Tỷ lệ dân số thế giới mắc bệnh bướu cổ vào khoảng 15,8%. Hầu hết các trường hợp bướu cổ lành tính không nguy hiểm, nhưng đôi khi bướu phát triển lớn có thể gây khó thở, nuốt nghẹn, khàn giọng... Do đó, người bệnh bướu cổ cần nhận biết sớm và tích cực áp dụng các phương pháp giúp giảm tiến triển bướu cổ lành tính tốt hơn.
1. Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ lành tính là gì?
Bướu cổ lành tính là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển quá mức hoặc phát triển không đồng đều, với biểu hiện kích thước tuyến giáp của người bệnh tăng lên, gây sưng to bất thường. Bướu cổ lành tính là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến, có thể được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc thực hiện các phương pháp giúp giảm tiến triển bướu cổ lành tính.
Trên thực tế lâm sàng có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chức năng hoặc sự phát triển của tuyến giáp và gây ra bệnh bướu cổ. Tuy nhiên nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu hụt iot. Tình trạng này ảnh hưởng đến 2,2 tỷ người trên toàn cầu. Iot là thành phần vô cùng cần thiết cho hoạt động sản xuất ra các hormone tuyến giáp bên trong cơ thể. Nếu một người không đảm bảo bổ sung đầy đủ iot trong chế độ ăn uống, việc sản xuất hormone tuyến giáp có thể bị giảm xuống. Khi đó tuyến yên sẽ báo hiệu tuyến giáp tăng cường sản xuất nhiều hormone hơn, việc hoạt động quá mức này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc tuyến giáp.
Ngoài ra bướu cổ có thể là biểu hiện thứ phát của các bệnh lý khác như sau:
- Bệnh Graves: đây là một dạng rối loạn tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chúng ta sản xuất một loại protein bắt chước với hormone TSH (hormone tuyến giáp), từ đó thúc đẩy tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, dẫn đến cường giáp và tăng trưởng kích thước tuyến giáp;
- Nhân giáp: sự phát triển không đồng đều của các tế bào tuyến giáp tạo thành khối u, hầu hết là bướu cổ lành tính. Một người có thể có 1 hoặc nhiều nhân giáp. Nguyên nhân của các nhân giáp này không rõ ràng nhưng yếu tố di truyền có thể là yếu tố liên quan. Ngoài ra, chế độ ăn uống, môi trường sống cũng gây ra tác động lớn đến việc hình thành nhân giáp;
- Thai kỳ: khi mang thai cơ thể người mẹ sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH), điều này có theer khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và hơi to ra;
- Viêm tuyến giáp: đây là bệnh xảy ra do rối loạn tự miễn, nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc do sử dụng các thuốc gây ra cường giáp, suy giáp.
Một số yếu tố rủi ro có thể dẫn đến bướu cổ lành tính gồm:
- Phụ nữ (nhất là phụ nữ sau 40 tuổi): nguy cơ bị bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp khác thường xảy ra hơn.
- Tiền sử gia đình: nếu gia đình có người bị bướu cổ hoặc rối loạn tuyến giáp thì những người khác cũng có nguy cơ bị bướu cổ;
- Thuốc: một số thuốc như Amiodarone, Pacerone, Lithobid... làm tăng nguy cơ dẫn đến bướu cổ lành tính;
- Tiếp xúc bức xạ: nguy cơ tiến triển thành bướu cổ lành tính tăng lên khi bạn đã từng điều trị bằng bức xạ ở vùng cổ hoặc ngực.
2. Có nên mổ bướu cổ lành tính không?
Câu trả lời là không. Bướu cổ lành tính không nguy hiểm, người bướu cổ lành tính vẫn sinh hoạt, làm việc, sinh con bình thường. Bướu cổ có thể điều trị bằng thuốc, phóng xạ... và điều chỉnh chế độ ăn uống làm giảm tiến triển bướu cổ lành tính.
Phẫu thuật chỉ là phương pháp sau cùng khi đã thực hiện các phương pháp điều trị bướu cổ lành tính khác nhưng không thành công. Đặc biệt, những người bị bướu cổ với kích thước lớn thường gặp phải các vấn đề về đường thở, có thể làm phức tạp quá trình phẫu thuật do khí quản đôi khi bị lệch khiến việc đặt nội khí quản khi gây mê cho người bệnh trở nên khó khăn. Quá trình phẫu thuật bướu cổ lành tính cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro: hạ canxi máu tạm thời hoặc vĩnh viễn do tổn thương tuyến cận giáp, mất quá nhiều máu, ảnh hưởng đến dây thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng, câm, có sẹo trước cổ...
3. Cách nhận biết bướu cổ lành tính
Bướu cổ lành tính ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, do lúc này tuyến giáp vẫn hoạt động bình thường, rất khó phát hiện ra bệnh. Đa phần bướu cổ lành tính được phát hiện khi người bệnh tình cờ đi thăm khám sức khỏe, xét nghiệm, chụp phim.
Khi bướu cổ lành tính tiến triển, khối bướu sẽ to ra, người bệnh dễ dàng nhận thấy các dấu hiệu như: sờ thấy khối u ở giữa cổ có ranh giới rõ ràng, không dính vào da, u không đau, di động theo nhịp nuốt.
Tuy nhiên khi bướu to chèn ép các cơ quan gần tuyến giáp gây ra các biểu hiện sau:
- Vướng ở cổ: Bướu to khiến người bệnh cảm thấy vướng víu, khó chịu.
- Nuốt khó: Bướu chèn ép lên vùng thực quản làm ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh;
- Khó thở, nói khàn: bướu cổ lành tính kích thước to đè nén nén vùng khí quản, thanh quản khiến người bệnh khó thở, làm thay đổi giọng nói.
Cách nhận biết bướu cổ lành tính phụ thuộc vào việc chức năng tuyến giáp có thay đổi hay không, kích thước phát triển của bướu cổ, có cản trở cơ quan hô hấp hay không. Tóm lại, hầu hết bướu cổ lành tính không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác ngoài sưng ở cổ. Mức độ sưng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng do bướu cổ lành tính gây ra còn tùy thuộc từng người.
Khi thăm khám bác sĩ sẽ sờ, nắn xem vùng cổ của người bệnh để xem có sưng ở cổ hay không, đôi khi còn yêu cầu người bệnh nuốt khi cảm thấy có bướu cổ. Khi đó bác sĩ có thể chỉ định siêu âm, xét nghiệm chức năng tuyến giáp để xác định kích thước bướu cổ, các định lành tính hay ác tính, cường giáp/ suy giáp để có phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có bướu cổ ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chọc hút dịch, sinh thiết tế bào tuyến giáp để xác định bướu cổ lành tính hay ác tính.
4. Cách điều trị bướu cổ lành tính
Trong cách điều trị bướu cổ lành tính, bác sĩ thường dựa vào kích thước bướu cũng như tình trạng từng người bệnh để đưa ra các liệu pháp phù hợp. Nhìn chung bướu cổ lành tính không cần mổ khi bướu có kích thước nhỏ, hoặc nếu bướu có kích thước to nhưng lại không gây khó thở, khó nuốt. Khi bướu cổ lành tính nhỏ, không gây khó chịu, bệnh nhân thường không cần điều trị gì, chỉ cần theo dõi lịch tái khám định kỳ mỗi 3 - 6 tháng/ lần hoặc 1 - 2 năm một lần. Lưu ý bệnh nhân cần đi khám ngay nếu có những thay đổi đột ngột ở vùng cổ hoặc bất thường trong cơ thể.
Nếu bệnh nhân có khối bướu cổ lành tính nhưng được chẩn đoán suy giáp do bướu cổ to làm giảm chức năng tuyến giáp, lúc này người bệnh sẽ được kê đơn hormon tuyến giáp tổng hợp (liệu pháp thay thế hormon). Thay thế hormone giúp cải thiện các triệu chứng của suy giáp, điều này làm chậm sự giải phóng TSH khỏi tuyến yên từ đó có thể làm giảm kích thước bướu cổ. Nếu bướu cổ không giảm, người bệnh vẫn phải kiên trì sử dụng thuốc nhằm điều trị bệnh suy giáp. Hormon thay thế tuyến giáp thường được dung nạp tốt nhưng có thể gây một số tác dụng phụ như đau ngực, nhịp tim tăng, đổ mồ hôi, nhức đầu, mất ngủ, tiêu chảy, buồn nôn và chu kỳ kinh nguyệt bất thường.
5. Cách làm giảm tiến triển bướu cổ lành tính
Để hỗ trợ giảm sự tiến triển bướu cổ lành tính, giảm nguy cơ bướu cổ do thiếu iod, chúng ta nên bổ sung iot đầy đủ thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Cụ thể, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn đầy đủ cá biển, nước mắm, muối iot... Tránh dùng rau bắp cải, cải thảo, cần tây... Bệnh nhân nên thực hiện lối sống lành mạnh (không nên thức khuya, hạn chế uống rượu/ bia, hút thuốc, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày).
Một liệu pháp tự nhiên an toàn khác được nhiều người bệnh lựa chọn hơn trong việc điều trị và làm giảm tiến triển bướu cổ lành tính là sử dụng các sản phẩm từ thảo dược. Ưu điểm của phương pháp này là giúp bệnh nhân kiểm soát kích thước khối bướu cổ lành tính một cách an toàn và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.