Chụp niệu đồ tĩnh mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chụp niệu đồ tĩnh mạch là kỹ thuật sử dụng tia X và thuốc cản quang tiêm qua đường tĩnh mạch nhằm khảo sát hình thái chức năng của thận và chẩn đoán các bệnh lý thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

1. Vài khái niệm cơ bản

Hệ tiết niệu bao gồm các cấu trúc: Thận, bể thận, đài thận, niệu quản, bàng quangniệu đạo. Thận làm nhiệm vụ lọc máu, tạo ra nước tiểu. Nước tiểu từ hai bể thận sẽ theo hai niệu quản chạy xuống bàng quang. Từ đây, nước tiểu được thải ra ngoài qua niệu đạo.

Khi chụp X-quang thông thường, các cấu trúc trên không được thấy rõ trên phim chụp ghi lại. Tuy nhiên, chúng có thể hiển thị rõ hơn khi chụp X-quang hệ tiết niệu bằng cách tiêm thuốc cản quang vào cơ thể - kỹ thuật chụp niệu đồ tĩnh mạch.

Chụp niệu đồ tĩnh mạch có tên tiếng Anh là Intravenous Urography - IVU, còn được gọi là chụp X-quang bể thận bằng đường tĩnh mạch (tên tiếng Anh là Intravenous Pyelography - IVP). Đây là kỹ thuật sử dụng tia X và thuốc cản quang tiêm qua đường tĩnh mạch để giúp khảo sát thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Trong phương pháp này, thuốc cản quang sau khi được tiêm vào tĩnh mạch sẽ đi đến thận, được lọc và thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu. Thuốc cản quang không cho tia X đi qua nên cấu trúc thận, niệu quản và bàng quang sẽ hiển thị rõ ràng với màu trắng trên phim chụp X-quang.


Tiêm thuốc cản quang vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch
Tiêm thuốc cản quang vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch

2. Chỉ định/ chống chỉ định

2.1 Chỉ định

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này được sử dụng để đánh giá một loạt các vấn đề sức khỏe như:

  • Sỏi tiết niệu: Sỏi trong thận hoặc niệu quản thường hiển thị rõ ràng trên phim chụp;
  • Máu trong nước tiểu: X-quang niệu đồ tĩnh mạch có thể giúp chẩn đoán hoặc loại trừ những nguyên nhân gây máu trong nước tiểu như viêm, nhiễm trùng hoặc ung thư;
  • Nhiễm trùng đường tiểu: Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch có thể giúp tìm ra vị trí tắc nghẽn hoặc một số bất thường khác của đường tiểu (nếu có) với người bị nhiễm trùng bàng quang hoặc thận lặp đi lặp lại;
  • Tắc nghẽn hoặc tổn thương đường tiết niệu: Hiện tượng tắc nghẽn hay tổn thương ở đường tiết niệu có thể được phát hiện qua chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch.

Ngoài ra, chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch còn cho phép bác sĩ đánh giá tổng quát tình trạng hệ niệu, cho các thông tin về giải phẫu (hình dáng thận, đài bể thận, niệu quản), chức năng hệ niệu, mức độ giãn nở của đài bể thận, niệu quản.

2.2 Chống chỉ định

  • Chống chỉ định tuyệt đối: Bệnh nhân mất nước;
  • Chống chỉ định tương đối: Bệnh nhân suy thận, mang thai, dị ứng iode, huyết áp cao, suy timsuy gan mất bù,...

Phụ nữ mang thai không nên chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch
Phụ nữ mang thai không nên chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch

3. Thực hiện chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch

3.1 Chuẩn bị

  • Kiểm tra chức năng thận của bệnh nhân: Thận phải lọc được thuốc cản quang nên phương pháp này không nên tiến hành cho người bị suy thận. Trước khi chụp niệu đồ tĩnh mạch, người bệnh cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận;
  • Báo cáo cho bác sĩ nếu bị dị ứng, đặc biệt là dị ứng với các sản phẩm có thành phần iode;
  • Nhịn đói vài giờ trước khi chụp niệu đồ tĩnh mạch để đảm bảo đường ruột không có thức ăn, giúp hình ảnh X-quang rõ ràng hơn;
  • Dùng thuốc nhuận tràng trước khi chụp một ngày hoặc lâu hơn để làm cho hình ảnh X-quang rõ ràng hơn;
  • Ký cam kết thực hiện thủ thuật niệu đồ tĩnh mạch;
  • Có thể ngưng sử dụng một số loại thuốc trước khi niệu đồ tĩnh mạch.

3.2 Quy trình thực hiện

  • Bệnh nhân được mặc áo choàng, nằm trên bàn dài;
  • Tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch ở mu bàn tay hoặc cánh tay bệnh nhân;
  • Thuốc cản quang sau đó được lọc qua thận, chảy xuống các niệu quản và tập trung ở bàng quang;
  • Chụp X-quang ở vùng bụng ở các thời điểm khác nhau, thường là sau mỗi 5 - 10 phút. Bệnh nhân có thể phải đi tiểu trước lần chụp cuối cùng. Cả quy trình có thể kéo dài 30 - 60 phút hoặc trong một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định chụp niệu đồ tĩnh mạch vài giờ sau tiêm thuốc;
  • Bệnh nhân có thể về nhà ngay sau khi hoàn tất việc chụp X-quang và ăn uống bình thường ngay sau đó.

Hình ảnh Xquang hệ tiết niệu
Hình ảnh Xquang hệ tiết niệu

4. Tai biến có thể xảy ra

  • Có cảm giác nóng trong người, nóng tại nơi truyền thuốc cản quang hoặc cảm thấy có vị kim loại trong miệng khi tiêm thuốc vào cơ thể. Các cảm giác này thường nhanh chóng biến mất;
  • Dị ứng với thuốc cản quang (hiếm gặp): Người bệnh có thể gặp triệu chứng nhẹ như phát ban ở da, ngứa ngáy, sưng môi nhẹ hoặc triệu chứng nghiêm trọng như khó thở và hạ huyết áp. Bệnh nhân hen suyễn hoặc có các bệnh dị ứng khác có nguy cơ dị ứng thuốc cản quang cao hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ tại bệnh viện sẽ thực hiện xử trí hồi sức cấp cứu kịp thời;
  • Suy thận (hiếm gặp).

Với bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình thực hiện để quá trình chụp X-quang diễn ra liền mạch, cho kết quả chính xác và tránh gặp phải những tai biến khó lường.

Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam từng là Giảng viên Bộ môn Chẩn đoán Hình ảnh, Đại học Y Dược Huế với trình độ tiếng Anh, tiếng Nga tốt và trên 10 kinh nghiệm trong các các lĩnh vực của Chẩn đoán hình ảnh.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Video đề xuất: PET/CT: Chìa khóa vàng trong cuộc chiến chống ung thư

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe