Viêm ruột thừa ở trẻ xảy ra do ruột thừa bị tắc nghẽn hoặc do các nhiễm trùng khác trong ổ bụng lây nhiễm vào ruột thừa, với dấu hiệu như đau bụng, sốt, nôn mửa, ăn không ngon, chán ăn. Rất khó để có thể chẩn đoán trẻ bị đau ruột thừa, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chẩn đoán và phẫu thuật sớm cho kết quả tốt và hạn chế biến chứng.
1. Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm và nhiễm trùng của ruột thừa, một cơ quan nhỏ, rỗng, hình ngón tay nằm ở phần đầu của ruột già. Tình trạng viêm và nhiễm trùng này có thể xảy ra khi vi khuẩn mắc kẹt trong ruột thừa do phân cứng hoặc một hạch bạch huyết lớn chèn ép và chặn lỗ thông. Một khi ruột thừa bị nhiễm trùng, nó phải được cắt bỏ để tránh bị vỡ và lây lan nhiễm trùng vào ổ bụng.
2. Viêm ruột thừa phổ biến như thế nào?
Viêm ruột thừa là nguyên nhân phổ biến nhất của các ca phẫu thuật cấp cứu ổ bụng. Ở các nước phương Tây, có khoảng 7% dân số bị viêm ruột thừa. Độ tuổi có tỷ lệ cao nhất viêm ruột thừa là từ 10 đến 30 tuổi
Hiện nay, số các trường hợp viêm ruột thừa đang có xu hướng giảm. Đây có thể là do mọi người đang có xu hướng bổ sung nhiều chất xơ hơn trong chế độ ăn uống của mình và nó có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn gây ra viêm ruột thừa.
3. Các yếu tố nguy cơ gây viêm ruột thừa
Những người có tiền sử gia đình bị đau ruột thừa thường dễ mắc bệnh hơn so với những người khác. Số lượng các ca viêm ruột thừa cao hơn ở nam giới. Nếu trẻ bị xơ nang (một căn bệnh di truyền gây ra các vấn đề về tiêu hóa và hô hấp) sẽ khiến trẻ có nhiều khả năng bị viêm ruột thừa.
4. Cách nhận diện viêm ruột thừa ở trẻ?
Viêm ruột thừa là bệnh rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Bệnh có thể khó được chẩn đoán bởi cha mẹ của trẻ vì lúc đầu, nó có vẻ giống như bệnh cúm dạ dày với các dấu hiệu thường gặp là đau bụng, sốt và nôn mửa, trong một số ít trường hợp, nó cũng có thể gây tiêu chảy.
Trẻ bị viêm ruột thừa có bụng bị căng phồng và đau khi chạm vào. Trẻ có thể gập người về bên phải nếu ruột thừa bị viêm kích thích các cơ dẫn đến chân. Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể yêu cầu trẻ mô tả các dấu hiệu mà trẻ cảm thấy như đau bụng diễn tiến từ rốn xuống bụng dưới bên phải để xác định bệnh.
5. Nên làm gì khi trẻ bị viêm ruột thừa?
Việc đầu tiên là bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ và bạn sẽ được hướng dẫn nên phải làm những gì. Trẻ có thể cần phải được đưa đến phòng cấp cứu. Viêm ruột thừa nếu không được chữa trị thì có thể bị vỡ gây nhiễm trùng khoang bụng của trẻ. Bạn cần lưu ý là đừng cho trẻ uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ, vì những thứ này có thể khiến ruột thừa của trẻ bị vỡ. Bạn chỉ cần cố gắng giữ bình tĩnh cho trẻ.
Trong khi khám cho trẻ, các xét nghiệm như chụp X-quang, siêu âm hoặc quét CAT và các thủ thuật không đau có thể sẽ được sử dụng để giúp bác sĩ hình dung rõ hơn về ruột thừa trẻ. Bác sĩ cũng có thể xét nghiệm máu để xem có bị nhiễm trùng hay không và xét nghiệm nước tiểu để đảm bảo rằng trẻ có bị nhiễm trùng đường tiết niệu không. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét liệu trẻ có cần phải tiến hành phẫu thuật hay không.
6. Phẫu thuật viêm ruột thừa như thế nào?
Đầu tiên, trẻ sẽ được gây mê toàn thân và bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường trên thành bụng. Sau đó, sẽ tách ruột thừa ra khỏi ruột già và rút hết chất lỏng tích tụ do nhiễm trùng.
Một số bác sĩ phẫu thuật thực hiện thủ thuật bằng cách sử dụng dụng cụ nội soi có gắn một máy ảnh nhỏ ở đầu dò để cho phép xem những hình ảnh đang làm bên trong mà không cần phải rạch một đường lớn trên bụng. Sau đó, bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc kháng sinh để vết mổ không bị nhiễm trùng. Trẻ sẽ phải ở lại bệnh viện từ một đến ba ngày sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa để theo dõi.
7. Điều gì xảy ra nếu ruột thừa bị vỡ?
Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng, ruột thừa có thể vỡ ra và làm tràn vi khuẩn từ cơ quan bị nhiễm trùng vào khoang bụng. Một khi điều này xảy ra, trẻ sẽ được nhập viện và được tiêm để đưa thuốc kháng sinh trực tiếp vào máu để chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, sau đó phẫu thuật vẫn cần thiết phải được tiến hành đối với trẻ.
Để giữ an toàn cho bé, ngay khi bé có những dấu hiệu nghi ngờ viêm ruột thừa, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín khám sớm. Việc can thiệp phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm sớm sẽ giúp bé phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm. Quá trình phẫu thuật nếu không cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm hoàn toàn và chăm sóc sau phẫu thuật không tốt sẽ rất dễ gây ra nhiễm trùng, viêm tồn đọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Vì vậy, bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để thực hiện khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com