Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn - Trưởng đơn nguyên Chẩn đoán hình ảnh can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp.
U xơ vòm mũi họng là khối u lành tính (bản chất là các sợi mạch tập trung lại) nhưng có khả năng phát triển lan rộng, phá hủy xương mạnh, có thể lan rộng vào nội sọ làm ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Có nhiều Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Hiện nay, chụp mạch số hóa xóa nền và điều trị u xơ vòm mũi họng bằng phương pháp nút mạch mang lại kết quả tốt, giảm sự lan rộng và xâm lấn của khối u.
1. Sơ lược về u xơ mũi họng
U xơ vòm mũi họng là khối u xơ lành tính, bám sát vào nền sọ vùng họng mũi, lách vào các cấu trúc lân cận. Khối u chắc, có nhiều thùy và có cuống, kích thước to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm phát hiện. Khi lấy khối u quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy trong khối u có nhiều mạch máu hoặc những hồ máu nằm rải rác cùng tổ chức xơ, hình thành một mạng lưới bao bọc toàn bộ khối u.
U xơ vòm mũi họng tiến triển âm thầm với biểu hiện tắc, nghẹt một bên mũi ngày càng tăng. Sang giai đoạn muộn, bệnh nhân bị nghẹt, tắc mũi cả 2 bên, chảy nước mũi liên tục và nhiều lên. Thỉnh thoảng bệnh nhân bị chảy máu cam, ban đầu có thể tự cầm máu, sau phải can thiệp y tế mới cầm được máu mũi. Các triệu chứng khác gồm ù tai, suy giảm thính lực do khối u chèn ép vùng loa vòi tai, mệt mỏi, gầy yếu, da xanh tái.
Nếu để phát triển tự nhiên, khối u xơ vòm mũi họng sẽ lấp đầy hốc mũi, xoang bướm, xoang hàm, hốc mắt, phá vỡ hàm ếch, làm tiêu xương hàm trên và nổi phồng dưới da. Khi khối u chui vào nội sọ sẽ làm tổn thương dây thần kinh nội sọ, gây khó nuốt, mù mắt, không ngửi được. Bệnh nhân có khối u xơ vòm mũi họng không được điều trị sẽ tử vong do chảy máu hoặc biến chứng nội sọ gây tăng áp lực nội sọ.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị u xơ vòm mũi họng chủ yếu. Ngoài ra, có thể chỉ định điều trị tia xạ kết hợp với nội tiết để làm teo nhỏ khối u. Điều trị u xơ vòm mũi họng bằng phương pháp nút mạch số hóa xóa nền là thủ thuật xâm lấn tối thiểu đang được áp dụng và có hiệu quả cao, biến chứng thấp.
2. Phương pháp chụp số hóa xóa nền và nút mạch điều trị u xơ mũi họng
2.1 Các khái niệm liên quan
- Chụp mạch số hóa xóa nền: Còn gọi là chụp mạch máu kỹ thuật số hóa xóa nền (tên tiếng Anh là Digital subtraction angiography – DSA). Đây là kỹ thuật huỳnh quang sử dụng tia X để xác định hình ảnh của các mạch máu một cách rõ ràng. Về nguyên lý chụp mạch số hóa xóa nền: Sử dụng ánh sáng huỳnh quang và tia X để chụp hình mạch máu ở vị trí cần kiểm tra trước và sau khi bơm thuốc cản quang vào mạch máu cần chụp. Cuối cùng, máy tính sẽ xóa mờ hình ảnh nền, làm rõ hệ thống mạch máu.
- Nút mạch: Là thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu, được sử dụng để làm giảm sự phát triển của khối u bằng cách ngăn chặn đường cung cấp máu cho nó, ngăn chặn nguồn oxy và chất dinh dưỡng nuôi khối u. Các chất gây tắc mạch sẽ được tiêm vào khối u qua ống mềm đi theo động mạch cung cấp máu cho khối u. Nút mạch có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị,... Phương pháp này được áp dụng để nút mạch các khối u vùng đầu mặt cổ, ung thư gan, u xơ tử cung, u phì đại tuyến tiền liệt,...
Với u xơ vòm mũi họng, đầu tiên bác sĩ sẽ chụp động mạch vùng đầu mặt cổ để tìm các nhánh động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng cho khối u. Sau đó, thực hiện nút tắc các cuống mạch cung cấp máu cho khối u qua 1 ống thông nhỏ đặt trong lòng động mạch, từ đó làm giảm nguồn máu nuôi dưỡng cho khối u, giảm lượng máu đến khối u từ đó sẽ giảm tình trạng chảy máu trong phẫu thuật bóc khối u xơ vòm mũi họng.
2.2 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- Các trường hợp chảy máu mũi do khối u xơ vòm mũi họng trong quá trình chờ phẫu thuật.
- Nút mạch tiền phẫu nhằm làm giảm tình trạng chảy máu trong phẫu thuật u xơ vòm mũi họng
- Nút mạch thu nhỏ kích thước khối u.
Chống chỉ định
- Không có chống chỉ định tuyệt đối
- Chống chỉ định tương đối với các trường hợp suy thận, có rối loạn đông máu, phụ nữ có thai hoặc có tiền sử dị ứng rõ ràng.
2.3 Công tác chuẩn bị
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ, kỹ thuật viên điện quang can thiệp, điều dưỡng; bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê (nếu cần).
- Phương tiện kỹ thuật: Máy chụp mạch số hóa xóa nền, hệ thống lưu trữ hình ảnh, máy bơm thuốc cản quang chuyên dụng, bộ áo + váy + cổ chì che chắn tia X...
- Thuốc: Thuốc gây tê tại chỗ, thuốc gây mê toàn thân (trong trường hợp có chỉ định gây mê), thuốc cản quang có chứa Iod tan trong nước, Heparin và thuốc trung hòa Heparin, dung dịch sát khuẩn da PVP.
- Vật tư y tế thông thường: Bơm tiêm các loại 5ml, 10ml, 20ml, nước muối sinh lý, găng tay, mũ, áo, khẩu trang phẫu thuật, bộ dụng cụ can thiệp vô trùng (dao, kéo, kẹp, bát kim loại, khay đựng dụng cụ, khay quả đậu), bông, gạc, băng dính phẫu thuật, xe Etrolley.
- Vật tư y tế đặc biệt: Bộ dụng cụ mở đường vào lòng mạch 5F - 6F, kim chọc động mạch, dây dẫn tiêu chuẩn 0.035 inch, ống thông chụp mạch 4 - 5F, vi ống thông 1.9 – 2.7 F, vi dây dẫn 0.014 - 0.018 inch;
- Vật liệu gây tắc mạch: Xốp sinh học, hạt nhựa tổng hợp, keo sinh học, vòng xoắn kim loại các cỡ;
- Bệnh nhân: Được giải thích kỹ về thủ thuật; nhịn ăn uống trước 6 giờ, có thể uống không quá 50ml nước; tại phòng can thiệp bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, lắp máy theo dõi mạch, nhịp thở, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2 sát trùng da, phủ khăn vô khuẩn có lỗ; nếu bệnh nhân quá kích thích, không nằm yên thì nên dùng thuốc an thần;
- Phiếu xét nghiệm: Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật, phim chụp X-quang, cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính (nếu có).
2.4 Tiến hành thủ thuật
- Vô cảm: Thực hiện gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn chụp mạch số hóa xóa nền, đặt đường truyền tĩnh mạch, tiêm thuốc tiền mê. Với trẻ dưới 5 tuổi chưa có ý thức cộng tác hoặc người quá kích động, sợ hãi nên được gây mê toàn thân;
- Chọn kỹ thuật sử dụng và đường vào của ống thông: Lựa chọn kỹ thuật Seldinger. Đường vào ống thông có thể là vào từ động mạch đùi hoặc động mạch quay. Thông thường, đường vào được lựa chọn là từ động mạch đùi. Trường hợp đường vào từ động mạch đùi không can thiệp được mới lựa chọn các đường vào khác;
- Chụp động mạch chẩn đoán: Thực hiện sát khuẩn, gây tê chỗ chọc, chọc kim và đặt bộ mở đường vào động mạch. Tiếp theo, thực hiện chụp chọn lọc động mạch cảnh trong, chụp chọn lọc động mạch cảnh ngoài hoặc chụp chọn lọc động mạch đốt sống đúng kỹ thuật. Bác sĩ cũng có thể tiến hành chụp 3D tùy theo bệnh lý;
- Nút mạch: Đầu tiên, đặt ống thông dẫn đường vào mạch mang (thường là vào động mạch cảnh ngoài - hàm trong). Tiếp theo, luồn vi ống thông tới mạch máu dị dạng hoặc động mạch gây chảy máu. Sau đó, bơm vật liệu tắc mạch (tùy đặc điểm, vị trí tổn thương để lựa chọn vật liệu nút mạch tạm thời hoặc nút mạch vĩnh viễn). Cuối cùng, sau khi chụp đạt yêu cầu, thực hiện rút ống thông và ống đặt lòng mạch, ép tay trực tiếp lên vị trí chọc kim khoảng 15 phút để cầm máu và thực hiện băng ép trong 8 giờ.
Thực hiện thủ thuật thành công khi:
- Khối u vòm mũi họng và các động mạch nuôi khối u bị tắc mạch hoàn toàn;
- Các động mạch cung cấp máu cho các cơ quan bình thường không bị tắc.
2.5 Tai biến và cách xử trí
Trong khi thực hiện thủ thuật
- Tai biến do thủ thuật: Rách động mạch gây chảy máu hoặc bóc tách động mạch. Biện pháp xử trí là ngừng thực hiện thủ thuật, đè ép lại bằng tay, băng lại theo dõi. Nếu hiện tượng chảy máu ngưng thì có thể tiến hành thủ thuật nút mạch sau 1 - 2 tuần;
- Do thuốc cản quang: Gồm các phản ứng cấp tính (buồn nôn và nôn, nổi mề đay, phù nề thanh quản, co thắt phế quản, tụt huyết áp), sốc phản vệ và tai biến do thoát mạch thuốc cản quang. Biện pháp xử trí tùy từng phản ứng cụ thể theo đúng phác đồ chuẩn;
- Co thắt mạch: Tùy mức độ co thắt mạch có thể tiến hành bơm thuốc giãn mạch chọn lọc.
Sau khi thực hiện thủ thuật
- Ở chỗ ống thông có thể bị chảy máu hoặc có máu tụ: Nên băng ép lại, cho bệnh nhân nằm bất động cho tới khi ngừng chảy máu;
- Phồng hoặc thông động tĩnh mạch, đứt dây dẫn hoặc ống thông: Có thể xử trí bằng can thiệp ngoại khoa;
- Nghi tắc động mạch do máu cục hoặc thuyên tắc do bong các mảng xơ vữa động mạch: Cần thăm khám kịp thời để xử trí;
- Có biểu hiện nhiễm trùng sau khi làm thủ thuật: Nên sử dụng kháng sinh để điều trị;
- Những tai biến hiếm gặp khác: Mù mắt, liệt, di chuyển vật liệu nút mạch, suy răng, hoại tử hầu - họng,... cần hội chẩn chuyên khoa để có biện pháp can thiệp xử trí thích hợp.
Kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền và nút mạch điều trị u xơ mũi họng giúp kiểm soát tình trạng chảy máu từ khối u và ngăn nguồn máu tới nuôi dưỡng khối u, từ đó nâng cao hiệu quả trị bệnh. Khi được chỉ định thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau quá trình điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- U xương là bệnh gì? Các loại u lành tính ở xương
- Ứng dụng của chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) trong lĩnh vực thần kinh
- Chụp số hóa nền và nút mạch điều trị u xơ tử cung