Viêm là một phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc một bệnh lý cụ thể. Đôi khi trong các bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sẽ tự tấn công các tế bào khỏe mạnh và gây ra tình trạng viêm. Bài viết sẽ cung cấp cho đọc giả một số thông tin cơ bản về tình trạng, biểu hiện viêm trong cơ thể.
1. Viêm là gì?
Viêm xảy ra ở tất cả mọi đối tượng. Hệ thống miễn dịch tạo ra chứng viêm để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh tật. Đôi khi trong các bệnh tự miễn chẳng hạn như một số loại viêm khớp và bệnh viêm ruột, hệ thống miễn dịch sẽ tự tấn công các tế bào khỏe mạnh. Nhìn chung, viêm có thể được phân thành hai loại chính như sau:
- Viêm cấp tính thường xảy ra trong một thời gian ngắn nhưng thường nghiêm trọng. Viêm cấp tính thường khỏi sau hai tuần hoặc ít hơn. Các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng. Đối với loại viêm này cơ thể sẽ phục hồi về trạng thái trước khi bị viêm.
- Viêm mãn tính nhẹ hơn và thường là dạng viêm ít nghiêm trọng hơn. Nó thường kéo dài hơn sáu tuần. Nó có thể xảy ra ngay cả khi không có thương tích và không phải lúc nào cũng kết thúc khi bệnh hoặc vết thương được chữa lành. Viêm mãn tính có liên quan đến rối loạn miễn dịch và thậm chí là căng thẳng kéo dài.
2. Biểu hiện viêm là gì?
Các triệu chứng cụ thể của viêm sẽ phụ thuộc vào vị trí của cơ thể bị viêm và nguyên nhân gây ra nó. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn đến một số triệu chứng và tác động đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Một số biểu hiện viêm phổ biến của chứng viêm mãn tính có thể bao gồm:
- Đau nhức cơ thể.
- Mệt mỏi và mất ngủ liên tục.
- Lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác.
- Các vấn đề ở đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, khó tiêu và trào ngược axit.
- Tăng cân
- Nhiễm trùng thường xuyên.
Các biểu hiện viêm cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại viêm, cụ thể như sau:
- Trong một số bệnh lý tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch sẽ ảnh hưởng đến da dẫn đến phát ban.
- Một số loại viêm tấn công các tuyến cụ thể, ảnh hưởng đến mức độ hormone trong cơ thể.
- Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch tấn công các khớp và gây ra biểu hiện viêm như đau khớp, sưng, cứng hoặc mất chức năng khớp, mệt mỏi, tê và ngứa ran, hạn chế phạm vi chuyển động.
- Đối với bệnh viêm ruột, tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở đường tiêu hóa và có thể gây ra một số biểu hiện viêm phổ biến như tiêu chảy, đau dạ dày, đầy hơi, giảm cân, thiếu máu, vết loét chảy máu.
- Trong bệnh đa xơ cứng, vỏ myelin bị tấn công. Đây chính là lớp vỏ bảo vệ các tế bào thần kinh. Do vậy, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như tê và ngứa ran ở cánh tay, chân hoặc một bên mặt, rối loạn cân bằng, nhìn đôi, nhìn mờ hoặc mất thị lực một phần, các vấn đề về nhận thức như sương mù não
3. Nguyên nhân của viêm là gì?
Nhiều yếu tố có thể dẫn đến viêm, chẳng hạn như cơ thể bị nhiễm khuẩn, dùng một số loại thuốc, tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc vật liệu lạ. Các đợt viêm cấp tính tái diễn nhiều lần cũng có thể dẫn đến phản ứng viêm mãn tính. Cũng có một số loại thực phẩm có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở những người bị rối loạn miễn dịch. Những thực phẩm này bao gồm đường, carbohydrate tinh chế, rượu, thịt chế biến và chất béo chuyển hóa
4. Viêm được chẩn đoán như thế nào?
Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán tình trạng viêm hoặc các nguyên nhân gây ra nó. Dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các loại xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán. Một số loại xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán hay theo dõi tình trạng viêm trong cơ thể bao gồm:
4.1. Xét nghiệm máu
- Điện di protein huyết thanh (SPE)
SPE được coi là cách tốt nhất để xác nhận tình trạng viêm mãn tính. Nó đo một số protein trong máu để xác định các vấn đề bất thường. Quá nhiều hoặc quá ít các protein này có thể chỉ ra tình trạng viêm và chỉ điểm cho các tình trạng khác.
- Protein phản ứng C (CRP)
CRP là protein được sản xuất ở gan để phản ứng với tình trạng viêm trong cơ thể. Mức CRP cao trong máu có thể xảy ra do một số tình trạng viêm. Mặc dù xét nghiệm này rất nhạy cảm đối với tình trạng viêm, nhưng nó không giúp phân biệt giữa viêm cấp tính và mãn tính, vì CRP sẽ tăng cao trong cả hai. Mức độ CRP cao kết hợp với các triệu chứng nhất định có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán.
- Tốc độ lắng máu (ESR)
Xét nghiệm ESR còn được gọi là xét nghiệm tốc độ máu lắng. Xét nghiệm này gián tiếp đo lường tình trạng viêm thông qua đo tốc độ tế bào hồng cầu chìm xuống trong ống máu. Chúng chìm càng nhanh, bạn càng có nguy cơ bị viêm. Xét nghiệm ESR hiếm khi được thực hiện một mình, vì nó không giúp xác định nguyên nhân cụ thể của chứng viêm. Thay vào đó, nó có thể giúp bác sĩ xác định rằng tình trạng viêm đang xảy ra. Nó cũng có thể giúp họ theo dõi tình trạng viêm trong cơ thể.
- Độ nhớt huyết tương
Thử nghiệm này đo độ nhớt của máu. Viêm hoặc nhiễm trùng có thể làm tăng độ nhớt của huyết tương.
4.2. Các xét nghiệm chẩn đoán khác
Nếu bác sĩ tin rằng tình trạng viêm là do vi rút hoặc vi khuẩn, họ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cụ thể khác. Nếu bạn có một số triệu chứng nhất định - chẳng hạn như tiêu chảy mãn tính hoặc tê một bên mặt - bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra một số bộ phận của cơ thể hoặc não. MRI và X - quang thường được sử dụng. Để chẩn đoán tình trạng viêm đường tiêu hóa, bác sĩ có thể thực hiện một thủ thuật để xem các bộ phận bên trong của đường tiêu hóa chẳng hạn như nội soi.
5. Điều trị chứng viêm
5.1. Điều trị không dùng thuốc
Đôi khi, tình trạng viêm trong cơ thể có thể điều trị đơn giản bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Bằng cách tránh đường, chất béo chuyển hóa và thực phẩm chế biến sẵn, triệu chứng của viêm có thể giảm dần. Ngoài ra, cũng có những loại thực phẩm có thể chống lại chứng viêm chẳng hạn như quả đào; cá béo như cá hồi hoặc cá thu; bông cải xanh; bơ; trà xanh; nấm; gia vị như nghệ, gừng, đinh hương.
Bên cạnh đó bạn có thể giảm viêm bằng các cách đơn giản như sau:
- Uống thực phẩm bổ sung: Bác sĩ có thể giúp bạn quyết định loại nào là tốt nhất và an toàn nhất cho bạn.
- Tập thể dục thường xuyên hơn.
- Giảm căng thẳng.
- Bỏ hút thuốc.
- Điều trị và quản lý tốt các bệnh lý tồn tại từ trước.
5.2. Điều trị bằng thuốc
Đối với các triệu chứng chung của viêm, có một số loại thuốc có thể sử dụng bao gồm:
- NSAID: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường là tuyến phòng thủ đầu tiên trong điều trị đau và viêm ngắn hạn. Hầu hết các loại thuốc này có thể được mua tại quầy. Các NSAID phổ biến bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac,... NSAID có thể rất hiệu quả đối với chứng viêm, nhưng có một số tương tác và tác dụng phụ xảy ra, đặc biệt khi được sử dụng trong thời gian dài.
- Corticosteroid: Corticosteroid là một loại steroid thường được sử dụng để điều trị sưng và viêm cũng như các phản ứng dị ứng. Corticosteroid có cả dạng xịt mũi, dạng khí dung hoặc viên uống. Sử dụng lâu dài corticosteroid có thể gây ra tác dụng phụ và một số tương tác thuốc.
- Thuốc giảm đau kháng viêm tại chỗ: Thuốc giảm đau kháng viêm tại chỗ thường được sử dụng cho các cơn đau cấp tính hoặc mãn tính. Chúng có ít tác dụng phụ hơn các thuốc dùng đường toàn thân. Các sản phẩm và kem bôi ngoài da có thể chứa các loại hoạt chất khác nhau. Một số loại thuốc bôi có chứa NSAID như diclofenac hoặc ibuprofen. Điều này có thể hữu ích cho những người bị viêm và đau ở một bộ phận cơ thể cụ thể. Các loại kem bôi khác có thể chứa các thành phần tự nhiên có bằng chứng về đặc tính chống viêm. Bạn không nên sử dụng kem bôi chỉ có tác dụng giảm đau ví dụ như capsaicin.
Nhìn chung, viêm là một phần bình thường và tự nhiên của phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm kéo dài hoặc mãn tính có thể dẫn đến những tác động xấu. Viêm mãn tính thường liên quan tới các rối loạn miễn dịch. Viêm cấp tính là một phần bình thường của quá trình chữa bệnh và có thể xảy ra khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc thậm chí là một vết cắt nhỏ trên da. Viêm cấp tính thường khỏi trong vài ngày, trừ khi nó không được điều trị. Nếu bạn đang gặp bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng viêm nhiễm kéo dài, hãy đến các cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.