Chụp cộng hưởng từ lồng ngực

Bài viết được viết bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chụp cộng hưởng từ lồng ngực là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không tiếp xúc với tia bức xạ, cho hình ảnh rõ nét, chi tiết về tim và cấu trúc mạch máu mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không làm được.

1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) lồng ngực là gì?

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một khám nghiệm không xâm lấn, được dùng để chẩn đoán các tình trạng bệnh lý.
  • MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy vi tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cấu trúc bên trong cơ thể. MRI không sử dụng bức xạ (tia X).
  • Hình ảnh MRI chi tiết cho phép bác sĩ đánh giá các cấu trúc bình thường và bệnh lý bên trong cơ thể. Hình ảnh có thể được xem lại trên màn hình máy tính. Chúng cũng có thể được gửi dưới dạng in hoặc sao chép vào đĩa CD hoặc tải lên đám mây kỹ thuật số.
  • MRI ngực cho hình ảnh chi tiết của các cấu trúc trong lồng ngực, bao gồm thành ngực, màng phổi, trung thất, tim và mạch máu trong trung thất ở hầu hết mọi góc độ. MRI cũng cung cấp hình ảnh giống như phim của hệ thống tim và mạch máu, điều này rất quan trọng để đánh giá sự toàn vẹn và chức năng của các cấu trúc này (tim, van tim, mạch máu lớn, v.v.).

Chụp MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn, chính xác
Chụp MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn, chính xác

2. Chụp MRI lồng ngực để làm gì?

Hình ảnh MR của lồng ngực được thực hiện để:

  • Đánh giá các khối bất thường (bao gồm ung thư phổi hoặc ung thư các tổ chức khác) mà không thể đánh giá đầy đủ bằng các phương thức hình ảnh khác (thường là CT) hoặc các trường hợp chỉ đánh giá được bằng MRI.
  • Xác định kích thước khối u, mức độ lan rộng và mức độ xâm lấn sang các cấu trúc lân cận.
  • Đánh giá giải phẫu và chức năng của tim và các cấu trúc khác của tim (van tim, v.v.).
  • Đánh giá tình trạng tưới máu cơ tim (lượng máu đến tim) và nhồi máu cơ tim (sẹo trong cơ tim do tắc nghẽn mạch máu nuôi tim trước đó).
  • Xác định động học dòng chảy trong các mạch máu và buồng tim.
  • Hiển thị các hạch bạch huyết và mạch máu, bao gồm các dị dạng mạch máu và bạch huyết của lồng ngực.
  • Đánh giá các rối loạn của hệ thống xương lồng ngực (đốt sống, xương sườn và xương ức) và mô mềm thành ngực (cơ và mỡ).
  • Đánh giá bệnh màng ngoài tim.
  • Mô tả đặc điểm tổn thương trung thất hoặc màng phổi được nhìn thấy bằng các phương thức hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp X-quang hoặc CT ngực.

Một dạng MRI đặc biệt được gọi là chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) rất hữu ích để đánh giá các mạch máu trong lồng ngực (cả động mạch và tĩnh mạch). MRA cũng có thể hiển thị rõ chứng phình động mạch hoặc bóc tách thành mạch máu.


Chụp MRI lồng ngực giúp tầm soát bệnh ung thư phổi
Chụp MRI lồng ngực giúp tầm soát bệnh ung thư phổi

3. Bệnh nhân có cần phải chuẩn bị gì không? Phải chuẩn bị như thế nào?

Bạn cần phải mặc áo choàng của bệnh viện hoặc có thể được mặc quần áo của mình nếu nó rộng rãi và không có ốc vít kim loại.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn về việc ăn và uống trước khi chụp MRI.

Nếu có chỉ định tiêm chất tương phản từ, bạn sẽ được hỏi xem nếu bạn bị hen suyễn hay không hoặc có dị ứng với chất tương phản iốt, thuốc, thực phẩm hoặc môi trường hay không? Vì trong thuốc tương phản từ có chất tương phản gọi là gadolinium. Gadolinium có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị dị ứng tương phản iốt. Bệnh nhân ít có khả năng dị ứng với tương phản gadolinium hơn so với cản quang iốt. Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân đã biết dị ứng với gadolinium, có thể sử dụng nó sau khi báo cho bác sĩ để bác sỹ cân nhắc.

Nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc đã phẫu thuật gần đây, hãy nói với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Một số tình trạng như bệnh thận nặng, có thể yêu cầu sử dụng các loại tương phản gadolinium đặc biệt được coi là an toàn cho bệnh nhân bị bệnh thận. Bạn có thể cần xét nghiệm chức năng thận để xác định xem thận của bạn có hoạt động bình thường không.

Nếu bạn là phụ nữ, bạn phải luôn luôn nói với bác sĩ và kỹ thuật viên nếu bạn đang mang thai. MRI đã được sử dụng từ những năm 1980 nhưng không có báo cáo về bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đối với phụ nữ đang mang thai hoặc thai nhi. Tuy nhiên, em bé sẽ ở trong một từ trường mạnh, do đó, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên chụp MRI trừ khi lợi ích của việc chụp rõ ràng vượt xa các rủi ro tiềm ẩn. Phụ nữ mang thai không nên tiêm thuốc tương phản gadolinium trừ khi thực sự cần thiết.

Nếu bạn mắc chứng sợ phòng kín (sợ không gian kín) hoặc quá lo lắng, bạn có thể yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc an thần nhẹ trước khi khám.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường yêu cầu thuốc an thần hoặc gây mê để hoàn thành chụp MRI mà không di động. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, sự phát triển trí tuệ và loại chụp. Bác sĩ chuyên khoa về an thần hoặc gây mê ở trẻ em sẽ có mặt trong suốt quá trình chụp vì sự an toàn của con bạn. Bạn sẽ được cho biết làm thế nào để chuẩn bị cho con của bạn.

Để tất cả đồ trang sức và các phụ kiện khác ở nhà hoặc tháo chúng ra trước khi chụp MRI. Các đồ kim loại và điện tử có thể ảnh hưởng vào từ trường của máy MRI và chúng không được phép mang trong phòng chụp. Chúng có thể gây bỏng hoặc trở thành vật có hại trong phòng máy MRI. Những đồ này bao gồm:

  • Đồ trang sức, đồng hồ, thẻ tín dụng và máy trợ thính bởi tất cả đều có thể bị hỏng
  • Ghim, kẹp tóc, dây kéo kim loại và các vật kim loại tương tự, có thể làm biến dạng méo mó hình ảnh MRI.
  • Răng giả có thể tháo lắp
  • Bút, dao bỏ túi và kính mắt
  • Khuyên trên cơ thể
  • Điện thoại di động, đồng hồ điện tử và các thiết bị theo dõi.

Trẻ em khi chụp MRI cần sử dụng thuốc an thần
Trẻ em khi chụp MRI cần sử dụng thuốc an thần

Trong hầu hết các trường hợp, chụp MRI là an toàn cho bệnh nhân cấy ghép kim loại, ngoại trừ một số loại. Những người có cấy ghép sau đây có thể không được chụp và không nên vào khu vực chụp MRI mà không được đánh giá trước về sự an toàn:

  • Một số vật liệu cấy ốc tai
  • Một số loại clip được sử dụng cho phình động mạch não
  • Một số loại coil kim loại được đặt trong các mạch máu
  • Một số máy khử rung tim cũ và máy tạo nhịp tim

Nói với kỹ thuật viên nếu bạn có các thiết bị y tế hoặc thiết bị điện tử trong cơ thể. Các thiết bị này có thể ảnh hưởng vào quá trình chụp hoặc gây rủi ro. Nhiều thiết bị cấy ghép sẽ có một cuốn sách nhỏ giải thích về các rủi ro MRI cho thiết bị cụ thể đó. Nếu bạn có cuốn sách nhỏ, hãy mang nó đến đưa cho bác sĩ chụp cho bạn trước khi thực hiện chụp. MRI không thể được thực hiện mà không có xác nhận và tài liệu về loại cấy ghép (implant) và khả năng tương thích với MRI.

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, X-quang có thể phát hiện và xác định bất kỳ vật kim loại nào. Các vật kim loại được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình thường không gây rủi ro trong MRI. Tuy nhiên, một khớp nhân tạo được đặt gần đây có thể yêu cầu sử dụng một kỹ thuật hình ảnh khác.

Nói với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ X-quang về bất kỳ mảnh đạn, viên đạn hoặc kim loại khác có thể có trong cơ thể bạn. Các vật thể lạ ở gần và đặc biệt ở trong mắt là rất quan trọng vì chúng có thể di chuyển hoặc nóng lên trong quá trình quét và gây mù. Thuốc nhuộm (mực xăm) được sử dụng trong hình xăm có thể chứa sắt và có thể nóng lên trong quá trình chụp MRI và gây bỏng. Điều này là hiếm.

Trám răng, niềng răng, phấn mắt và mỹ phẩm khác thường không bị ảnh hưởng bởi từ trường. Tuy nhiên, chúng có thể làm biến dạng hình ảnh của vùng mặt hoặc não. Nói cho bác sĩ X-quang về chúng.

Bất kỳ ai đi cùng bệnh nhân vào phòng chụp MRI cũng phải được kiểm tra các vật kim loại và các thiết bị cấy ghép.


Đeo niềng răng khi chụp MRI có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp
Đeo niềng răng khi chụp MRI có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp

4. Quá trình được thực hiện như thế nào?

  • Chụp MRI lồng ngực có thể được thực hiện đối với cả bệnh nhân nội và ngoại trú.
  • Bạn sẽ được đặt nằm trên bàn chụp có thể di chuyển được. Có thể sử dụng dây đai và nẹp để giúp bạn nằm yên và giữ đúng vị trí của mình.
  • Đặt các thiết bị có chứa cuộn dây có khả năng gửi và nhận sóng vô tuyến (coils) xung quanh vùng cơ thể được quét.
  • Bạn sẽ được đặt vào trong máy MRI. Kỹ thuật viên sẽ thực hiện quá trình chụp khi ngồi chụp ở phòng điều khiển bên ngoài phòng máy MRI.
  • Quá trình chụp MRI thường bao gồm nhiều lần chạy (các xung chụp), mỗi xung này có thể kéo dài vài phút.
  • Nếu sử dụng thuốc tương phản từ, bác sĩ, y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ đặt một đường truyền vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay của bạn để bơm thuốc tương phản.
  • Khi quá trình chụp hoàn tất, bạn có thể nằm đợi một lát để bác sĩ chẩn đoán hình ảnh kiểm tra chất lượng hình ảnh trong trường hợp nếu cần chụp lại hoặc chụp thêm.
  • Đường truyền tĩnh mạch ở tay của bạn sẽ được lấy ra sau khi kết thúc quá trình chụp.
  • Toàn bộ quá trình chụp sẽ được hoàn tất trong khoảng 20-30 phút.

Thời gian chụp cộng hưởng từ diễn ra nhanh chóng
Thời gian chụp cộng hưởng từ diễn ra nhanh chóng

5. Trải nghiệm của bạn trong và sau khi chụp MRI như thế nào?

Hầu hết các quá trình chụp MRI là không đau. Tuy nhiên có một vài bệnh nhân khó chịu với những lý do sau:

  • Cảm thấy ngột ngạt khi ở trong máy quét MRI (hội chứng buồng kín - clautrophobic). Vì vậy một số bệnh nhân lo lắng thì cần phải dùng thuốc an thần.
  • Cảm thấy ồn ào khi máy MRI phát xung
  • Khu vực bạn nằm bạn có thể cảm thấy hơi nóng, nhưng đó là điều bình thường. Nếu điều đó làm bạn khó chịu, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên. Điều quan trọng là bạn vẫn phải hoàn toàn nằm yên trong chụp.

Bạn sẽ biết khi nào hình ảnh được ghi lại vì bạn sẽ nghe và cảm thấy tiếng gõ lớn phát ra khi các cuộn dây tạo ra các xung tần số vô tuyến được kích hoạt. Một số trung tâm có cung cấp nút tai, trong khi những trung tâm khác sử dụng tai nghe nhạc để giảm cường độ âm thanh do máy MRI tạo ra. Bạn sẽ có thể thư giãn giữa các đợt phát xung, nhưng vẫn phải giữ nguyên vị trí của bạn mà không cần di chuyển nhiều nhất có thể.

Bạn thường sẽ ở một mình trong phòng MRI. Tuy nhiên, kỹ thuật viên vẫn có thể nhìn, nghe và nói chuyện với bạn mọi lúc bằng cách sử dụng máy liên lạc hai chiều. Nếu bạn lo lắng cần người thân bên cạnh, bạn có thể yêu cầu miễn là họ cũng được kiểm tra về an toàn trước khi vào phòng MRI.

Trẻ em sẽ được đeo nút tai hoặc tai nghe có kích thước phù hợp trong khám xét. Âm nhạc có thể được phát qua tai nghe để giúp bạn quên đi thời gian nằm chụp lâu.

Nếu bạn có một chỉ định chụp có tiêm thuốc tương phản từ tĩnh mạch, bạn cảm thấy cảm giác nóng bừng trong một hoặc hai phút sau khi tiêm là bình thường.

Kim luồn đặt tĩnh mạch có thể gây cho bạn một số khó chịu khi nó được đưa vào và được lấy ra, bạn có thể gặp một số vết bầm tím. Cũng có thể có rất ít trường hợp gây kích ứng da của bạn tại vị trí đặt kim luồn tĩnh mạch.

Nếu bạn chưa được gây mê, không cần thời gian theo dõi sau chụp. Bạn có thể tiếp tục hoạt động và chế độ ăn uống bình thường ngay sau chụp.

Một số bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ từ chất tương phản từ, bao gồm buồn nôn và đau khu trú. Rất hiếm khi, bệnh nhân bị dị ứng với chất tương phản từ và bị nổi mề đay, ngứa mắt hoặc các phản ứng dị ứng khác. Nếu bạn gặp các triệu chứng dị ứng, bác sĩ X-quang hoặc bác sĩ khác sẽ sẵn sàng xử trí ngay lập tức.

6. Những lợi ích và nguy cơ của phương pháp này là gì?

6.1 Lợi ích

  • MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không tiếp xúc với tia bức xạ.
  • Hình ảnh MR của tim và cấu trúc mạch máu thường rõ ràng và chi tiết hơn so với các phương pháp hình ảnh khác. Chi tiết này làm cho MRI trở thành một công cụ vô giá trong chẩn đoán sớm và đánh giá các tình trạng tim mạch.
  • MRI đã được chứng minh có giá trị trong chẩn đoán một loạt các bệnh lý, bao gồm ung thư, bệnh tim và mạch máu, bất thường van tim, bất thường về xương và mô mềm khác của ngực. MRI cũng hữu ích để phân loại giai đoạn của khối u.
  • MRI có thể giúp các bác sĩ đánh giá cả cấu trúc của một cơ quan và cách nó hoạt động như thế nào.
  • Chất tương phản từ gadolinium trong chụp MRI ít gây ra phản ứng dị ứng hơn chất cản quang chứa i-ốt được dùng để chụp X-quang và CT.
  • MRI ngực thường cho nhiều thông tin hơn so với các phương pháp hình ảnh khác, ngoại trừ các bất thường về nhu mô phổi, trong đó CT ngực là một khám xét hình ảnh được ưu tiên hơn.
  • Hình ảnh MR có thể đánh giá lưu lượng máu mà không có nguy cơ tác dụng phụ của chụp mạch thông thường.

Chụp cộng hưởng từ rất ít khi gây ra các tác dụng phụ
Chụp cộng hưởng từ rất ít khi gây ra các tác dụng phụ

6.2 Nguy cơ

  • Chụp MRI hầu như không có rủi ro cho bệnh nhân bình thường khi tuân thủ các hướng dẫn an toàn khi chụp
  • Từ trường mạnh không có hại. Tuy nhiên, nó có thể khiến các thiết bị y tế cấy ghép bị trục trặc hoặc gây biến dạng hình ảnh.
  • Xơ hóa hệ thống thận là một biến chứng đã được công nhận, nhưng hiếm, liên quan đến việc tiêm chất tương phản Gadolinium. Nó thường xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh thận nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ đánh giá chức năng thận của bạn trước khi tiêm thuốc tương phản.
  • Có rất ít nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng nếu sử dụng chất tương phản. Những phản ứng như vậy thường nhẹ và được kiểm soát bằng thuốc. Nếu có phản ứng dị ứng xảy ra, bác sĩ sẽ sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức.
  • Các nhà sản xuất thuốc tương phản tiêm tĩnh mạch cho biết các bà mẹ không nên cho con bú trong 24-48 giờ sau khi tiêm chất cản quang. Tuy nhiên, Sổ tay hướng dẫn gần đây nhất của ACR về chất tương phản báo cáo rằng các nghiên cứu cho thấy lượng chất cản quang được trẻ hấp thụ trong thời kỳ bú mẹ là cực kỳ thấp.

7. Những hạn chế của chụp MRI lồng ngực là gì?

  • Muốn có được hình ảnh chụp rõ nét phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nằm giữ yên trong suốt quá trình chụp và làm theo hướng dẫn nín thở trong khi ghi hình ảnh. Do vậy, nếu bạn lo lắng, bối rối hoặc đau dữ dội, bạn khó có thể nằm yên trong khi chụp, do vậy chất lượng hình ảnh sẽ thấp và ảnh hưởng đến quá trình đọc phim của các bác sĩ.
  • Một người quá to lớn có thể không vừa với một số loại máy MRI.
  • Cấy ghép và các vật thể kim loại khác có thể gây xảo ảnh khi chụp. Cử động của bệnh nhân có thể làm mờ hình ảnh.
  • Nhịp tim rất bất thường cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Điều này là do một số kỹ thuật lấy hình ảnh dựa trên hoạt động điện của tim.
  • MRI thường không được khuyến khích cho những bệnh nhân bị chấn thương nặng. Tuy nhiên, quyết định chụp phải dựa trên đánh giá lâm sàng. Điều này là do các dụng cụ cố định và thiết bị hỗ trợ sự sống có thể không được mang vào phòng chụp hoặc nếu được mang vào cũng có thể làm biến dạng hình ảnh MRI. Do đó, chúng phải được đặt cách xa khu vực cần chụp ảnh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chấn thương có thể cần phải chụp MRI nếu cần thiết
  • Mặc dù không có bằng chứng gì để chứng minh rằng MRI gây hại cho thai nhi, nhưng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên chụp MRI trừ khi thất cần thiết.
  • MRI thường tốn kém hơn và mất nhiều thời gian chụp hơn so với các phương pháp hình ảnh khác.
  • Chụp MRI lồng ngực mất nhiều thời gian hơn chụp X-quang hoặc chụp CT. Do mất nhiều thời gian chụp MRI nên nhiều trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cần dùng thuốc an thần để nằm yên trong quá trình chụp.

Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla hiện đại tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng
Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla hiện đại tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent. Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla với công nghệ Silent của hãng GE Healthcare (Hoa Kỳ).

  • Công nghệ Silent đặc biệt có lợi cho các trường hợp người bệnh là trẻ em, người già, người bệnh sức khỏe yếu và người bệnh đang phẫu thuật
  • Hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.
  • Công nghệ chụp cộng hưởng từ là công nghệ được áp dụng trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, an toàn bậc nhất hiện nay bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia X.

Để đăng ký khám, chụp MRI, Khách hàng vui lòng đặt lịch tại website hoặc liên hệ đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe