Chu kỳ kinh nguyệt của bạn diễn ra như thế nào?

Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt xảy ra hàng tháng trong hệ thống sinh sản của phụ nữ. Theo y học, kinh nguyệt là quá trình mà phụ nữ thải máu và các chất từ niêm mạc tử cung qua âm đạo vào một thời điểm trong tháng. Chu kỳ này bắt đầu từ khi dậy thì và kéo dài cho đến khi mãn kinh, trừ khi phụ nữ mang thai. Thời gian hành kinh kéo dài khoảng từ 3 đến 5 ngày.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Hệ thống sinh sản nữ giới

Hiểu rõ cấu tạo và hoạt động của hệ sinh sản nữ giới là bước đầu tiên để tìm hiểu diễn biến của quá trình hành kinh. Hệ sinh sản ở nữ giới bao gồm các bộ phận sau đây:

  • Tử cung: Tử cung đóng vai trò là nơi làm tổ của hợp tử và nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ của phụ nữ. Lớp niêm mạc tử cung, hay còn gọi là nội mạc tử cung, dày lên theo chu kỳ hàng tháng để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và nuôi dưỡng trứng đã thụ tinh làm tổ. Một sự thật ít người biết là trước khi mang thai, tử cung của phụ nữ chỉ có kích thước bằng một quả cam nhỏ. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối thai kỳ, tử cung sẽ tăng kích thước lên gấp khoảng 5 lần so với ban đầu.
  • Buồng trứng: Hai cơ quan nhỏ có hình quả hạnh nằm ở hai bên tử cung và là nơi lưu trữ toàn bộ trứng của phụ nữ. Mỗi bé gái chào đời sẽ có khoảng 1 đến 2 triệu tế bào trứng và số lượng này sẽ không tăng lên trong suốt cuộc đời. Trong suốt thời kỳ sinh đẻ của phụ nữ, chỉ có khoảng 400 trứng được giải phóng. Phần lớn các trứng còn lại sẽ được cơ thể tái hấp thu nên khi phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh, trung bình mỗi người phụ nữ sẽ còn khoảng 1000 trứng.
  • Ống dẫn trứng: Hai bên tử cung có hai buồng trứng, tương ứng với mỗi buồng trứng là một ống dẫn trứng giúp vận chuyển trứng đã rụng đến tử cung.
  • Cổ tử cung: Cổ tử cung là phần kết nối giữa tử cung và âm đạo.
  • Âm đạo: Là con đường từ tử cung ra bên ngoài cơ thể. 

Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt

Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.

2. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Mỗi tháng, cơ thể phụ nữ trải qua một chuỗi thay đổi để chuẩn bị cho quá trình mang thai, được gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và kết thúc vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

Trung bình, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ kéo dài 28 ngày nhưng thực tế cho thấy chu kỳ có thể dao động từ 23 đến 32 ngày. Tất cả những người có độ dài chu kỳ trong khoảng này đều được xem là bình thường.

Ngày bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt (khi có sự chảy máu âm đạo) là ngày đầu tiên của một chu kỳ. Hầu hết phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn, có nghĩa là mỗi chu kỳ kéo dài trong một khoảng thời gian gần như nhau.

Một số phụ nữ có thể có sự biến đổi về độ dài của chu kỳ kinh nguyệt và điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn một tuần trong nhiều tháng liên tiếp hoặc nếu bị mất kinh, chị em phụ nữ nên tìm đến các chuyên gia sức khỏe sinh sản để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. 


Độ dài chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ có thể dao động trong khoảng từ 23 đến 32 ngày
Độ dài chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ có thể dao động trong khoảng từ 23 đến 32 ngày

3. Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ

Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ bao gồm: kỳ kinh (hành kinh), giai đoạn nang trứng, rụng trứng và giai đoạn hoàng thể. Dưới đây là các hoạt động diễn ra trong từng giai đoạn:

3.1 Giai đoạn hành kinh (giai đoạn kinh nguyệt)

Trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn này thường kéo dài từ ngày đầu đến ngày thứ 5. Khi hành kinh, nồng độ estrogen và progesterone ở người phụ nữ giảm xuống làm xuất hiện. Thời gian chảy máu kinh sẽ kéo dài 3 đến 7 ngày.

3.2 Giai đoạn nang trứng

Giai đoạn nang trứng là một trong các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 13 của chu kỳ. Trong giai đoạn này, cơ thể phụ nữ thực hiện quá trình chuẩn bị để sẵn sàng cho việc mang thai.

Nhờ vào hormone GnRH, nồng độ hormone FSH tăng dần và kích thích quá trình "chín" của trứng, thường là từ 15 đến 20 tế bào trứng. Mỗi tế bào trứng được bao quanh bởi một túi nhỏ được gọi là nang trứng.

Trong số các nang trứng này sẽ có một nang phát triển nhanh nhất và đường kính đạt kích thước từ 18 đến 25 mm. Nang trứng trội nhất này sẽ được phóng thích trong chu kỳ kinh nguyệt hiện tại. Nếu có hai nang trứng lớn được phát triển và phóng thích đồng thời, người phụ nữ sẽ có khả năng sinh đôi cao hơn.

Trong chu kỳ 28 ngày, giai đoạn nang trứng thường kéo dài đến ngày thứ 13 và thay đổi tuỳ theo độ dài chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Hormone FSH không chỉ kích thích buồng trứng sản xuất hormone estrogen mà còn ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản trong giai đoạn này. Estrogen kích thích sự phát triển của các tế bào trong nội mạc tử cung dẫn đến tình trạng dày và xốp của lớp niêm mạc. Ngoài ra, hormone estrogen còn kích thích sản sinh dịch nhầy ở cổ tử cung làm cho quá trình xâm nhập của tinh trùng và thụ tinh dễ dàng hơn.

Các mạch máu cũng tăng cường cải thiện lưu thông máu đến nuôi dưỡng lớp niêm mạc nhằm hỗ trợ quá trình mang thai. Nếu không mang thai, lớp niêm mạc sẽ bong ra trong chu kỳ kinh nguyệt.  

3.3 Giai đoạn rụng trứng

Rụng trứng là thời điểm trứng được phóng thích từ buồng trứng, thường xảy ra vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng tăng nồng độ estrogen cũng làm cho nồng độ hormone LH tăng lên. Khoảng 36 giờ sau khi nồng độ hormone LH tăng, nang trứng sẽ vỡ và trứng được phóng thích vào ống dẫn trứng. Tại đây, trứng gặp tinh trùng và bắt đầu quá trình thụ tinh. 

Rụng trứng là một trong các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt khi trứng được phóng thích từ buồng trứng, thường xảy ra ở ngày thứ 14 trong chu kỳ kinh nguyệt
Rụng trứng là một trong các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt khi trứng được phóng thích từ buồng trứng, thường xảy ra ở ngày thứ 14 trong chu kỳ kinh nguyệt

Trứng chỉ sống trong ống dẫn trứng khoảng từ 12 đến 24 giờ. Tuy nhiên, tinh trùng lại có thể tồn tại trong cơ quan sinh dục của phụ nữ lên đến năm ngày. Vì vậy, nếu trứng rụng vào ngày thứ 15 của chu kỳ kinh nguyệt thì bất kỳ hoạt động tình dục nào từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 15 đều có khả năng mang thai cao.  

3.4 Giai đoạn hoàng thể

Giai đoạn hoàng thể bắt đầu sau khi trứng đã rụng, thường xảy ra vào ngày thứ 15 của chu kỳ kinh nguyệt. Trong giai đoạn này, nồng độ hormone FSH và LH giảm đi. Cơ hội thụ thai trong chu kỳ này đã kết thúc và cơ thể đang chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt tiếp theo vào tháng sau.

Các nang trứng rỗng trong buồng trứng sẽ bị teo lại và thành một khối tế bào nhỏ màu vàng được gọi là hoàng thể. Hoàng thể sản xuất progesterone làm cho chất nhầy ở cổ tử cung của phụ nữ trở nên đặc hơn và dính hơn.

Nếu trứng gặp tinh trùng tại ống dẫn trứng, lớp niêm mạc sẽ bắt đầu sản xuất các chất đặc biệt để nuôi dưỡng trứng đã thụ tinh. Sau khoảng một tuần, hợp tử sẽ bám vào thành niêm mạc tử cung để làm tổ, đây là lúc người phụ nữ chính thức mang thai.

Trong vòng một tuần tiếp theo, người phụ nữ sẽ thấy kết quả dương tính khi sử dụng que thử thai. Các dấu hiệu sớm của thai kỳ sẽ bắt đầu xuất hiện như căng ngực do tình trạng gia tăng estrogen và progesterone. 

Ngoại trừ lúc mang thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ liên tục, nối tiếp nhau cho đến khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh
Ngoại trừ lúc mang thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ liên tục, nối tiếp nhau cho đến khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh

Trứng không được thụ tinh hoặc đã được thụ tinh nhưng không thể tồn tại, sẽ tiếp tục đến giai đoạn thoái hóa. Trong những ngày cuối của chu kỳ, nếu không có thai, nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể phụ nữ sẽ giảm xuống gây co các mạch máu trong niêm mạc tử cung.

Khi không có nguồn cung cấp máu và chất dinh dưỡng, niêm mạc tử cung sẽ bắt đầu bong ra. Lớp niêm mạc tử cung bị phân hủy làm cho cơ tử cung co thắt gây đau bụng kinh. Cuối cùng, các mạch máu trong niêm mạc sẽ vỡ, dẫn đến máu và các mô niêm mạc sẽ được loại bỏ qua đường âm đạo. Sau đó, chu kỳ mới lại bắt đầu.

Trừ khoảng thời gian mang thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ liên tục kéo dài cho đến khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh.

Nhìn chung, các cặp vợ chồng nên tìm hiểu về chu kỳ kinh nguyệt nói chung cũng như các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt nói riêng để quá trình mang thai diễn ra thuận lợi. 

Các cặp vợ chồng nên tìm hiểu về chu kỳ kinh nguyệt nói chung cũng như các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt nói riêng để quá trình mang thai diễn ra thuận lợi.
Các cặp vợ chồng nên tìm hiểu về chu kỳ kinh nguyệt nói chung cũng như các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt nói riêng để quá trình mang thai diễn ra thuận lợi.

Nhiều phụ nữ có thể không hiểu rõ về các thay đổi diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt của mình. Trong giai đoạn này, cơ thể sẽ chuẩn bị cho quá trình mang thai và giải phóng một tế bào trứng phát triển vượt trội so với các tế bào khác.

Nếu không được thụ tinh, trứng sẽ theo máu cùng lớp niêm mạc tử cung bong tróc ra khỏi cơ thể qua âm đạo, sau đó bắt đầu một chu kỳ mới. Đó là quy trình cơ bản của chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu đang dự định mang thai, các cặp vợ chồng không chỉ cần nghiên cứu kỹ về quá trình rụng trứng để quyết định thời điểm quan hệ hợp lý mà còn nên thực hiện các kiểm tra sinh sản từ 3 đến 5 tháng trước khi mang thai. Quá trình này giúp đảm bảo rằng sức khỏe của cả hai vợ chồng đều tốt để sẵn sàng cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Người vợ nên:

  1. Tiêm chủng trước khi mang thai, đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm.
  2. Thực hiện xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai.
  3. Kiểm tra các tình trạng viêm nhiễm phụ khoa để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
  4. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai, đặc biệt là những người chưa từng mang thai cần phải kiểm tra sức khỏe chi tiết hơn. Mang thai ở độ tuổi này thường gặp các vấn đề như suy buồng trứng, sinh non, dị tật thai nhi, rau tiền đạo, nguy cơ tiền sản giật cao hơn.

Người chồng nên thực hiện các bước sau đây:

  1. Kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện các bệnh lý như teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu
  2. Thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là những bệnh lây qua đường tình dục không thể chữa khỏi, vô cùng nguy hiểm. 
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe