Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Hoàng - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
CT perfusion hay chụp cắt lớp vi tính tưới máu não là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Được áp dụng trong việc đánh giá mức độ tưới máu não khi có những nghi ngờ bất thường về tưới máu. Phương pháp này đặc biệt có giá trị trong đột quỵ nhồi máu não giai đoạn tối cấp để xác định penumbra (vùng tranh tối tranh sáng, đây là vùng có thể cứu được nếu áp dụng những biện pháp điều trị thích hợp.
1. Tìm hiểu chung về chụp cắt lớp vi tính (CT) tưới máu não
Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng nhiều tia X quét lên vũng não theo lớp cắt ngang, kết hợp với xử lý kỹ thuật của máy tính để đưa ra hình ảnh 2D hoặc 3D của não. Hình ảnh sau khi chụp sẽ được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và khảo sát khả năng tưới máu của nhu mô não.
Các thông tin thu được sẽ được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương nhu mô não trong bệnh lý đột quỵ, xác định vùng mô não nào có thể cứu chữa được. Ngoài ra CT perfusion còn được sử dụng để đánh giá những bất thường của mạch máu trong một số bệnh lý như hẹp, giãn, phình mạch máu trong và ngoài hộp sọ.
Người thực hiện phương pháp phải là bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên điện quang thông thạo các thao tác chụp CT. Loại máy được sử dụng thường là Chụp cắt lớp vi tính 512 lát đa dãy (8 dãy trở lên).
Các vật tư y tế khác được sử dụng để thực hiện phương pháp bao gồm:
- Bơm tiêm loại 10ml và 20ml.
- Bơm tiêm cho máy bơm điện chuyên dụng.
- Mũi tiêm loại 18-20G.
- Thuốc cản quang tan trong nước.
- Dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc.
- Nước muối sinh lý hoặc nước cất.
- Găng tay, khẩu trang, mũ, bông, gạc vô trùng.
- Kẹp phẫu thuật, khay quả đậu.
- Hộp cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân bị tai biến khi sử dụng thuốc cản quang.
2. Chỉ định và chống chỉ định của chụp cắt lớp vi tính (CT) tưới máu não
2.1. Chỉ định
- Đột quỵ: Giai đoạn cấp và tối cấp của nhồi máu não.
- Đánh giá mức độ tăng sinh mạch máu của u não.
- Hẹp mạch não có nghi ngờ ảnh hưởng đến khả năng tưới máu não.
- Theo dõi tình trạng bệnh nhân sau khi điều trị tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối động mạch.
2.2. Chống chỉ định
- Phương pháp chống chỉ định với người bị dị ứng với thuốc cản quang.
- Chống chỉ định tương đối với phụ nữ mang thai và vùng sọ não có kim loại làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
3. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính tưới máu não
3.1. Bệnh nhân
Bệnh nhân được giả thích về kỹ thuật để hợp tác với bác sĩ trong quá trình chụp. Trước khi thực hiện nên tháo bỏ những vật dụng kim loại như khuyên tai, vòng cổ, kẹp tóc để tránh làm nhiễu ảnh. Trước khi chụp cần phải nhịn ăn trong 4 tiếng, lượng nước nạp vào cơ thể không quá 50ml.
Nếu bệnh nhân không nằm yên được thì có thể sử dụng thuốc an thần với liều lượng thích hợp.
Bệnh nhân được đặt nằm ngửa trên bàn chụp để thực hiện chụp cắt lớp vi tính tưới máu não.
3.2. Tiến hành kỹ thuật
- Chụp định vị
- Trường chụp sọ não được đặt theo một trình cho vùng thăm khám trên, độ dày lớp cắt dưới lều khoảng 2 đến 3mm, trên lều khoảng 7 đến 8mm.
- Đánh giá sơ bộ tổn thương.
- Đánh giá nhu cầu và giá trị cần thiết để thực hiện chụp tưới máu não.
- Sử dụng kim tiêm loại 18G để đặt tĩnh mạch, nối với bơm điện chuyên dụng 2 nòng thuốc để kiểm soát vận tốc tiêm (1 nòng là muối sinh lý, nòng còn lại là thuốc)
- Đặt lớp chụp tại vị trí thương tổn cần đánh giá tưới máu não.
- Chụp theo chế độ mặc định mà máy tính đã cài đặt sẵn.
- Sau khi chụp, xử lý hình ảnh trên màn hình làm việc, đo các thông số như lưu lượng máu, cung lượng máu, thời gian cân chuyển trung bình, thời gian đạt đỉnh của vùng thăm khám.
- Bác sĩ sẽ tiến hành đọc các tổn thương, mô tả trên máy tính và in ra kết quả để trả cho bệnh nhân.
3.3. Nhận định kết quả
- Hình ảnh phải thể hiện rõ nét tranh tối tranh sáng của vùng nhu mô não.
- Hiển thị được các cấu trúc mạch máu lớn ở vùng nền sọ của bệnh nhân.
4. Cần làm gì sau khi chụp cắt lớp vi tính tưới máu não?
Bệnh nhân sau khi chụp cắt lớp vi tính tưới máu não có tiêm thuốc cản quang được giữ lại trong phòng để theo dõi trong khoảng thời gian 30 phút. Nếu không có biểu hiện gì bất thường, nhân viên y tế sẽ tháo kim tiêm nếu không có chỉ định sử dụng được truyền tĩnh mạch.
Sau khi được tháo kim, người bệnh cần đè lên vị trí tiêm trong khoảng 5 đến 10 phút để tránh chảy máu.
Sau khi ra về, bệnh nhân cần tích cực uống nhiều nước trong vòng 24 tiếng để đào thải thuốc cản quang ra ngoài cơ thể.
5. Tai biến và xử trí
- Trong trường hợp bệnh nhân quá kích động hoặc sợ hãi thì bác sĩ cần làm công tác tư tưởng để ổn định tâm lý cho người bệnh.
- Tai biến thuốc cản quang: Thực hiện theo quy trình chẩn đoán xử trí tai biến thuốc cản quang mà Bộ Y tế đã ban hành.
- Sau khi về nhà nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, sốt, khó thở,... thì phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.