Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chụp X quang viêm mũi xoang có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý mũi xoang. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị nhanh chóng và hiệu quả, có sự đánh giá cần thiết trước mổ nếu cần.
1. Viêm mũi xoang là gì?
Xoang gồm nhiều hốc có lỗ thông nhau, nằm trong xương sọ. Tại lòng xoang có lớp niêm mạc hô hấp và sẽ tiết ra dịch nhầy vào hốc mũi thông qua các lỗ thông.
Xoang mũi gồm 2 vùng chính:
- Vùng xoang trước: Là nhóm xoang hô hấp thông với hốc mũi. Bao gồm xoang sàng trước, xoang hàm và xoang trán quanh hốc mắt. Vùng xoang trước có nhiều bệnh lý như viêm xoang hàm biến chứng viêm nhiễm đến răng hàm, mắt.
- Vùng xoang sau: Là vùng xoang kín, bao gồm xoang bướm, xoang sàng sau nằm dưới nền sọ.
Bệnh viêm mũi xoang là bệnh lý khá phổ biến, đây là tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi dẫn đến phù nề, tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang do tắc nghẽn xoang. Viêm mũi xoang trong thời gian ngắn và hết bệnh dưới 4 tuần gọi là viêm xoang cấp tính. Trường hợp kéo dài trên 3 tháng gọi là viêm xoang mạn tính. Nguyên nhân chính gây viêm xoang mũi là:
- Nhiễm virus, vi khuẩn làm tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang gây viêm mũi xoang cấp.
- Yếu tố gây dị ứng như thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường khói bụi... khiến cho các cơ địa mẫn cảm dễ bị viêm xoang tái phát
- Bất thường giải phẫu mũi xoang như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi dẫn đến lưu thông mũi xoang kém gây viêm xoang.
Triệu chứng của bệnh viêm xoang bao gồm:
- Hắt hơi, sổ mũi
- Sau đó thường xuất hiện nghẹt mũi và chảy nước mũi, dịch tiết ở nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh.
- Ở người bị bệnh viêm xoang nặng có thể sẽ sốt, ho, nặng mặt, đau nhức đầu vùng trán, thái dương hoặc gò má, giảm khả năng cảm nhận mùi, thậm chí không ngửi thấy mùi.
2. Vì sao nên chụp X quang mũi xoang khi bị viêm?
Khi bị viêm xoang, chụp X quang mũi xoang thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Thông qua hình ảnh chụp, bác sĩ sẽ quan sát được tình trạng viêm trong các hốc, mức độ viêm, đã lan sang các xoang hay khu vực xung quanh chưa? Từ đó, đưa ra hướng điều trị nhanh chóng và hiệu quả, hạn chế phẫu thuật chưa cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo ngại việc chụp X quang mũi xoang có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng cũng giống như chụp X quang các bộ phận khác, tia X bức xạ được sử dụng chiếu qua cơ thể là rất nhỏ, nằm trong giới hạn cho phép nên sẽ ít hoặc hầu như không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Trường hợp là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ sẽ được xem xét lựa chọn phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn hơn, hoặc có biện pháp bảo vệ an toàn. Nhưng không vì thế mà lạm dụng chụp X quang quá nhiều lần trong 1 thời gian ngắn. Thay vào đó, bạn có thể mang theo phim chụp X quang lần gần đây nhất để bác sĩ xem xét.
3. Những tư thế chụp X quang mũi xoang
3.1. Chụp X quang viêm xoang Blondeau
Vai trò của phương pháp chụp X quang Blondeau là giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh viêm xoang trán, xoang hàm và hốc mũi. Bởi khi ở tư thế này, tia chiếu từ sau ra trước. Với tư thế này, người bệnh cần nằm sấp, miệng há rộng nhất, mũi và cằm chạm vào phim. Nếu bị viêm xoang, hình ảnh X quang sẽ cho thấy:
- Mất khe hở hốc mũi hoặc hẹp do khối u, cuốn mũi quá phát.
- Nếu niêm mạc xoang bị sưng, phù nề hoặc có dịch mủ trong hốc xoang, thoái hóa niêm mạc thì thấy xoang hàm và xoang trán trên phim bị mờ.
- Nếu thành xương không nhìn rõ, cần chẩn đoán thêm xem có u ác tính hay không.
- Nếu xoang bình thường, hình ảnh X quang thấy hốc mũi có khoảng sáng rõ của khe thở, thấy rõ ổ mắt và các thành xương, xoang trán và hàm sáng đều.
- Nếu nghi ngờ có dị vật, cần chụp X quang viêm xoang sọ nghiêng để thấy rõ vị trí và kích thước dị vật.
- Nếu viêm xoang có khối u hoặc khối polyp, cần bơm chất cản quang để chụp X quang rõ hơn.
3.2. Chụp X quang viêm xoang Hirtz
Phương pháp chụp X quang viêm xoang Hirtz giúp chẩn đoán bệnh viêm xoang bướm, viêm xoang sàng trước và sau. Ở tư thế này, người bệnh cần nằm ngửa đầu ra sau, đầu thả chạm đỉnh vào phim. Tia X quang chiều từ trên xuống, cho hình ảnh chụp. Cụ thể hình ảnh chụp như sau:
- Nếu có polyp hoặc u ác tính, trên hình ảnh sẽ không thấy hoặc thấy vách ngăn sàng bị mờ.
- Niêm mạc dày, mủ viêm hoặc polyp, hình ảnh ghi lại được là tế bào sàng mờ.
Như vậy, việc chụp X quang mũi xoang có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh viêm xoang, u xoang,... Từ đó, bác sĩ có thể sớm đưa ra hướng điều trị nhanh chóng và hiệu quả, hạn chế phẫu thuật khi chưa cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.