Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
MRI tưới máu não là kỹ thuật được sử dụng để đánh giá sự phân bố máu đến nhu mô não. Sử dụng kỹ thuật này giúp chẩn đoán phân biệt một số bệnh lý thần kinh và đánh giá hiệu quả điều trị cũng như để theo dõi bệnh.
1. Cách thực hiện chụp cộng hưởng từ tưới máu não
Bước 1: Chuẩn bị
- Sau khi được chỉ định chụp cộng hưởng từ tưới máu não, bệnh nhân di chuyển đến khoa chẩn đoán hình ảnh sẽ được nhân viên phòng cộng hưởng từ tiếp đón và hướng dẫn thay đồ, tháo các vật dụng bằng kim loại trên người để đảm bảo an toàn trong khi chụp cộng hưởng từ.
Bước 2: Tiến hành
- Kỹ thuật viên sẽ đặt bệnh nhân nằm vào trong máy MRI.
- Thời gian chụp MRI tưới máu não không thuốc khoảng 3-5 phút.
MRI tưới máu não có thuốc khoảng 15 phút. Nhân viên phòng cộng hưởng từ sẽ đặt một kim nhỏ vào tĩnh mạch ở vùng khuỷu tay và sẽ rút kim khi kết thúc thăm khám.
Trong thời gian chụp, máy sẽ phát ra các loại âm thanh, tuy nhiên với máy MRI công nghệ cao của Vinmec thì tiếng ồn này càng được tối giản, không gây sự khó chịu cho người chụp. Bệnh nhân cần cố gắng nằm yên một tư thế để cho hình ảnh chụp rõ ràng, sắc nét nhất.
2. Ưu/ Nhược điểm
- Ưu điểm của kỹ thuật này như đã trình bày ở trên cung cấp nhiều thông tin giúp bác sỹ quyết định chẩn đoán, quyết định phương pháp điều trị bệnh, đánh giá tiến triển và theo dõi trong quá trình điều trị. Ví dụ như trong bệnh cảnh đột quỵ giờ thứ 6-24h, sau khi chụp tưới máu não nếu vùng tranh tối tranh sáng (penumbra) là vùng não chưa chết hoàn toàn còn lớn bác sĩ vẫn sẽ quyết định can thiệp nội mạch lấp huyết khối cho người bệnh.
- Nhược điểm: sẽ tốn thời gian và chi phí hơn so với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ thường quy do quá trình chụp có tiêm thuốc tương phản từ. Người bệnh có thể cần xét nghiệm chức năng thận trước khi chụp có thuốc để tránh nguy cơ nguy cơ xơ hóa hệ thống thận do thuốc tương phản từ (nephrogenic systemic fibrosis).