có hồi phục khi sử dụng với một liều lượng nhất định. Thuốc có tác dụng làm bệnh nhân mất ý thức tạm thời, mất cảm giác và phản xạ, song vẫn duy trì các chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn, chuyển hóa, bài tiết,...
Hầu hết các loại thuốc mê đều độc, do đó với mỗi loại thuốc sẽ có liều tối đa riêng. Nếu dùng liều quá cao sẽ khiến cho bệnh nhân bị ngộ độc, nhưng nếu dùng liều quá thấp sẽ không đủ để gây mê bệnh nhân. Chính vì vậy vai trò của bác sĩ gây mê là vô cùng quan trọng, phải tính toán liều lượng thuốc mê cho phù hợp với từng bệnh nhân, từng giai đoạn của ca phẫu thuật để đảm bảo đủ cho bệnh nhân rơi vào trạng thái mê nhưng không bị ngộ độc thuốc mê.
Trong quá trình phát triển, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều loại thuốc mê và ứng dụng vào trong lâm sàng. Có những loại thuốc vẫn được sử dụng từ trước cho tới nay, song có một số loại thuốc sau một thời gian sử dụng thấy chất lượng giấc mê kém, độc tính cao, có nhiều tác dụng phụ nên đã không còn được sử dụng nữa. Dựa trên phương thức thuốc mê được đưa vào cơ thể, người ta chia thuốc mê thành hai nhóm chính:
- Thuốc mê đường hô hấp: thể khí, thể lỏng bốc hơi. Khi sử dụng để gây mê, các loại thuốc này được đưa vào cơ thể bệnh nhân qua đường hô hấp, bệnh nhân hít hơi thuốc mê, thuốc sẽ đi qua phế nang để vào máu.
- Thuốc mê đường tĩnh mạch: nhóm barbituric, nhóm benzodiazepin, nhóm ức chế thần kinh (beuroleptic), nhóm gây ngủ (hynotic). Các loại thuốc này được đưa thẳng vào trong máu thông qua đường tiêm tĩnh mạch.
2. Cơ chế tác dụng của thuốc mê
Dù thuốc mê được đưa vào cơ thể qua đường nào, cuối cùng sẽ vào máu và đi tới hệ thần kinh trung ương. Thuốc mê sẽ gây ức chế thần kinh trung ương theo thứ tự sau: từ vỏ não đến vùng dưới vỏ não, sau đó đến tủy sống và cuối cùng làm mất ý thức, ức chế thần kinh vận động.
Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về cơ chế tác dụng của thuốc mê đối với các tế bào thần kinh như thế nào mà gây ra trạng thái mê. Nhưng tất cả các thuyết đều chưa thể giải thích được cơ chế một cách rõ ràng mà đa phần chỉ giải thích được những hiện tượng dựa trên những dữ kiện hóa học, vật lý, sinh lý và sinh hóa thần kinh. Dưới đây là những cơ chế đang được chú ý nhiều nhất:
- Cơ chế lý hóa: Meyer (1899) và Overton (1901) đã nhận ra rằng hiệu lực và đặc tính gây mê có liên hệ chặt chẽ đến tính hòa tan trong lipid của thuốc mê. Bởi vậy tính chất gây mê có liên quan đến tính hòa tan của thuốc trong các màng sinh học. Thuốc mê làm cho màng sinh học căng ra tới một thể tích giới hạn sẽ tạo ra tình trạng mê. Màng sinh học căng ra còn do phản ứng của thuốc mê với cả protit. Có thể những thay đổi như vậy trong cấu trúc màng tế bào đã khiến cho việc dẫn truyền thần kinh tại những nơi tiếp hợp của não bị ảnh hưởng và dẫn tới tình trạng mê.
- Cơ chế sinh lý, sinh hóa thần kinh: Người ta đã nhận thấy thuốc mê có tác dụng ngăn cản sự dẫn truyền thần kinh tại những nơi tiếp hợp, nhưng vẫn chưa xác định được là ở trước hay sau nơi tiếp hợp. Nếu là ở trước nơi tiếp hợp, nguyên nhân có liên quan tới sự giảm phóng thích acetylcholin hoặc do tác dụng ức chế acetylcholin của axit gamma aminobutyric. Còn nếu là ở sau nơi tiếp hợp thì do làm giảm sự nhạy cảm đối với acetylcholin hoặc làm gia tăng sự phân cực của màng sau nơi tiếp hợp. Các nhà khoa học cho rằng thuốc mê tác động trên các ty lạp thể, làm giảm sự hấp thu Ca++ nội bào dẫn đến giảm phóng thích chất dẫn truyền thần kinh, làm mất sự ổn định của các màng sau nơi tiếp hợp dẫn tới giảm dẫn truyền thần kinh nơi tiếp hợp và làm giảm chức năng thần kinh trung ương.
Dưới tác dụng của thuốc mê, bệnh nhân sẽ đi vào trạng thái hôn mê qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn giảm đau: Bệnh nhân vẫn còn tỉnh, cảm giác buồn ngủ, đáp ứng với kích thích giảm đau.
- Giai đoạn kích thích: Bệnh nhân mất dần ý thức, ức chế vỏ não làm cho bệnh nhân ở trạng thái kích động hung hăng, giãy giụa, tiết nước bọt, nôn ói.
- Giai đoạn phẫu thuật: Bệnh nhân mất ý thức và mất phản xạ, giãn cơ vân. Bệnh nhân hô hấp đều, mất phản xạ đóng mi mắt, ngừng cử động mắt, hô hấp nông dần.
- Giai đoạn liệt hành tủy: Ức chế hô hấp và vận mạch ở hành tủy nên gây liệt hô hấp dẫn tới ngừng hô hấp và ngừng tim. Bệnh nhân có thể tử vong sau 3 - 4 phút.
Như vậy nếu liều lượng thuốc mê đưa vào nếu không được tính toán và kiểm soát một cách chính xác, cẩn thận thì có thể khiến bệnh nhân tử vong. Còn với lượng thuốc vừa đủ để gây mê, sau khi ngừng thuốc thì tác dụng ức chế sẽ hết, các chức năng sẽ phục hồi và bệnh nhân sẽ tỉnh dần.
Thực tế, cho đến nay cơ chế tác động của thuốc gây mê vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng, mà mới chỉ có những giả thuyết được đưa ra. Trong đó có hai giả thuyết được nhiều người công nhận hơn cả đó là cơ chế lý hóa là sự biến đổi màng tế bào thần kinh và cơ chế sinh lý, sinh hóa thần kinh là giảm phóng thích hoặc ức chế hay giảm độ nhạy cảm với acetylcholin từ đó làm ảnh hưởng tới quá trình dẫn truyền thần kinh khiến cho bệnh nhân mất ý thức, mất cảm giác và vận động.
Nhằm tránh và điều trị các tác dụng phụ do thuốc gây mê gây ra một cách tốt nhất, điều quan trọng nhất là bạn cần chia sẻ tất cả các thông tin về sức khỏe của bạn cho bác sĩ để bác sĩ có thể nắm được, đồng thời cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ đưa ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.