Chứng loạn sản phế quản phổi là gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Loạn sản phế quản phổi là một bệnh phổi mạn tính, đa số gặp ở những trường hợp trẻ sinh thiếu tháng cần được sử dụng máy thở và oxy liệu pháp để can thiệp những rối loạn hô hấp cấp. Sự phát triển của chuyên ngành sơ sinh và chăm sóc sơ sinh đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống của trẻ sinh thiếu tháng, tuy nhiên riêng trong vấn đề cải thiện tỷ lệ mắc bệnh thì vẫn còn hạn chế.

1. Loạn sản phế quản phổi là gì?

Loạn sản phế quản phổi là một bệnh phổi mạn tính, đa số gặp ở những trường hợp trẻ sinh thiếu tháng cần được sử dụng máy thở và oxy liệu pháp để can thiệp những rối loạn hô hấp cấp, nhưng cũng có thể xảy ra trên những trẻ sơ sinh mắc những vấn đề hô hấp ít nghiêm trọng hơn. Trong bệnh cảnh của loạn sản phế quản phổi, phổi và phế quản bị tổn thương trong thời kỳ sơ sinh, dẫn tới tình trạng loạn sản của các phế nang trong phổi.

Những trẻ sinh thiếu tháng, đặc biệt là những trẻ sinh trước 28 tuần tuổi thai có rất ít phế nang trong phổi tại thời điểm được sinh ra, và ngay cả những phế nang đã được hình thành cũng không hoàn chỉnh, không hoạt động chức năng được như bình thường. Vì lý do đó, những đứa trẻ này cần được hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy hoặc bằng phương pháp thở máy. Mặc dù các can thiệp y khoa có thể giúp cho trẻ sống sót, nhưng cũng chính những can thiệp này lại có thể gây ra những tổn thương tại phổi, khiến loạn sản phế quản phổi xuất hiện.


Trẻ sinh non trước 28 tuần
Trẻ sinh non trước 28 tuần

2. Cơ chế tác động của loạn sản phế quản phổi lên trẻ

Loạn sản phế quản phổi tác động trực tiếp tới cả hai phổi cũng như toàn bộ cơ thể. Bên trong hai phổi của trẻ, một số lượng đáng kể các phế nang bị xơ hóa (sẹo hóa) và không thể hoạt động chức năng. Những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng tới những phế nang hiện đang có, mà còn ảnh hưởng tới cả những phế nang tiếp tục phát triển sau khi trẻ được sinh ra.

Một đứa trẻ có số lượng ít những phế nang hoạt động bình thường sẽ cần đến sự hỗ trợ hô hấp kéo dài bằng phương pháp thở máy hoặc bằng thở oxy, và thật không may, những can thiệp này tuy giúp đứa trẻ sống sót nhưng cũng lại gây ra thêm những tổn thương cho phổi của đứa trẻ.

Tổn thương không chỉ xảy ra đối với các phế nang mà còn xảy ra cả với các mạch máu xung quanh chúng, khiến cho dòng tuần hoàn tại phổi trở nên khó khăn hơn. Về lâu dài, vấn đề này dẫn tới sự tăng áp lực trong lòng các mạch máu trong phổi và giữa tim với phổi (tăng áp phổi), từ đó tăng gánh nặng lên tim, và trong các trường hợp nặng sẽ gây ra suy tim.


Trẻ cần đến sự hỗ trợ của phương pháp thở oxy
Trẻ cần đến sự hỗ trợ của phương pháp thở oxy

Vì số lượng phế nang hoạt động ở trẻ mắc bệnh rất thấp, nên những trẻ này buộc phải thở nhanh và mạnh hơn nhiều so với những trẻ bình thường khỏe mạnh. Từ đó những trẻ mắc bệnh sẽ chậm phát triển, bởi chúng không có đủ năng lượng hay thời gian cần thiết để ăn, khiến việc ăn không được đầy đủ như bình thường. Đa số năng lượng trẻ sử dụng vào việc thở, cơ thể còn rất ít năng lượng để sinh trưởng và phát triển, dẫn tới trẻ chậm phát triển, không thể phát triển, kéo theo hàng loạt vấn đề ở các cơ quan khác của cơ thể.

3. Mức độ ảnh hưởng của loạn sản phế quản phổi với trẻ như thế nào?

Ước tính trên lãnh thổ Hoa Kỳ mỗi năm có khoảng 10000 trẻ sinh ra có thể tiến triển loạn sản phế quản phổi. Mức độ nghiêm trọng của loạn sản phế quản phổi khác nhau tùy từng trẻ. Trong các trường hợp loạn sản phế quản phổi mức độ nhẹ, trẻ có thể chỉ có duy nhất dấu hiệu thở nhanh hơn bình thường. Trong các trường hợp bệnh mức độ trung bình, trẻ cần được hỗ trợ thở oxy trong vài tháng. Những trường hợp nặng tuy không phổ biến nhưng sẽ khiến trẻ bị suy hô hấp cần phải can thiệp thở máy kéo dài (thở oxy ở những ca bệnh này là không đủ).

4. Nguyên nhân gây ra loạn sản phế quản phổi

Nguyên nhân gây ra loạn sản phế quản phổi có liên quan tới các biện pháp hỗ trợ thở oxy và can thiệp thở máy nhằm giúp trẻ có thể sống sót. Một lượng lớn oxy hỗ trợ cho quá trình hô hấp của trẻ trong nhiều ngày là điều cần thiết để tránh tử vong, nhưng chính điều này cũng lại gây tổn thương cho các phế nang.

Bên cạnh đó, các phế nang có thể bị tổn thương nhiều hơn khi bị căng giãn quá mức do các luồng khí vào phổi từ máy thở khi trẻ được can thiệp thở máy. Mặc dù còn chưa được biết rõ ràng, nhưng quá trình viêm có thể gây tổn hại cho lớp biểu mô bên trong của phế quản, phế nang và thậm chí là các mạch máu xung quanh chúng. Những tổn thương này xuất hiện đặc biệt trên phổi chưa trưởng thành, do đó loạn sản phế quản phổi chủ yếu được coi là một biến chứng của việc sinh thiếu tháng.


Trẻ sinh non chưa trưởng thành phổi
Trẻ sinh non chưa trưởng thành phổi

5. Yếu tố nguy cơ của loạn sản phế quản phổi

Có một vài yếu tố tuy không phải nguyên nhân trực tiếp, nhưng lại khiến loạn sản phế quản phổi có khả năng xuất hiện hơn, bao gồm:

  • Mức độ trẻ sinh thiếu tháng: phổi càng kém phát triển thì càng dễ bị tổn thương và nguy cơ xuất hiện bệnh càng cao. Loạn sản phế quản phổi hiếm gặp ở những trẻ sinh sau 32 tuần tuổi thai.
  • Can thiệp thở máy kéo dài: thở máy làm căng giãn các phế nang, và khi bị căng giãn quá mức, trong thời gian dài, các phế nang sẽ bị tổn thương.
  • Nồng độ oxy cao: nồng độ oxy càng cao, thời gian thở oxy càng kéo dài thì nguy cơ xuất hiện loạn sản phế quản phổi càng lớn. Thông thường nồng độ oxy dưới 60% được coi là mức tương đối an toàn.
  • Trẻ là nam giới: những trẻ mang giới tính nam có nguy cơ sinh thiếu tháng lớn hơn, và dễ phát triển bệnh hơn.
  • Tình trạng của thai phụ: thai phụ hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích bất hợp pháp, thai phụ không được cung cấp đủ dưỡng chất, nhiễm khuẩn trong lúc mang thai có thể tác động tới sự phát triển bình thường của bào thai, từ đó có thể dẫn tới sinh trẻ thiếu tháng, làm tăng nguy cơ xuất hiện các hội chứng rối loạn hô hấp, và gây ra loạn sản phế quản phổi.

Cấy ghép tế bào gốc đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị. Tại Vinmec Times City, bệnh viện duy nhất ở miền Bắc đã thực hiện được kỹ thuật này với tỷ lệ thành công đạt 80%.

Đây là kỹ thuật tiên tiến có thể điều trị dứt điểm xơ phổi nặng ở trẻ sinh non. Tế bào gốc ghép vào là các tế bào toàn năng, giúp cho phổi xơ hóa trưởng thành tốt, tăng thêm cơ hội cứu chữa và sống khỏe mạnh cho trẻ sinh non mắc biến chứng xơ phổi, giảm dần thời gian lệ thuộc máy, mau chóng trả lại cho trẻ một cuộc sống như bình thường.


Cấy ghép tế bào gốc điều trị loạn sản phế quản phổi tại Vinmec
Cấy ghép tế bào gốc điều trị loạn sản phế quản phổi tại Vinmec

Hệ thống trang thiết bị hiện đại hỗ trợ quá trình điều trị, Labo ngân hàng tế bào gốc, chiết tách, nuôi cấy, kỹ thuật cao. Bác sĩ giàu kinh nghiệm: Bác sĩ Trần Liên Anh và Đội ngũ điều dưỡng có kiến thức chuyên sâu, có trách nhiệm. Viện nghiên cứu Tế bào gốc & Công nghệ Gen: trình độ kỹ thuật cao, có khả năng nuôi cấy tế bào gốc.

Loạn sản phế quản phổi là những tổn thương phổi khó tránh khỏi ở trẻ sinh non nếu phải cần đến hô hấp hỗ trợ. Tuy vậy, nhờ vào những thành tựu y học, đặc biệt là kỹ thuật ghép tế bào gốc, căn bệnh này không còn là nỗi ám ảnh lâu dài. Hệ thống Y khoa Vinmec đã từng bước ứng dụng và thành công trong không chỉ nuôi dưỡng trẻ sinh non và còn bảo tồn được chức năng hô hấp cho trẻ.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phối

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe