Máy tạo nhịp là một trong những thiết bị được thiết kế và lập trình với mục đích tạo ra nhịp phát xung một chiều có chu kỳ kích thích trực tiếp lên cơ tim và tạo ra nhịp tim có tính chu kỳ. Máy tạo nhịp được chỉ định trong một số trường hợp rối loạn nhịp không phục hồi và rối loạn chức năng tim nặng, Tuy nhiên, trong một số trường hợp có chống chỉ định đặt máy tạo nhịp tim.
1. Máy tạo nhịp tim là gì?
Dựa trên cơ chế hoạt động điện của cơ tim, máy tạo nhịp tim là thiết bị tạo ra nhịp phát xung có tính chu kỳ thông qua dây điện cực kích thích trực tiếp lên cơ tim, từ đó làm co bóp cơ tim theo chu kỳ của nhịp phát xung. Máy tạo nhịp có hai khả năng đặc biệt, một là phân tích được hoạt động điện học sinh lý của cơ tim và hai là khi có những hoạt động điện bất thường máy tạo nhịp sẽ tạo ra những xung động hỗ trợ để đảm bảo hoạt động chức năng tim.
Máy tạo nhịp tim được cấy thành công trên thế giới vào năm 1988 do bác sĩ người Thụy Điển Ake Senning thực hiện. Sau hơn 50 năm phát triển, nền y học của thế giới đã chế tạo ra nhiều thế hệ máy hiện đại nhằm giảm khối lượng xuống chỉ còn 20-30g, chức năng rất đa dạng như máy tạo nhịp ba buồng tim điều trị suy tim, máy khử rung tự động (chỉ định trong những trường hợp do rung thất) và thời gian sử dụng cũng kéo dài hơn 8 – 10 năm.
Tại Việt Nam, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp đầu tiên vào năm 1973 nhưng mãi đến những năm 1990 kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim mới được phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, ở cả ba miền của đất nước đều có những trung tâm tại Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế có số lượng bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp ngày càng tăng.
Máy tạo nhịp tim gồm hai phần chính là bộ phận tạo nhịp (pacemaker) và dây điện cực (Electrode). Phần tạo nhịp gồm có pin chiếm 1/2 đến 2/3 thể tích của máy, bộ vi xử lý, bộ nhớ và mạch điện từ có khả năng lưu trữ chương trình và đảm bảo hoạt động của máy tạo nhịp. Các bộ phận này được bọc bởi vỏ máy bằng hợp kim có tính sinh hợp. Phần dây điện cực là thành phần quan trọng của máy tạo nhịp tim nối từ bộ phận tạo nhịp với trực tiếp lên cơ tim có nhiệm vụ phát hiện các hoạt động điện bất thường và dẫn truyền xung động điện.
2. Máy tạo nhịp tim được đặt trong những trường hợp nào ?
Máy tạo nhịp tim có thể được đặt tạm thời hoặc vĩnh viễn. Chỉ định thông dụng nhất của máy tạo nhịp tim là rối loạn nhịp tim chậm gây các triệu chứng ngất xỉu, choáng như tắc nghẽn đường dẫn truyền nhĩ thất cấp 2 và 3 và suy yếu nút xoang. Hiện nay chỉ định đặt máy tạo nhịp còn được mở rộng trong điều trị suy tim, bệnh cơ tim phì đại có tắc nghẽn đường ra thất trái, một số rối loạn nhịp nhanh.
Ngoài các chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, một số trường hợp được đặt tạm thời trong các tình huống cấp cứu như nhồi máu cơ tim cấp có vô tâm thu, nhịp chậm có triệu chứng, block hai nhánh, block nhĩ thất, nhịp chậm không liên quan đến nhồi máu cơ tim như block nhĩ thất độ II, III kèm rối loạn huyết động, nhịp nhanh kịch phát trên thất thứ phát do nhịp chậm. Một số khác cũng được chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời không cấp cứu như hỗ trợ nhịp trong thực hiện các thủ thật có thể gây nhịp chậm, sau phẫu thuật tim, can thiệp mạch ở nhánh phải.
3. Chống chỉ định đặt máy tạo nhịp tim
3.1. Chống chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời
Đặt máy tạo nhịp là một thủ thuật xâm lấn nên vì vậy trong những trường hợp không cần thiết, những bệnh lý rối loạn nhịp không có triệu chứng hoặc không gây ra biến chứng thì không nên đưa ra chỉ định đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân.
Trong nhồi máu cơ tim cấp có block nhĩ thất type 1, block nhĩ thất type 2 không ảnh hưởng huyết động, nhịp tự thất gia tốc, block nhánh hay phân nhánh đã biết trước khi nhồi máu cơ tim.
Một số rối loạn nhịp không liên quan đến nhồi máu cơ tim như bệnh lý nút xoang không ảnh hưởng đến huyết động hay ngất khi nghĩ. Block độ II type 2 hoặc độ III (vĩnh viễn hay từng lúc) không kèm rối loạn huyết động, ngất hay gây ra nhịp nhanh thất thứ phát khi nghĩ.
3.2. Chống chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn
- Các bệnh lý tại cơ tim : suy tim đang tiến triển, bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim phì đại, viêm cơ tim cấp, suy tim do bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, các nguyên nhân suy tim mà có thể sửa chữa được bằng phẫu thuật như thay van tim hoặc làm cầu nối chủ vành, suy thất phải không thể phục hồi
- Bệnh nhân mắc hội chứng vành cấp xảy ra dưới 3 tháng hoặc mới được tái thông mạch vành dưới 6 tháng.
- Các bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp kháng trị, tai biến mạch máu não dưới 6 tháng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Các bệnh lý có tăng áp lực động mạch phổi nặng.
- Các bệnh lý nhiễm trùng nặng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.