Được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ thai nhi bằng cách sử dụng các chuỗi xung nhanh và cực nhanh nhằm ghi lại một cách chi tiết, rõ nét và đầy đủ nhất về các cấu trúc giải phẫu của thai nhi. Chụp cộng hưởng từ thai nhi được thực hiện vào tam cá nguyệt 2 (14-27 tuần) và 3 (28-40 tuần) của thai kỳ.
1. Chụp CHT (MRI) thai nhi là gì?
Chụp cộng hưởng từ thai nhi là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không sử dụng tia X, cung cấp những thông tin chi tiết về cấu trúc giải phẫu của thai nhi một cách rõ nét và chi tiết.
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ thai nhi bằng cách sử dụng các chuỗi xung nhanh và cực nhanh nhằm ghi lại một cách chi tiết, rõ nét và đầy đủ nhất về các cấu trúc giải phẫu của thai nhi.
2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ thai nhi
Chỉ định chụp cộng hưởng từ thai nhi trong trường hợp:
- Bất thường không xác định được rõ ràng trên siêu âm (cả của thai nhi và phần phụ của thai bao gồm: Bánh nhau, nước ối...). Kiểm tra trong những trường hợp có yếu tố di truyền, mẹ tuổi cao...
- Chẩn đoán xác định bất thường đã được phát hiện trên siêu âm thai. Tìm kiếm thêm bất thường phối hợp hoặc cung cấp thông tin điều trị tiếp theo. Trong các trường hợp phức tạp.
- Thai nhi có nguy cơ bất thường ngay cả khi không phát hiện được trên siêu âm. VD; sau hội chứng truyền máu...
- Đánh giá bất thường hệ thần kinh, ống sống và các cơ quan của thai nhi.
3. Chụp cộng hưởng từ thai nhi được thực hiện khi nào? Có an toàn cho thai nhi và mẹ không?
Chụp cộng hưởng từ thai nhi được thực hiện vào tam cá nguyệt 2 (14-27 tuần) và 3 (28-40 tuần) của thai kỳ.
Trước 14 tuần do kích thước thai và tử cung nhỏ dẫn đến việc đánh giá thai nhi bằng cộng hưởng từ có nhiều hạn chế. Vì vậy hiếm khi được chụp trước 14 tuần và thường sau 16 tuần.
An toàn đối với thai:
- Theo các nghiên cứu với số lượng lớn thai phụ trên thế giới: Không ghi nhận sự bất thường có ý nghĩa thống kê đối với thai nhi khi chụp chụp cộng hưởng từ.
- Theo thống kê của hiệp hội sản phụ khoa quốc tế và FDA cho thấy không có bằng chứng gây dị tật thai đối với các trường hợp chụp cộng hưởng từ thai nhi.
- Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cộng hưởng từ có thể ảnh hưởng tới thính giác của thai nhi. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng với từ trường 1.5T ở thai tam cá nguyệt 2 và 3 không gây ảnh hưởng đến thính giác của thai
An toàn đối với mẹ
- Tất cả các chống chỉ định cho cộng hưởng từ cũng là chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai.
- Không có nghiên cứu nào trên thế giới chỉ ra có sự ảnh hưởng của chụp cộng hưởng từ đối với cơ thể mẹ.
4. Chụp cộng hưởng từ thai nhi có phải tiêm thuốc đối quang từ không? Nếu phải tiêm thì có ảnh hưởng gì không?
Không có chỉ định tuyệt đối nào đối với tiêm thuốc đối quang từ nhưng thông thường là không có chỉ định tiêm thuốc đối quang từ khi chụp cộng hưởng từ thai nhi, mà thường chỉ được cân nhắc đối với trường hợp bệnh lý đặc biệt của mẹ.
Không có báo cáo nào cho thấy thuốc đối quang từ có thể gây dị tật thai và bản thân Gadolinium cũng không phải là yếu tố gây dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên thuốc có thể xâm nhập vào tuần hoàn thai nhi dẫn đến chậm bài tiết và có thể gây độc cho thai.
5. Các bất thường nào của hệ thần kinh và các cơ quan khác có thể phát hiện được bằng cộng hưởng từ thai nhi?
Cộng hưởng từ thai nhi có thể phát hiện được tất cả các bất thường về mặt hình thái có thể phát hiện được trên siêu âm. Ngoài ra còn đưa ra thêm các thông tin chi tiết hơn cho chẩn đoán và phát hiện thêm các bất thường phối hợp.
Việc phát hiện các bất thường của thai nhi bằng cộng hưởng từ có độ nhạy và độ chính xác cao. Đặc biệt là trong việc chẩn đoán các dị tật thuộc hệ thần kinh và ống sống.
Các dị tật bẩm sinh có thể phát hiện bằng cộng hưởng từ thai:
Sọ não:
- Các dị tật não thất, bất thường của thể chai (thiểu sản, loạn sản, bất sản...), sự phân chia não trước, các dị dạng của hố sau, sự phát triển bất thường của vỏ não, các bệnh tính chất gia đình: Xơ cứng củ...
- Các bất thường của mạch máu não (thông động tĩnh mạch), dịch não tủy (não úng thủy), nhồi máu não, dị dạng của thai đôi...
Cột sống: Các khuyết tật ống thần kinh, tủy sống, thoát vị màng não – tủy, u quái cùng cụt, dị tật đốt sống...
Xương, mặt và vùng cổ: Sứt môi, hở hàm ếch, cằm nhỏ, u quái vùng mặt, u máu, bất thường tuyến giáp, dị dạng tĩnh mạch...
Lồng ngực: Dị tật nang tuyến phổi, phổi biệt lập, thoát vị hoành, khí phế thũng, tràn dịch, loạn sản xương sườn, xương ức...
Bụng – chậu – khoang sau phúc mạc: Các tổn thương khối u, nang (gan, thận, ruột), dị dạng đường sinh dục, tắc ruột, phình đại tràng, tràn dịch màng bụng.
Đánh giá các nguy cơ và dị tật của các đa thai: Dính nhau, hội chứng truyền máu (song sinh 1 bánh rau)...
Các chi, ngón: Đánh giá các dị dạng chi trên, chi dưới (chân tay khoèo, dư ngón ...).
6. Điều gì cần lưu ý khi chụp chụp cộng hưởng từ thai nhi?
- Không mang các vật dụng được khuyến cáo không an toàn vào phòng chụp. Và trả lời đầy đủ chính xác các câu hỏi về an toàn cộng hưởng từ.
- Không nên dùng đồ uống có cafein và đường trước khi chụp 4 giờ. Vì nó có thể kích thích cử động của thai nhi gây nhiễu ảnh và khó khăn cho thăm khám.
- Đi tiểu sạch trước khi chụp cộng hưởng từ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY