Chụp cắt lớp vi tính mô phỏng cho bệnh nhân xạ trị ung thư vùng đầu cổ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cắt lớp vi tính mô phỏng là bước rất quan trọng trong điều trị xạ trị cho bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ. Chụp cắt lớp vi tính mô phỏng xạ trị giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.

1. Chụp cắt lớp vi tính mô phỏng xạ trị ung thư vùng đầu cổ là gì?

Xạ trị là phương pháp sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như tia gamma, tia X, proton, chùm tia điện tử,... để tiêu diệt các tế bào ung thư. Dòng tia xạ từ máy sẽ được chiếu qua cơ thể. Mỗi lần chiếu thường kéo dài khoảng 15 phút, bệnh nhân thường chiếu xạ 5 lần mỗi tuần và kéo dài từ 3-9 tuần. Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất hiện nay có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với những phương pháp điều trị ung thư khác. Đặc biệt xạ trị là phương pháp điều trị cơ bản trong ung thư vùng đầu cổ gồm nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vòm họng, ung thư khoang miệng, ung thư hạ họng, ung thư thanh quản, ung thư tuyến nước bọt, ung thư xoang,...


Xạ trị đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư vòm họng
Xạ trị đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư vòm họng

Để lập kế hoạch, tính liều và thực hiện xạ trị chính xác cho bệnh nhân, chụp cắt lớp vi tính mô phỏng là bước rất quan trọng. Hình ảnh mô phỏng xạ trị giúp tính toán, mô phỏng phân bố liều bức xạ trên khối u và các tổ chức lành lân cận theo năng lượng chùm tia, hướng chiếu, cách thức chiếu,... nhằm điều chỉnh các thông số này theo hướng tối ưu nhất cho người bệnh. Trong chụp cắt lớp vi tính mô phỏng xạ trị, bệnh nhân sẽ được chụp phần cơ thể sẽ được xạ trị. Người bệnh nằm trên một mặt phẳng, sử dụng các dụng cụ cố định như gối (head rest), mặt nạ nhiệt (thermoplastic mask) và hệ thống laser định vị, mô phỏng sao cho ở tư thế giống hệt với tư thế sẽ tiến hành xạ trị. Các dụng cụ cố định có vai trò quan trọng, giúp đảm bảo tư thế của bệnh nhân sẽ trùng lặp trong toàn bộ quá trình xạ trị sau này. Mặt nạ nhiệt được thiết kế vừa với khuôn mặt, ngoài tác dụng giữ cố định đầu, còn giúp bảo vệ mặt người bệnh.

2. Quy trình chụp cắt lớp vi tính mô phỏng cho bệnh nhân xạ trị ung thư vùng đầu cổ diễn ra như thế nào?

Chụp cắt lớp vi tính mô phỏng cho bệnh nhân xạ trị ung thư vùng đầu cổ thường được tiến hành theo các bước sau đây:

  • Bệnh nhân được nhân viên y tế kiểm tra thông tin cá nhân, tư thế mô phỏng, các loại dụng cụ dùng để cố định đồng thời được giải thích về quy trình làm mặt nạ và quy trình chụp mô phỏng xạ trị. Bệnh nhân được đặt đường truyền để tiêm thuốc cản quang khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nhân viên y tế phòng chụp mô phỏng xạ trị sẽ giúp đặt bệnh nhân lên bàn CT, sử dụng gối cố định, chỉnh tư thế của bệnh nhân cho phù hợp với hệ thống laser định vị; hướng dẫn người bệnh nhắm mắt để tránh tác động của laser đến thị lực.
  • Làm mặt nạ nhiệt cho bệnh nhân: mặt nạ được ngâm với nước nóng để làm mềm, do đó khi đắp lên mặt sẽ có cảm giác ướt và nóng. Để mặt nạ được chính xác, người bệnh cần nằm yên và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế như nâng cằm, ngửa cổ, cắn dụng cụ đè lưỡi,...Sau khoảng 15 phút mặt nạ nguội, nhân viên y tế dùng băng dính chì, đánh dấu tâm ban đầu trên mặt nạ. Tâm ban đầu này sẽ được sử dụng để lập kế hoạch điều trị sau này. Tên bệnh nhân được ghi lên mặt nạ để tránh nhầm lẫn với bệnh nhân khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính mô phỏng vùng đầu cổ: gối và mặt nạ nhiệt được dùng để cố định. Nếu được tiêm thuốc cản quang, người bệnh sẽ cảm thấy cảm giác nóng bừng toàn thân. Người bệnh cần nằm yên trong quá trình chụp.

Hình ảnh máy chụp cắt lớp vi tính mô phỏng
Hình ảnh máy chụp cắt lớp vi tính mô phỏng

  • Nhân viên y tế kiểm tra hình ảnh chụp cắt lớp vi tính mô phỏng và các điểm chì của người bệnh, sau đó chuyển hình ảnh sang hệ thống lập kế hoạch điều trị.
  • Sau khi chụp xong, nhân viên y tế tháo mặt nạ cố định, đưa bệnh nhân xuống. Tiến hành kiểm tra, theo dõi sức khỏe người bệnh trong 30 phút. Dặn bệnh nhân nếu có các triệu chứng bất thường như mệt, khó thở, nổi ban,...cần báo ngay với nhân viên y tế. Nếu bệnh nhân ổn định sẽ được xuất viện và dặn tái khám theo lịch của bác sĩ. Sau 1-2 tuần kể từ khi chụp cắt lớp vi tính mô phỏng, bệnh nhân sẽ bắt đầu được xạ trị.

3. Lưu ý cho bệnh nhân trước khi chụp cắt lớp vi tính mô phỏng xạ trị

Bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nữ nên cắt tóc ngắn để quá trình chụp cắt lớp vi tính mô phỏng xạ trị vùng đầu cổ được thuận lợi. Nếu có tiêm thuốc cản quang, người bệnh cần nhịn ăn trước khi chụp ít nhất 4 giờ. Người bệnh cần thông báo với nhân viên y tế phòng chụp nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai. Ngoài ra, người bệnh cũng cần báo cho nhân viên y tế nếu có tiền sử dị ứng thuốc cản quang, đang mắc bệnh mãn tính như suy thận, đái tháo đường,...

Chụp cắt lớp vi tính mô phỏng cho bệnh nhân xạ trị ung thư vùng đầu cổ là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại và tiên tiến, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh để có hướng thăm khám và điều trị.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe