Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Nguyễn Khắc Đát - Trưởng phòng khám - Trưởng bộ phận Tác động cột sống, Đơn nguyên Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Đau mỏi vai gáy là hội chứng rất khó chịu và thường gặp dai dẳng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giấc ngủ và cả tâm lý người bệnh. Phương pháp tác động cột sống bằng xoa bóp, bấm huyệt đang được chú ý hơn cả vì không chỉ giúp giảm đau mà còn đem lại cảm giác thư thái, dễ chịu.
1. Hội chứng vai gáy là gì?
Hội chứng vai gáy là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng các rễ thần kinh, dây thần kinh tại chỗ và không liên quan tới bệnh lý viêm.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp là cảm giác đau đớn hay nhức mỏi, xuội, yếu vùng gáy, cổ, vai và cánh tay một bên. Ngoài ra, người bệnh có thể có một số rối loạn cảm giác hay vận động thực thể đi kèm theo vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống cổ bị ảnh hưởng.
Hệ quả là người bệnh luôn đau âm ỉ kéo dài dù không hoạt động; khi hoạt động, cảm giác đau tăng lên, làm giảm khả năng gắng sức, mang vác vật nặng hay thậm chí không thể nằm nghiêng về bên tổn thương, từ đó chất lượng cuộc sống cũng sẽ bị suy giảm.
Trắc nghiệm: Bạn biết gì về bệnh đau cổ vai gáy?
Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.
2. Nguyên nhân gây ra đau cổ vai gáy?
Trong nhóm các bệnh lý cơ xương khớp, hội chứng vai gáy khá phổ biến. Căn bệnh này thường gặp ở những người trẻ làm việc văn phòng, tài xế lái xe đường dài, những người bưng vác vật nặng sai tư thế cho đến những người lớn tuổi khi thời tiết thay đổi.
Trong đa số các trường hợp, nguyên nhân cơ học là chiếm đa số. Đó là khi người bệnh có thói quen gối đầu quá cao khi ngủ, mang vác đồ đạc một bên vai, ngồi làm việc với kích thước bàn ghế và tầm nhìn không thích hợp... Điều này khiến cho sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ bị giảm sút, gây thiếu máu dẫn đến sự đau nhức và cứng cổ, vai gáy và khó cử động. Biểu hiện này sẽ trở nên nặng nề hơn khi tuổi tác càng tăng dần.
Sự thoái hóa và xơ vữa mạch máu làm tình trạng thiếu máu nuôi trở nên trầm trọng hơn, giảm tính dẻo dai và chịu đựng của các xương khớp, cơ bắp. Tương tự như vậy, khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời chuyển sang lạnh, cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột dẫn đến khí huyết bị ứ trệ và lượng oxy cung cấp cho máu giảm cũng gây thiếu máu cục bộ tại các cơ dẫn đến tình trạng đau cổ vai gáy.
Ngoài ra, sự thoái hóa theo thời gian các đốt sống cổ, các khớp liên đốt và liên mỏm bên làm hẹp lỗ tiếp hợp hoặc tiến trình đĩa đệm thoát vị sẽ gây nên chèn ép rễ và dây thần kinh cột sống cổ, gây đau cổ và từ đó lan ra vai hoặc tay. Các nguyên nhân ít gặp khác gồm chấn thương, khối u, nhiễm trùng, loãng xương, bệnh lý viêm cột sống, bệnh lý phần mềm cạnh cột sống...
3. Cách điều trị đau cổ vai gáy
Tình trạng đau cổ vai gáy rất hiệu quả với những loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh... Tuy nhiên những loại thuốc này cần được sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và không được lạm dụng. Bởi khi ngưng thuốc, cơn đau sẽ tái phát nếu như những thói quen vận động, tư thế không được chỉnh sửa.
Theo đó, người bệnh cần được hướng dẫn tư thế ngồi làm việc ngay thẳng, kích thước bàn ghế phù hợp, không cúi gập cổ quá lâu, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại và đứng lên để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Không nằm gối đầu cao dễ làm sai tư thế của cột sống cổ, chỉ nên gối đầu cao khoảng 10 cm. Khi khuân, bê vật nặng cần cân đối với trọng tâm, không lệch sang một bên kéo dài. Đồng thời, người bệnh cũng thường xuyên thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, cũng như tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng.
Nếu các biện pháp trên không cải thiện, có thể xem xét thực hiện can thiệp giảm đau tại chỗ như tiêm corticosteroid ngoài màng cứng hoặc tại khớp liên mỏm sau, phong bế rễ thần kinh chọn lọc, đốt thần kinh cạnh hạch giao cảm cổ bằng sóng cao tần hay các phẫu thuật giải phóng chèn ép.
Tuy nhiên, khuynh hướng điều trị hiện nay là hướng đến việc không dùng thuốc và can thiệp tối thiểu. Trong đó, các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và giảm đau bằng liệu pháp nhiệt, xoa bóp ấn huyệt, châm cứu, kéo giãn đốt sống... hay các biện pháp tác động cột sống nói chung ghi nhận hiệu quả đáng kể và đang rất được ưa chuộng.
4. Hiệu quả của tác động cột sống trong điều trị đau cổ vai gáy
Dưới góc độ của y học cổ truyền, mỗi tạng phủ trong cơ thể đều do một huyệt ngự nhất định chi phối và điều khiển. Vì thế, những tác động trên huyệt có thể điều chỉnh các rối loạn tại cơ quan. Đây là nền tảng của các biện pháp dùng lực để tác động cột sống thông qua việc day huyệt nhằm chữa đau vai gáy và đang từng bước được chứng minh là phương pháp điều trị an toàn, lành tính và hoàn toàn không gây tác dụng phụ nào.
Phương pháp Tác động cột sống không sử dụng châm cứu, không dùng thuốc đông y hay bất kỳ loại thuốc giảm đau, giãn cơ nào. Nguyên lý điều trị bệnh từ Tác động cột sống là: Khi đốt sống lồi, lệch, lõm, lớp cơ co cộm, teo nhược thần kinh bị chèn ép dẫn đến cơ thể bị sưng, nóng, đỏ đau. Theo giải phẫu hiện đại, mỗi đốt sống trên hệ cột sống có chức năng điều khiển bệnh lý riêng biệt. Vì vậy, để điều trị tận gốc các bệnh lý liên quan ta phải điều chỉnh gốc bệnh là cột sống.
Sau khi khám và chẩn đoán đúng bệnh, nếu thuốc giảm đau, giãn cơ không công dụng triệt để, các tác động cơ học ngoài da tại chỗ sẽ khiến người bệnh giảm đau phần nào. Kỹ thuật viên sẽ tập vận động thụ động các cơ, khớp, xoa dịu dây thần kinh ở vùng vai gáy, từ đó giúp giãn cơ, tăng cường tuần hoàn đến vai gáy góp phần giảm đau sưng. Bên cạnh đó, vùng vai gáy chứa nhiều dây thần kinh lớn nên khi xoa bóp tại đây giúp cho bệnh nhân cảm thấy thư giãn, giảm căng thẳng. Đồng thời, phương pháp này còn tác động trực tiếp đến các huyệt đạo, gián tiếp tác động tới các cơ quan chủ quản của cơ xương khớp, từ đó tăng cường sự sản sinh các chất kháng lại cơn đau.
Đầu tiên, bệnh nhân nên nằm trên giường lót đệm mỏng, thả lỏng và thư giãn toàn bộ vùng vai gáy và lưng. Kỹ thuật viên nên đứng ở trên đầu bệnh nhân để thao tác thuận tiện và chính xác nhất. Bắt đầu bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng vùng bả vai và phần gáy của bệnh nhân. Chú ý khi xoa bóp nên dùng lực vừa phải để tránh làm tổn thương các mô cơ bên dưới. Nên vừa xoa, vừa day, vừa kéo phần thịt lên một chút để có hiệu quả cao hơn. Nếu người bệnh muốn tác động sâu hơn, kỹ thuật viên có thể dùng phần ở giữa cổ tay và bàn tay day vào các vùng cảm thấy đau nhức nhất, giữ trong khoảng 20 giây. Kết thúc phần day ấn, kỹ thuật viên dùng lòng bàn tay xoa nóng vùng vai gáy của bệnh nhân, giúp tăng cường tuần hoàn máu, giải quyết dứt điểm căng cứng các bó cơ, đau của khớp đem lại cho cơ thể cảm giác dễ chịu, tinh thần hưng phấn.
Để được như vậy, người bệnh nên đến các trung tâm uy tín, nơi có các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, kinh nghiệm để thực hiện các liệu pháp này, tránh những chấn thương ngoài kiểm soát. Bên cạnh đó, cách chữa trị không thể áp dụng cho những bệnh nhân từng bị gãy xương, dập cơ, đang mắc bệnh tim, phổi nặng. Ngoài ra, nếu người bệnh bị sang thương da ở phần cần xoa bóp bấm huyệt thì cũng không nên sử dụng phương pháp này để tránh nhiễm trùng.