Nấm móng tay là bệnh lý có thể gặp phải ở bất cứ đối tượng nào, rất dễ lây lan và tái phát sau khi điều trị. Bệnh lý này rất khó có khả năng tự phục hồi, vì vậy cần có cách chữa nấm móng tay phù hợp.
1. Nấm móng tay là gì?
Móng tay là bộ phận bảo vệ các ngón tay trước những tác nhân từ môi trường bên ngoài. Móng tay có nguồn gốc là những tế bào biểu bì, gồm nhiều lớp keratin. Móng tay có khả năng sản sinh liên tục trong vòng đời của con người và lượng calci trong cơ thể không tác động đến quá trình mọc móng như xương.
Nấm móng tay là bệnh lý nhiễm trùng diễn ra tại móng tay, với tác nhân gây bệnh là vi nấm. Bệnh khiến cho móng tay biến đổi về hình dạng, sự bóng trên bề mặt móng cũng như màu sắc của móng cũng sẽ thay đổi. Ngoài ra, bệnh nấm móng cũng gây ra cảm giác đau, ảnh hưởng đến những sinh hoạt và công việc hằng ngày của bệnh nhân.
2 loại vi nấm phổ biến gây ra bệnh lý này đó là nấm sợi tơ (bao gồm Dermatophytes, Trichophyton...) và nấm hạt men Candida. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến nấm móng tay đó là môi trường ẩm ướt, bệnh nhân bị ra nhiều mồ hôi tay, sinh hoạt ở những môi trường công cộng dễ nhiễm nấm như hồ bơi, dùng chung đồ sinh hoạt, người bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường... cũng dễ mắc phải bệnh lý này hơn.
Những triệu chứng lâm sàng của bệnh nấm móng tay đó là:
- Bề mặt móng tay mất độ trơn làng như bình thường, dần trở nên sần sùi;
- Có lớp vảy mịn như cám phủ lên trên bề mặt móng;
- Có vạch sọc dọc hoặc sọc ngang trên bề mặt móng;
- Móng tay giòn, dễ bị gãy hơn bình thường;
- Những tổn thương mặt dưới móng tay xuất hiện;
- Móng dễ bị bong tróc;
- Móng tay có mùi hôi bất thường;
- Tình trạng viêm nhiễm xảy ra quanh móng với biểu hiện đau, nhức, sưng, nóng, đỏ.
3 hình thái lâm sàng của bệnh nấm móng tay như sau:
- Móng dày sừng: Lớp sừng của móng dày lên, mặt dưới móng xuất hiện khối dày và cứng;
- Móng teo: Móng teo lại dần dần từ 2 bên đến chân móng;
- Hình thái tổn thương bình thường: Móng có màu trắng hay vàng.
2. Nấm móng tay bôi thuốc gì?
Phương pháp bôi thuốc tại chỗ là lựa chọn đầu tay để điều trị nấm móng theo Tây y. Đây là biện pháp được áp dụng với những trường hợp tổn thương xuất hiện với số lượng ít, khoảng 1 – 2 tổn thương. Những loại thuốc bôi thường dùng đó là thuốc chống nấm Castellani, acid salicylic 5%, các loại kem bôi như Ketoconazole, Terbinafine, Fluconazole, Clotrimazole... Trước khi bôi thuốc thì bệnh nhân cần rửa sạch vết thương, cạo những phần móng bị tổn thương, sau đó để móng được khô ráo rồi mới bôi thuốc lên bề mặt và những vùng da xung quanh. Thời gian bôi thuốc là khoảng 3 - 12 tháng theo chỉ định của bác sĩ, bôi 2 – 3 lần/ngày.
Ngoài ra, thuốc uống tác dụng toàn thân cũng sẽ được kê đơn trong một số trường hợp cần thiết như phổ tác dụng rộng, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng nề. Những loại thuốc uống có thể được chỉ định đó là Griseofulvin đối với nấm sợi tơ, Ketoconazole, Fluconazole... với phổ tác dụng là cả 2 loại nấm gây bệnh. Bên cạnh những thuốc kháng nấm này thì còn có thể kê đơn thêm thuốc kháng viêm giảm đau, kháng histamin, kháng sinh...
3. Cách chữa nấm móng tay dân gian
Bên cạnh những phương pháp Tây y thì một số biện pháp dân gian mà bệnh nhân có thể tham khảo đó là:
- Tỏi: Là một loại kháng sinh tự nhiên chứa chất Allicin có thể kháng viêm do nấm. Có thể dùng nước nóng nấu với tỏi để ngâm móng trong khoảng 3 – 4 lần/tuần.
- Lá trầu: Là loại lá có khả năng diệt nấm và giảm mùi hôi do nấm móng gây ra. Người bệnh có thể dùng lá trầu tươi nghiền nát nấu với nước và muối để ngâm móng tay hay chà vùng móng tổn thương với bã trầu khoảng 4 – 5 lần/tuần.
- Giấm táo: Trong giấm táo có chứa rất nhiều protein, vitamin và những chất chống oxy hóa nên có thể kháng khuẩn và kháng nấm tốt. Dùng giấm táo nấu sôi với muối và ngâm móng với hỗn hợp này mỗi ngày 1 lần.
Nấm móng tay mặc dù không nguy hiểm tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, ngay khi phát hiện thì cần đến khám và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra để chữa trị căn bệnh này một cách triệt để.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.