Ngưng thở khi ngủ ở trẻ mới biết đi là tình trạng hơi thở của trẻ bị gián đoạn trong khi ngủ. Những khoảng thời gian ngừng thở này ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ, và có thể khiến cho trẻ buồn ngủ vào ban ngày và các vấn đề về hành vi khác ở trẻ em.
1. Chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là gì?
Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là một chứng rối loạn nghiêm trọng tiềm ẩn, trong đó việc thở của trẻ bị gián đoạn lặp đi lặp lại trong khi ngủ.
Người ta cho rằng có khoảng 1 - 4% trẻ em ở Hoa Kỳ bị ngưng thở khi ngủ. Theo Hiệp hội ngưng thở khi ngủ ở Hoa Kỳ, độ tuổi trẻ mắc chứng bệnh này là khác nhau, nhưng nhiều trẻ trong độ tuổi từ 2 - 8 tuổi gặp phải tình trạng này.
Chứng ngưng thở khi ngủ được chia thành 3 loại sau:
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): là do tắc nghẽn ở phía sau cổ họng hoặc mũi. Đây là loại ngưng thở phổ biến nhất.
- Ngưng thở khi ngủ trung ương: trong đó trẻ không có tắc nghẽn nhưng não không phát tín hiệu cho các cơ thở, khiến cho các cơ này không hoạt động bình thường dẫn tới tình trạng ngừng thở.
- Ngưng thở hỗn hợp: là sự kết hợp của cả hai loại trên.
Điểm khác biệt giữa ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương là số lượng tiếng ngáy. Tiếng ngáy có thể xảy ra với chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, nhưng triệu chứng này nổi bật hơn nhiều với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn vì nó có liên quan đến tắc nghẽn đường thở.
2. Nguyên nhân nào gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn?
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) có thể do bất cứ thứ gì có thể gây tắc nghẽn đường thở và khiến con bạn khó lấy đủ không khí vào phổi hơn.
Ở trẻ em, amidan hoặc u tuyến phì đại (các tuyến trong họng ngay sau mũi) thường là nguyên nhân gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Khi các cơ của con bạn giãn ra vào ban đêm, các tuyến quá khổ này có thể tạm thời chặn không khí đến phổi của trẻ.
Amidan của trẻ có thể tự nhiên hơi to một chút. Trên thực tế, chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất ở độ tuổi từ 3 đến 6 tu, khi amidan và adenoid (VA) có kích thước lớn nhất so với đường thở ở của trẻ em. Amidan và adenoids cũng có thể to ra do nhiễm trùng hoặc dị ứng.
Các nguyên nhân khác gây tắc nghẽn đường thở khác bao gồm:
- Thừa cân
- Một số đặc điểm trên khuôn mặt, chẳng hạn như cằm lẹm và hở hàm ếch.
- Trẻ bị hội chứng Down và các bệnh bẩm sinh khác ảnh hưởng đến đường hô hấp trên có tỷ lệ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn. Hơn một nửa số trẻ mắc hội chứng Down sẽ phát triển chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Một số nguyên nhân có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ trung ương đó là:
- Một số bệnh tật như: suy tim, đột quỵ
- Trẻ bị sinh non
- Trẻ bị một số dị tật bẩm sinh
- Một số loại thuốc
3. Làm cách nào để biết con bạn có bị ngưng thở khi ngủ hay không?
Có rất nhiều triệu chứng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Các dấu hiệu đáng chú ý nhất là ngáy và khó thở khi ngủ, thường được đặc trưng bởi sự ngừng thở. Ngừng thở khi ngủ được xác định là khoảng thời gian tạm dừng là mười giây hoặc hơn mà không thở.
Tuy nhiên, đừng vội kết luận rằng con bạn bị ngưng thở khi ngủ nếu như bạn thấy trẻ ngáy. Theo Gary E. Freed, DO, giáo sư nhi khoa và giám đốc Phòng thí nghiệm giấc ngủ trẻ em tại Trường Y Đại học Emory ở Atlanta, có khoảng 1 đến 3% trẻ em bị ngưng thở khi ngủ, trong khi có đến 7 - 12% trẻ em ngủ ngáy. Tương tự như vậy, trẻ có thể bị ngưng thở khi ngủ mà không ngáy.
Bạn có thể nghi ngờ con bạn bị ngưng thở khi ngủ nếu con bạn có các triệu chứng sau:
- Thở bằng miệng hầu hết thời gian cả ban đêm và ban ngày.
- Thường bị ho hoặc sặc vào ban đêm.
- Ngủ không yên giấc, hoặc đổ mồ hôi nhiều khi anh ấy ngủ.
Kết hợp với bất kỳ triệu chứng nào ở trên, thức đêm lặp đi lặp lại có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Vì trẻ bị ngưng thở khi ngủ khó thở nên trẻ có thể quấy khóc thường xuyên hơn, thức dậy để lấy không khí cần thiết.
Nếu bạn nghĩ rằng con mình có thể bị ngưng thở khi ngủ, hãy xem xét hành vi ban ngày của trẻ để biết thêm thông tin. Trẻ bị ngưng thở thường thiếu ngủ nên dễ cáu gắt, bực bội. Con bạn có thể ngủ vào những thời điểm không thích hợp vì quá mệt, trẻ khó thức dậy vào buổi sáng.
Một đứa trẻ bị ngưng thở khi ngủ cũng có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến amidan hoặc adenoid. Con bạn có thể phát triển chậm hơn mức bình thường nếu trẻ không ngủ đủ lâu để hưởng lợi từ các hormone tăng trưởng được tiết ra vào ban đêm. Trẻ cũng có thể không phát triển bình thường nếu bé bị khó thở vào ban đêm đến mức đốt cháy calo. Nó giống như chạy marathon mỗi đêm.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ngưng thở khi ngủ có thể không ngáy, đặc biệt là những trẻ bị ngưng thở khi ngủ trung ương. Đôi khi, dấu hiệu duy nhất của chứng ngưng thở khi ngủ ở nhóm tuổi này đó là gặp khó khăn khi ngủ hoặc giấc ngủ bị xáo trộn.
4. Những nguy hiểm của chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em
Hầu hết trẻ em bị ngưng thở khi ngủ có các triệu chứng nhẹ. Nhưng chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các vấn đề về tăng trưởng, học tập và hành vi. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra các vấn đề về tim, phổi và huyết áp cao.
Chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị sẽ dẫn đến giấc ngủ của trẻ bị xáo trộn trong thời gian dài khiến cho trẻ cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày trong thời gian dài. Một đứa trẻ bị hội chứng này nếu không được điều trị có thể khó tập trung ở trường. Điều này có thể gây ra các vấn đề về học tập và kết quả học tập kém.
Một số trẻ còn phát triển chứng tăng động khiến chúng bị chẩn đoán nhầm với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Ước tính có khoảng 25% trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bị chẩn đoán nhầm với chứng ADHD.
Những đứa trẻ này cũng có thể gặp khó khăn trong việc phát triển về mặt xã hội và học tập. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, chứng ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển, chậm nhận thức và các vấn đề về tim.
Trẻ bị ngưng thở khi ngủ không được điều trị có thể gây ra:
- Huyết áp cao
- Tăng nguy cơ đột quỵ
- Đau tim
- Chứng béo phì ở trẻ em
5. Bạn nên làm gì nếu nghĩ rằng con bạn có thể bị ngưng thở khi ngủ?
Nếu bạn nghi ngờ con mình bị chứng ngưng thở khi ngủ, bạn cần trao đổi với bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể hỏi bạn về các thói quen của con bạn và kiểm tra đường thở của trẻ.
Nếu bác sĩ nghĩ rằng cân nặng hoặc dị ứng của con bạn có thể gây ra vấn đề, bác sĩ có thể đề nghị giải quyết những tình trạng đó trước. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ phổi), chuyên gia về giấc ngủ hoặc chuyên gia về chứng ngưng thở.
Xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ được gọi là polysomnogram. Nó theo dõi sóng não, chuyển động của mắt, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu, cũng như tiếng ngáy và thở hổn hển trong khi trẻ ngủ.
Nếu bác sĩ không chắc liệu con bạn có cần là nghiên cứu giấc ngủ đầy đủ hay không, một lựa chọn khác đó là xét nghiệm đo oxy. Xét nghiệm này có thể làm tại nhà, phương pháp này đo nhịp tim của con bạn và lượng oxy trong máu khi ngủ. Đây là một công cụ giúp sàng lọc ban đầu để tìm các dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.
Dựa trên kết quả xét nghiệm đo oxy, bác sĩ có thể đề nghị một nghiên cứu về giấc ngủ đầy đủ để xác định chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị cho trẻ làm điện tâm đồ để loại trừ bất kỳ tình trạng bệnh lý tim nào.
Việc kiểm tra đầy đủ là rất quan trọng vì chứng ngưng thở khi ngủ đôi khi bị bỏ qua ở trẻ em. Bởi trẻ có thể mắc phải hội chứng này nhưng không có các dấu hiệu điển hình.
6. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em như thế nào?
Đối với chứng ngưng thở khi ngủ nhẹ mà không có triệu chứng, bác sĩ có thể chọn không điều trị tình trạng này. Chứng ngưng thở khi ngủ ở một số trẻ phát triển chậm hơn. Vì vậy bác sĩ có thể theo dõi tình trạng của trẻ trong một thời gian dài để xem có cải thiện hay không. Điều này cần cân nhắc với nguy cơ biến chứng lâu dài do ngưng thở khi ngủ không được điều trị gây ra.
Thuốc steroid tại chỗ có thể được kê đơn để giảm nghẹt mũi ở một số trẻ em. Những loại thuốc này bao gồm Fluticasone (Dymista, Xhance, Flonase) và Budesonide (Rhinocort). Các loại thuốc này chỉ nên sử dụng tạm thời trong thời gian chờ đến khi tình trạng tắc nghẽn được giải quyết.
Trong 90% trường hợp, cắt bỏ amidan và / hoặc adenoids sẽ giúp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em. Một số trẻ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cần sử dụng máy CPAP (áp lực đường thở dương liên tục) để giữ cho đường thở mở bằng cách thổi không khí vào mũi qua mặt nạ trong khi ngủ.
Tuy nhiên CPAP thường không làm giảm các triệu chứng của chứng ngưng thở trung ương. Một thiết bị được gọi là thở máy áp suất dương không xâm lấn (NIPPV) có thể hoạt động tốt hơn đối với trẻ bị ngưng thở trung ương. Chiếc máy này cho phép cái đặt nhịp thở dự phòng, điều này đảm bảo rằng một số nhịp thở được thực hiện mỗi phút ngay cả khi không có tín hiệu từ não.
Một thiết bị báo động ngưng thở có thể được sử dụng cho trẻ sơ sinh bị ngưng thở khi ngủ trung ương. Thiết bị này sẽ phát ra âm thanh báo động khi xảy ra một đợt ngưng thở. Điều này sẽ đánh thức trẻ sơ sinh và chấm dứt tình trạng ngưng thở.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com, healthline.com, sleepfoundation.org, webmd.com