Có cách chữa bệnh mộng du ở trẻ em không?

Mộng du là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ từ 4 đến 8 tuổi. Mộng du ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng trong cơn mộng du trẻ có thể gặp nguy hiểm do không nhận thức được hành động của mình. Vậy có cách nào chữa bệnh mộng du ở trẻ em không?

1. Mộng du là gì?

Mộng du là một triệu chứng của rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em từ 4 đến 8 tuổi và mất dần sau tuổi dậy thì.

Mộng du thường xuất hiện sau khi ngủ 1 đến 2 giờ, vào giai đoạn giấc ngủ sâu (pha ngủ REM), tình trạng kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Người mộng du sẽ không nhận thức được hành động của mình, không trả lời được câu hỏi của người đối diện và cũng không thể nhớ lại các hành động sau khi thức dậy. Bệnh xảy ra với tần suất không cố định, tùy vào tình trạng từng trẻ, thỉnh thoảng có một cơn cũng có thể xảy ra hằng đêm.

Mộng du không gây hại cho sức khỏe, nhưng nếu tình trạng này xảy ra liên tục, kéo dài thì có thể ảnh hưởng đến tinh thần trẻ khi thức dậy. Trong cơn mộng du, trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm như chấn thương, vấp ngã, đụng dập do không kiểm soát được hành động.

Một số triệu chứng trẻ em bị mộng du:

  • Đột ngột mở mắt, ngồi dậy và đi rời khỏi giường.
  • Đi bộ, đi vòng tròn, thực hiện các động tác lặp đi lặp lại như mặc quần áo, mở cửa, đóng cửa, đi vệ sinh ở những nơi không thích hợp,...
  • Đi lang thang ngoài trời.
  • Ăn những đồ vật hoặc thức ăn không phù hợp.
  • Gây ra những hành vi bất ổn làm tổn thương đến cơ thể hay những người xung quanh.
  • Nói chuyện một mình, lẩm bẩm những nội dung không rõ ràng.
  • Hành vi bạo lực, la hét.
  • Không trả lời khi người khác hỏi, không nhận thức được sự có mặt của những người khác trong phòng.
  • Trong cơn mộng du trẻ có thể gặp ảo giác.

2. Nguyên nhân của mộng du

Trẻ em bị mộng du liên tục, kéo dài có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:

  • Thường gặp nhất là do tình trạng thiếu ngủ ở trẻ em hoặc thói quen đi ngủ bất thường, thay đổi khung giờ đi ngủ, giấc ngủ không ngon.
  • Trẻ đang trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao hoặc đang mắc các bệnh lý nhiễm trùng, tiêu chảy, ngưng thở khi ngủ, động kinh, hội chứng chân không yên (RLS),...
  • Tình trạng căng thẳng, lo âu, chứng sợ hãi ban đêm kéo dài cũng gây các chứng mộng du.
  • Nhịn tiểu trước khi đi ngủ, bàng quang căng quá mức.
  • Tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc anh chị e có bị mộng du.
  • Các loại thuốc an thần, chất kích thích, thuốc kháng histamin, các chấn thương vùng đầu, chứng đau nửa đầu.

Nên làm gì khi trẻ đang trong cơn mộng du:

  • Nếu trẻ đang trong cơn mộng du, không nên cố đánh thức trẻ, điều này sẽ khiến trẻ trở nên bối rối, sợ hãi hoặc có thể cáu gắt.
  • Không cố gắng kiềm chế trẻ bằng cách giữ chặt hay trói trẻ vì hành động này có thể đe dọa trẻ, khiến trẻ trở nên bạo lực để tự vệ, gây nguy hiểm cho bản thân và người bên cạnh.
  • Khi nhìn thấy tình trạng này, người nhà trẻ trước tiên cần bình tĩnh, không hoảng sợ, nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ quay lại giường và ở bên cạnh trẻ đến khi trẻ ngủ sâu trở lại.

3. Chẩn đoán mộng du

Có thể chẩn đoán mộng du dựa trên triệu chứng bệnh được người nhà mô tả kết hợp với tiền sử gia đình.

Để chẩn đoán xác định bác sĩ có thể tiến hành một số nghiệm pháp kiểm tra về thể chất và tâm lý để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác.

Nếu bệnh nhân có hiện tượng ngưng thở khi ngủ gây ra mộng du thì thực hiện một số xét nghiệm về giấc ngủ để chẩn đoán. Xét nghiệm này sẽ đánh giá nhịp tim, sóng não, nhịp thở, sự căng cơ, chuyển động mắt và chân, nồng độ oxy trong máu trong giấc ngủ của trẻ.

4. Cách chữa bệnh mộng du ở trẻ em

Mộng du thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tần suất cơn không liên tục. Tình trạng này có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần, bước vào tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nếu mộng du xuất hiện hàng đêm, biểu hiện nặng và cơn kéo dài thì cần phải có biện pháp điều trị. Cách chữa bệnh mộng du ở trẻ em sẽ dựa trên nguyên nhân và mức độ bệnh lý như sau:

  • Nếu cơn mộng du gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập hay sinh hoạt của trẻ thì có thể sử dụng phương pháp “đánh thức theo lịch trình”. Nghĩa là bác sĩ sẽ theo dõi xác định thời điểm cơn mộng du thường xảy ra, sau đó cho trẻ ngủ trước 15 phút thời điểm đó. Phương pháp này giúp thiết lập chu kỳ giấc ngủ của trẻ.
  • Xác định nguyên nhân và các bệnh lý phối hợp gây ra cơn mộng du của trẻ và giải quyết nó.
  • Ở người lớn, để điều trị mộng du có thể sử dụng các phương pháp tâm lý như thôi miên, sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm,... Tuy nhiên, chưa có phác đồ để áp dụng điều trị bằng phương pháp này cho trẻ em.
  • Các biện pháp tâm lý có thể áp dụng điều trị cho trẻ em có thể tập trung vào việc cải thiện giấc ngủ, thói quen đi ngủ đúng giờ, giảm thời gian ngủ trưa.
  • Giúp trẻ thư giãn trước khi đi ngủ như nghe nhạc, tắm nước ấm, đọc các loại sách truyện có nội dung nhẹ nhàng.
  • Phòng ngủ phải giảm ánh sáng (không nên để phòng quá tối sẽ gây ra tình trạng hoảng sợ cho trẻ), hạn chế tiếng ồn, phòng ngủ thoáng mát, nhiệt độ phòng không quá nóng cũng không quá lạnh.
  • Không cho trẻ uống nhiều nước hay ăn quá nhiều trước khi đi ngủ, nhắc nhở trẻ đi vệ sinh trước khi ngủ.
  • Cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp cho trẻ, duy trì cân nặng. Thừa cân béo phì cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.

Một số cách đảm bảo an toàn cho trẻ có tiền sử mộng du:

  • Không để các vật sắc, đồ vật dễ vỡ, dễ gây tổn thương gần nơi ngủ của trẻ.
  • Sắp xếp đồ đạt, loại bỏ những thứ có thể khiến trẻ vấp ngã.
  • Không để trẻ ngủ trên giường tầng. Nên khóa cửa sổ hoặc các cửa chính để trẻ không đi ra ngoài, tốt nhất nên ngủ cạnh trẻ.

Tóm lại, mộng du ở trẻ em là một bệnh lý không nguy hiểm, sẽ mất dần khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Cách điều trị tình trạng này quan trọng nhất là vệ sinh giấc ngủ, tạo cho trẻ tình thần thoải mái và không gian tốt nhất cho giấc ngủ ngon.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe