Chụp CT có thể dẫn đến ung thư?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) là kỹ thuật được bác sĩ áp dụng để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường bên trong cơ thể, lên kế hoạch phẫu thuật hoặc kiểm tra xem phương pháp điều trị có hiệu quả với người bệnh hay không. Kỹ thuật này cần sử dụng tia X - tia bức xạ để ghi lại được hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Một số người cho rằng, chụp CT có thể dẫn đến ung thư vì lượng bức xạ từ máy chụp.

1. Chụp CT là gì?

Chụp cắt lớp vi tính (CT) hay còn được gọi là quét CT. Đây là kỹ thuật được bác sĩ ứng dụng nhằm phát hiện ung thư và tìm ra vị trí của nó, nơi nó có thể lan rộng và liệu khối u có ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể hay không bởi xét nghiệm hình ảnh. Trong và sau khi điều trị ung thư, bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn chụp CT để tìm hiểu xem phương pháp điều trị có hiệu quả hay không nhằm tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy ung thư quay trở lại.

Vì việc quét CT lặp đi lặp lại với một lượng phóng xạ nhất định nên nhiều bệnh nhân mắc bệnh và cả những người sống sót sau điều trị tỏ ra lo lắng về sự an toàn của thủ thuật này. Bất cứ phương pháp hay kỹ thuật nào cũng đều tồn tại rủi ro và có những lợi ích nhất định, chụp CT cũng không là ngoại lệ.

Lượng phóng xạ phát ra từ thủ thuật chụp CT luôn ở mức tối thiểu, tuy nhiên bác sĩ sẽ báo cho bạn biết rõ về các nguy cơ cũng như rủi ro có thể gặp bởi không phải lúc nào việc điều trị cũng diễn ra một cách suôn sẻ.


Bác sĩ sẽ tư vấn về quy trình cũng như rủi ro khi thực hiện thủ thuật
Bác sĩ sẽ tư vấn về quy trình cũng như rủi ro khi thực hiện thủ thuật

2. Phóng xạ từ thủ thuật chụp CT

Quét CT sử dụng tia X - là một loại bức xạ, còn được gọi là bức xạ ion hóa. Tia X có thể làm hỏng cấu trúc DNA trong các tế bào và làm tăng khả năng chúng sẽ biến thành ung thư.

Kỹ thuật chụp CT cần sử dụng nhiều bức xạ hơn các xét nghiệm hình ảnh khác, như chụp Xquang tuyến vú. Ví dụ, một lần chụp CT ngực phát ra số lượng tia X từ 100 đến 200 mGy.cm. Nghe có vẻ nhiều, nhưng tổng số lượng chất phóng xạ mà bạn nhận được ở mức rất nhỏ.

Điều quan trọng bạn cần biết đó là tất cả mọi người đều tiếp xúc với bức xạ ion hóa mỗi ngày, chỉ từ vật liệu phóng xạ tự nhiên trong môi trường xung quanh.

Trong một năm, một người trung bình nhận được khoảng 3 millisievert (mSv), đơn vị mà các nhà khoa học sử dụng để đo bức xạ. Mỗi lần chụp CT cung cấp 1 đến 10 mSv, tùy thuộc vào liều lượng phóng xạ và bộ phận cơ thể bạn đang làm xét nghiệm. Chụp CT ngực liều thấp khoảng 1,5 mSv. Các xét nghiệm tương tự ở một liều thông thường là khoảng 7 mSv.

Càng thực hiện chụp CT nhiều, bạn càng tiếp xúc với lượng bức xạ nhiều hơn. Nhưng nếu chụp CT là điều cần thiết, bạn vẫn cần phải lựa chọn phương pháp này.


Tia bức xạ in hóa có thể làm hỏng cấu trúc DNA trong các tế bào
Tia bức xạ in hóa có thể làm hỏng cấu trúc DNA trong các tế bào

3. Chụp CT có thể dẫn đến ung thư

Các nguy cơ do các tia X gây ra khi thực hiện chụp CT sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính và bộ phận cơ thể được quét. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ này rất thấp - khả năng mắc ung thư từ bất kỳ lần chụp CT nào là rơi vào khoảng 1/2000.

Một số bệnh nhân lo lắng về việc thực hiện xét nghiệm này vì vốn dĩ phóng xạ được biết đến như một nguyên nhân có thể gây ung thư. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư từ chụp CT là rất thấp. Và người bệnh cũng chỉ tiếp xúc với một lượng rất nhỏ tia X được phát ra từ phương pháp này. Các bác sĩ sẽ đảm bảo rằng lợi ích mà bạn nhận được từ thủ thuật chụp CT sẽ cao hơn mức độ rủi ro mà phương pháp này đem lại.

Một số cơ quan trong cơ thể nhạy cảm hơn với bức xạ so với các cơ quan khác với xu hướng bị tổn thương nhiều hơn cho các tế bào phát triển và phân chia nhanh chóng. Các bộ phận như ngực, phổi, tuyến giáp và tủy xương nhạy cảm với tia X hơn các bộ phận cơ thể khác như não...

Khả năng mắc ung thư ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Trẻ em cũng có nguy cơ cao hơn vì chúng đang trong quá trình phát triển và tế bào phân chia nhanh hơn so với ở người lớn. Trẻ em cũng có thể mắc ung thư từ phóng xạ.

Nếu còn lo lắng, trước khi chụp CT, bạn có thể hỏi bác sĩ một vài ý sau đây:

  • Tại sao tôi cần thực hiện chụp CT?
  • Chụp CT sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị như thế nào?
  • Những rủi ro tôi có thể gặp phải là gì?
  • Có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm khác mà không sử dụng tia bức xạ được không, chẳng hạn như MRI hoặc siêu âm?
  • Làm thế nào để bảo vệ các bộ phận khác trong cơ thể khi chụp CT?

Tác dụng phụ của tia X phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính và các bộ phận cơ thể
Tác dụng phụ của tia X phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính và các bộ phận cơ thể

Bác sĩ sẽ sử dụng liều phóng xạ nhỏ nhất có thể để thực hiện chụp CT- đặc biệt là nếu bạn cần phải chụp nhiều lần. Bạn nên hỏi kỹ thuật viên thực hiện có thể che chắn các bộ phận khác trên cơ thể mà không cần kiểm tra bằng áo choàng có chứa chì được không. Điều này sẽ chặn các tia X đi vào các khu vực đó.

Bạn nên giữ lại kết quả các lần chụp CT để biết xem bản thân đã nhận bao nhiêu lượng bức xạ đồng thời ngăn việc bạn lặp lại xét nghiệm đã thực hiện.

Nếu bạn vẫn lo lắng về bức xạ từ thủ thuật chụp CT, bác sĩ sẽ đưa phương pháp xét nghiệm khác phù hợp với bạn.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com, Cancer.net

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe