Có cần dùng kháng sinh khi bị viêm họng?

Viêm họng là bệnh lý phổ biến mà mọi người gặp vào mùa lạnh. Kháng sinh thường được chỉ định để điều trị đau họng do vi khuẩn gây ra. Đọc tiếp bài viết để biết các nguyên nhân phổ biến và thuốc điều trị viêm họng hiện nay.

1. Nguyên nhân gây viêm họng

Đau họng có thể gây đau đớn và khó chịu. Nhưng hầu hết chúng sẽ tự biến mất. Có thể mất vài ngày hoặc lên đến 1 tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân. Vi rút là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau họng. Nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây ra tình trạng này.

Khi bị viêm họng do vi rút, mọi người thường gặp một số hoặc tất cả những triệu chứng sau: Ho, hắt hơi, chảy nước mắt, sổ mũi, giọng nói khàn, loét miệng.

Nếu bị đau họng đột ngột, dữ dội mà không ho, hắt hơi hoặc các triệu chứng cảm lạnh khác, bạn có thể bị viêm họng do liên cầu khuẩn. Viêm họng do liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở họng và amidan. Khoảng 1/10 trường hợp viêm họng ở người lớn là do liên cầu. Điều này có nghĩa là 9 trên 10 trường hợp viêm họng không phải do liên cầu khuẩn.


Thuốc điều trị viêm họng có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu
Thuốc điều trị viêm họng có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu

2. Khi nào bạn nên dùng thuốc kháng sinh khi viêm họng?

Thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng đối với chứng đau họng do vi rút gây ra. Loại viêm họng này thường sẽ tự khỏi sau khoảng 4 đến 5 ngày.

Trên thực tế, chúng chỉ giúp ích khi bị viêm họng do vi khuẩn. Uống thuốc kháng sinh trị đau họng không phải do vi khuẩn sẽ không giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Dùng thuốc không cần thiết cũng khiến bạn có nguy cơ gặp tác dụng phụ và góp phần gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Nếu bạn bị viêm họng do vi khuẩn bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, chẳng hạn như Penicillin. Tuy nhiên viêm họng liên cầu sẽ tự biến mất sau 3 đến 7 ngày dù có hoặc không dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể không giúp bạn nhanh khỏe hơn, nhưng chúng có thể rút ngắn thời gian lây truyền liên cầu khuẩn sang người khác (có thể lây lan) xuống một ngày hoặc lâu hơn. Thuốc kháng sinh cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như tai và xoang. Chúng cũng có thể ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng nhưng hiếm gặp như sốt thấp khớp ở trẻ em.

3. Viêm họng uống thuốc gì?

Thuốc điều trị viêm họng không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen sẽ giúp giảm đau họng. Có một số bằng chứng cho thấy Ibuprofen hoạt động tốt hơn Acetaminophen trong việc giảm đau cổ họng. Các loại thuốc này thường bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 1 đến 2 giờ và tác dụng kéo dài trong 4 đến 6 giờ. Bạn có thể bắt đầu với liều lượng thấp hơn của Acetaminophen hoặc Ibuprofen mà vẫn giảm đau hiệu quả.

Có nhiều loại viên ngậm (thuốc nhỏ) và thuốc xịt khác nhau có bán hiệu thuốc cũng giúp giảm đau họng. Thuốc ngậm và thuốc xịt bắt đầu có tác dụng nhanh hơn Acetaminophen hoặc Ibuprofen, nhưng tác dụng giảm đau không kéo dài. bạn nên sử dụng dạng viên ngậm hoặc dạng xịt với thuốc giảm đau không kê đơn. Hầu hết mọi người lựa chọn dựa trên sở thích cá nhân, khẩu vị và tình trạng sẵn có. Điều quan trọng cần nhớ là viên ngậm có nguy cơ gây nghẹt thở và không nên cho trẻ nhỏ uống, thay vào đó hãy sử dụng thuốc dạng xịt.

Hãy cẩn thận khi cho trẻ em dùng thuốc điều trị viêm họng không kê đơn. Không phải tất cả các loại thuốc không kê đơn đều được khuyến cáo cho trẻ em ở một số độ tuổi nhất định.

  • Thuốc giảm đau:
    • Trẻ em dưới 6 tháng: Chỉ cho uống acetaminophen;
    • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên: Có thể cho trẻ uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Không bao giờ cho trẻ em uống Aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye’s, một bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, gây hại cho gan và não.
  • Thuốc ho và cảm lạnh:
    • Trẻ em dưới 4 tuổi: Không sử dụng trừ khi bác sĩ chỉ định cụ thể. Sử dụng thuốc trị ho và cảm lạnh không kê đơn ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng;
    • Trẻ em từ 4 tuổi trở lên: Thảo luận với bác sĩ xem liệu thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn có an toàn để cho trẻ dùng với mục đích giảm triệu chứng tạm thời hay không.

Một số mẹo giúp cải thiện triệu chứng của viêm họng tại nhà như:

  • Uống nước ấm như trà, nước dùng hoặc súp cũng có thể giúp giảm đau họng tạm thời. Đảm bảo chất lỏng không quá nóng - chúng có thể làm bỏng phía sau cổ họng của bạn, điều này sẽ chỉ khiến cơn đau tồi tệ hơn.
  • Uống thêm chất lỏng để làm dịu cổ họng của bạn. Mật ong hoặc chanh trong trà yếu có thể hữu ích. Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.
  • Nước muối súc miệng: Súc miệng bằng nước muối cũng có thể giúp giảm đau họng. Súc miệng thường xuyên bằng nước muối ấm nếu bạn từ 8 tuổi trở lên. Điều này giúp giảm sưng và đau cổ họng. Trộn 1 muỗng cà phê (5g) muối trong 240ml nước ấm. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng súc miệng bằng nước muối sẽ không tiêu diệt vi trùng gây đau họng - cho dù đó là vi rút hay vi khuẩn, bao gồm cả COVID-19.

Cẩn thận khi cho trẻ em dùng thuốc điều trị viêm họng không kê đơn
Cẩn thận khi cho trẻ em dùng thuốc điều trị viêm họng không kê đơn

Tóm lại, bệnh viêm họng khá phổ biến và dễ gặp trong thời điểm giao mùa. Kháng sinh thường được chỉ định để điều trị đau họng do nhiễm vi khuẩn gây ra. Mỗi loại kháng sinh cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để giúp ngăn ngừa lây lan vi khuẩn sang các bộ phận khác của cơ thể và tránh tình trạng kháng kháng sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe