Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Phòng khám chuyên sâu về nội tiết Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park -Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Viêm cơ tim là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Virus viêm cơ tim là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất, chiếm trên 50% tổng số các trường hợp. Bối cảnh lâm sàng của bệnh có những đặc điểm tương tự như một đợt nhiễm siêu vi thông thường nên rất dễ nhầm lẫn và bỏ sót.
1. Viêm cơ tim là gì?
Viêm cơ tim là bệnh lý nguy hiểm trong đó mô cơ tim bị tổn thương do quá trình viêm, có hoặc không liên quan đến van tim và lớp ngoại tâm mạc tim. Tuy bệnh không phải hiếm gặp trên lâm sàng nhưng tỷ lệ tử vong còn khá cao, đặc biệt với những trường hợp viêm cơ tim ở trẻ em.
Bệnh nhân viêm cơ tim tử vong vì những biến chứng của bệnh như rối loạn nhịp tim, suy tim cấp hoặc tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim do cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh thường được phát hiện vào giai đoạn muộn và bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh có triệu chứng tương tự. Bệnh viêm cơ tim có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở người trẻ trong độ tuổi khoảng từ 20 đến 40. Bệnh xuất hiện rải rác vào các thời điểm trong năm, thỉnh thoảng có thể bùng thành dịch. Nghĩ tới bệnh viêm cơ tim trong bối cảnh nghi ngờ nhiễm virus kèm theo các triệu chứng tim mạch là biện pháp giúp giảm tỷ lệ tử vong do không kịp điều trị.
2. Viêm cơ tim ở trẻ em có nguy hiểm không?
Mặc dù trẻ em không phải là đối tượng mắc bệnh viêm cơ tim nhiều nhất trên lâm sàng, nhưng bệnh viêm cơ tim ở trẻ em được xem như một bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong ở mức cao. Những đứa trẻ mắc bệnh viêm cơ tim có biểu hiện viêm cơ tim lâm sàng đa dạng, diễn tiến bệnh từ nhẹ đến nặng, xảy ra nhanh, khó lường trước. Thông thường, trẻ sẽ trải qua các triệu chứng gợi ý một tình trạng nhiễm virus cấp tính như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, ... Đặc điểm này trở thành một cái bẫy khiến các bậc phụ huynh chủ quan không đưa con em mình đi khám và điều trị kịp thời.
Trẻ mắc viêm cơ tim thường chỉ được tiếp cận với các cơ sở y tế khi bệnh đã bước qua giai đoạn muộn với nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong trung bình của bệnh viêm cơ tim ở trẻ em lên đến trên 70%. Nhiều trường hợp nặng với chức năng tim suy giảm nặng nề nếu không được ghép tim có tỷ lệ tỷ vong khoảng 50% sau hai năm, tăng lên 80% sau năm năm.
3. Virus gây viêm cơ tim
Virus được xem là tác nhân gây bệnh viêm cơ tim chiếm tỷ lệ cao nhất trên lâm sàng theo nhiều thống kê. Virus viêm cơ tim thường thấy thuộc nhóm Adenovirus và Enterovirus như virus Coxsakie nhóm B, A6 hoặc A14, Parvovirus B19, virus herpes type 6, ...
Adenovirus là nhóm Virus gây bệnh cúm hoặc các viêm nhiễm đường hô hấp trên thường gặp.
Parvovirus B19 là tác nhân gây ra “bệnh thứ năm” với triệu chứng của nhiễm trùng phổi và khí phế quản, phổ biến nhất ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Nhóm virus này lây truyền chủ yếu thông qua các chất tiết của hệ hô hấp từ trẻ nhiễm bệnh. Triệu chứng xuất hiện khoảng 1 tuần kể từ thời điểm nhiễm virus và kéo dài trong khoảng một tuần. Trẻ nhỏ nhiễm virus thường xuất hiện ban đỏ ở hai bên má đặc trưng, trong khi ở trẻ lớn ban đỏ có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như bàn tay và bàn chân. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu phòng tránh Parvovirus B19.
Virus Herpes nhóm 6 ở người là nhóm virus mới được phát hiện gần đây và thường bị nhiễm ở trẻ nhỏ, một số trường hợp đã ghi nhận nhiễm virus ở trẻ dưới 1 tháng tuổi. Thống kê cho thấy khoảng 20% các trường hợp trẻ vào viện vì sốt có liên quan đến virus Herpes nhóm 6 ở người. Sau lần phơi nhiễm đầu tiên, virus thường cư trú tại các tuyến nước bọt và tuỷ xương trong thời gian dài. Biểu hiện lâm sàng do virus này gây ra bao gồm sốt cao và nổi ban đỏ trên da, có thể liên quan đến cả viêm gan và viêm não.
Enterovirus với đại diện là virus Coxsackie có liên quan nhiều đến bệnh viêm cơ tim trẻ em. Nhóm virus Coxsackie A gây nên bệnh tay chân miệng, trong khi virus Coxsackie B đưa đến các biểu hiện nhẹ hơn tương tự bệnh cúm. Cùng với viêm cơ tim, viêm màng não, viêm màng ngoài tim và viêm tuỵ cũng có liên quan với tình trạng nhiễm Enterovirus. Dấu hiệu trên lâm sàng bao gồm ban đỏ, nhiễm trùng vùng họng và mũi.
4. Chẩn đoán viêm cơ tim ở trẻ em
Chẩn đoán viêm cơ tim nói chung hay viêm cơ tim ở trẻ em nói riêng không phải là một việc dễ dàng vì các triệu chứng của người bệnh rất đa dạng nhưng không đặc hiệu. Bệnh viêm cơ tim trong giai đoạn sớm có thể biểu hiện với những triệu chứng của nhiễm siêu vi (như sốt, đau đầu, nhức mỏi), hay những triệu chứng không đặc hiệu gồm những biểu hiện hô hấp (khò khè, ho) và triệu chứng dạ dày ruột (biếng ăn, đau bụng, nôn ói). Những triệu chứng không đặc hiệu này dễ gợi ý nhiều hơn đến những chẩn đoán khác (như nhiễm trùng hô hấp, viêm dạ dày ruột, viêm ruột thừa) dẫn đến chẩn đoán ban đầu không chính xác ở trẻ em. Khi bệnh viêm cơ tim tiến đến giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng nặng nề sẽ xuất hiện, báo hiệu các biến chứng của bệnh như rối loạn nhịp tim hoặc suy tim cấp với khó thở khi gắng sức hay khi nghỉ ngơi, đau ngực nhiều, phù hai chi dưới, đột tử...
Trên thực tế, bác sĩ có thể khó chẩn đoán được bệnh viêm cơ tim nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu giai đoạn sớm. Nhiều phương tiện cận lâm sàng thường hay được sử dụng để thiết lập chẩn đoán chính xác như xquang ngực, BNP/NT – proBP (Brain Natriuretic Peptide/ N-terminal pro-B-type natriuretic Peptide), điện tâm đồ, men tim. Siêu âm tim đánh giá chức năng co bóp thất trái, bất thường cử động thành thất/vách liên thất, tràn dịch màng tim và hở van hai lá. Siêu âm tim cũng loại trừ những bệnh tim mạch không do viêm như bất thường mạch vành trái từ động mạch phải (Anomalous Left Coronary Artery From the Pulmonary Artery) có thể có biểu hiện giống viêm cơ tim. Siêu âm tim được áp dụng để loại trừ các bệnh lý liên quan đến van tim có biểu hiện tương tự. Sinh thiết nội mô cơ tim là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim, tuy nhiên bị giới hạn do độ nhạy kém. Cấy virus từ mẫu sinh thiết có thể xác định nguyên nhân viêm cơ tim. Tuy nhiên cấy hiếm khi dương tính, đặc biệt nếu lấy mẫu giai đoạn muộn của bệnh.
Tóm lại, virus viêm cơ tim có nhiều loại với các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên không phải cơ sở y tế nào cũng có khả năng chẩn đoán chính xác được virus gây bệnh và không phải tất cả các loại virus đều có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, viêm cơ tim, đặc biệt viêm cơ tim ở trẻ em nên được nhớ đến trong các trường hợp nghi ngờ để không được bỏ sót và bỏ qua cơ hội điều trị khi các biến chứng chưa xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.