Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Cho đến 32 tuần tuổi thai, trẻ sơ sinh chưa có khả năng phối hợp kỹ năng bú, nuốt và thở đủ tốt để bú sữa mẹ hoặc bú bình. Ngoài ra, trẻ dưới 37 tuần tuổi nếu mắc bệnh lý thì cũng không thể bú sữa mẹ ngày để bổ sung dinh dưỡng nhằm tăng cân. Do đó, để nuôi trẻ sinh non hoặc đôi khi là trẻ đủ tháng bệnh lý bằng sữa mẹ, các bà mẹ cần thiết lập nguồn sữa dồi dào bằng máy hút sữa và cần hút sớm, thường xuyên và bằng máy hút tốt.
1. Tại sao trẻ sinh non chưa thể bú trực tiếp từ bầu sữa mẹ?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non. Khi sinh non, cơ thể mẹ sẽ tự động sản xuất sữa được thiết kế đặc biệt để nuôi dưỡng trẻ sinh non, với hàm lượng cao calo, vitamin và protein bổ sung. Hơn nữa, các tế bào sống trong sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng và thậm chí còn quan trọng hơn đối với trẻ sinh non: Trẻ sinh non đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn vì hệ thống miễn dịch của trẻ lúc này còn non nớt. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sữa công thức và chất bổ sung nhân tạo chỉ dành cho trẻ sinh non, nhưng những sản phẩm này không thể cung cấp các kháng thể và các yếu tố bảo vệ khác có trong sữa mẹ.
Việc bé có sẵn sàng bú mẹ ngay hay không sẽ phụ thuộc vào tuổi thai và sức khỏe tổng thể của trẻ. Tại nhiều bệnh viện, việc chăm sóc theo các tiêu chuẩn nhất định sẽ bắt đầu cho trẻ sinh non bú sữa mẹ thông qua ống thông dạ dày. Kỹ thuật này nhằm đảm bảo trẻ nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất có thể nếu bé còn quá non nớt để bú trực tiếp từ bầu vú sữa mẹ hoặc bình sữa.
Nhiều trẻ sinh non chưa sẵn sàng để bắt đầu bú sữa mẹ ngay trong bệnh viện và những trẻ này sẽ chỉ được xuất viện cho đến khi trẻ bắt đầu tăng cân, khi có thể bú mẹ và/hoặc bú bình.
Để cho trẻ sinh non bú sữa mẹ, người mẹ hãy chuẩn bị cho con bú thường xuyên, mặc dù trẻ sinh non có thể không bú được nhiều sữa trong mỗi cữ bú cho đến khi trẻ gần đủ tháng. Vì lý do này, các bà mẹ cần phải hút sữa sau khi cho bú để duy trì sản lượng sữa cũng như có sữa cho bất kỳ cữ bú bổ sung cần thiết nào.
Bí quyết giúp nuôi trẻ sinh non bằng sữa mẹ là các bà mẹ cần thiết lập lộ trình để giữ được nguồn sữa dồi dào bằng máy hút sữa và cần hút sớm, thường xuyên và máy hút tốt:
- Hút sớm. Khi sinh con sớm, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp trước kinh nghiệm sinh nở và tình trạng sức khỏe của trẻ. Việc hút sữa mẹ lúc này không phải là suy nghĩ hàng đầu ưu tiên của bạn, tuy nhiên, việc hút sữa càng sớm càng tốt sẽ giúp bạn thiết lập nguồn sữa tốt cho con. Tốt nhất, lần vắt hoặc hút sữa đầu tiên nên thực hiện trong vòng 6 giờ sau khi sinh.
- Hút thường xuyên. Trẻ sơ sinh khỏe mạnh bú mẹ thường xuyên. Do đó, các bà mẹ sinh non sẽ cần phải hút sữa thường xuyên để thiết lập nguồn sữa và đảm bảo bà mẹ đang sản xuất nhiều sữa. Bạn nên lên kế hoạch hút khoảng 8 lần mỗi ngày và nên hút 2 đến 3 giờ một lần vào ban ngày, và 3 đến 4 giờ một lần vào ban đêm.
- Hút tốt. Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ, bệnh viện có thể sẽ cho bạn mượn máy hút sữa mẹ. Nếu bạn mua một máy hút riêng, hãy tìm một máy hút đảm bảo chất lượng, đủ kích cỡ và chạy bằng điện. Bạn có thể xin hỗ trợ từ điều dưỡng hoặc bác sĩ để hướng dẫn bạn thực hiện hút sữa ở những lần đầu tiên. Bạn cũng có thể cân nhắc việc kết hợp vắt sữa bằng tay với bơm để tăng nguồn sữa.
Mặc dù cần có một máy hút sữa để thiết lập nguồn cung cấp sữa, nhưng sữa non giàu kháng thể ban đầu có thể dính bên trong ống. Do đó, để có được nguồn sữa mẹ ban đầu quý giá này, bà mẹ nên vắt sữa bằng tay vào cốc (bạn sẽ chỉ nhận được một vài giọt). Sau đó, chuyển sang sử dụng máy hút để kích thích có thể sản xuất sữa.
2. Bà mẹ có thể phải đối mặt với những thách thức nào?
Nếu trẻ còn quá non nớt để có thể bú mẹ ngay sau khi sinh, thử thách ban đầu của bạn là kích thích và duy trì nguồn sữa. Cách hiệu quả và thuận tiện nhất để làm điều này là sử dụng máy hút sữa (điều dưỡng hoặc chuyên gia tư vấn cho con bú sẽ lấy cho bạn một máy và hướng dẫn cho bạn cách sử dụng). Cuối cùng bạn cũng sẽ muốn thuê một chiếc để sử dụng trong vài tuần đầu tiên ở nhà, cho đến khi bạn chắc chắn rằng con bạn đã bú tốt trực tiếp từ bầu vú của bạn.
Một khi trẻ đã sẵn sàng để chuyển sang bú trực tiếp từ vú, việc học cách ngậm và bú cũng có thể khó khăn. Hầu hết trẻ sơ sinh không phát triển phản xạ bú-nuốt-thở, đây là yếu tố cần thiết để trẻ có thể bú được xuất hiện từ khoảng tuần 32 trong bụng mẹ, tức là tám tuần trước khi trẻ đủ tháng.
Một nguyên tắc phổ biến trong việc chăm sóc trẻ sinh non là hạn chế việc trẻ khóc, trên lý thuyết cho rằng, khóc sẽ làm lãng phí nguồn năng lượng quý giá mà trẻ nên dành cho sự phát triển của bản thân. Tất nhiên, việc chăm sóc trẻ sẽ khó hơn khi bạn không thể đợi trẻ cất tiếng khóc để ra dấu hiệu rằng trẻ đang bị đói hoặc không thoải mái. Do đó, bà mẹ sẽ phải học cách đoán trước cơn đói của bé, tuy nhiên, để biết được dấu hiệu này sẽ cần phải có thêm thời gian.
3. Làm thế nào để bà mẹ có thể giải quyết những vấn đề kể trên?
Bạn có thể bắt đầu bằng cách điều chỉnh các tín hiệu của trẻ. Để giảm thiểu tình trạng quấy khóc và tối đa hóa lượng sữa mà trẻ ăn, bạn phải tìm ra thời điểm trẻ muốn ăn và khi nào trẻ sẵn sàng cho lần bú tiếp theo. Điều này không dễ dàng vì trẻ sinh non có xu hướng ít khóc hơn khi đòi ăn so với các trẻ đủ tháng. Khi trẻ tỉnh táo có thể là manh mối cho thấy trẻ đang đói, thay vì tiếng rên của các trẻ khác được nghe thấy ở hầu hết các lồng ấp.
Bạn cũng sẽ cần tiếp tục hút sữa sau khi cho con bú để đảm bảo rằng bạn đang duy trì nguồn sữa của mình. Bạn có thể cần một chuyên gia tư vấn về việc cho con bú để giúp bạn kiểm tra mức tăng cân của trẻ hoặc xem xét việc thuê một chiếc cân điện tử để bạn có thể cân cho trẻ trước và sau khi cho con bú để xem trẻ đã bú được bao nhiêu sữa.
Cố gắng cho bé bú ít nhất ba giờ một lần, khoảng tám cữ bú mỗi 24 giờ. Lịch trình này rất linh hoạt và nếu trẻ có vẻ đói chỉ hai giờ sau khi ăn, thì bằng mọi cách, bạn nên cho trẻ bú thêm. Bạn cũng có thể đánh thức trẻ dậy để cho bú. Trên thực tế, làm ngắt quãng giấc ngủ ngắn của trẻ có thể kích hoạt bản năng bú.
Cuộc sống của trẻ sinh non không chỉ đơn giản là ăn và ngủ, và các trẻ sinh non thường có xu hường ngủ nhiều hơn đôi khi bạn cần nghĩ đến việc làm thế nào để trẻ ăn.
4. Bà mẹ nên dành nhiều thời gian cho con
Việc tách trẻ với gia đình có thể gây nhiều bất lợi, đặc biệt là nếu khoa Chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU) xa nhà. Tận dụng tối đa thời gian mà bạn có thể dành cho con có thể giúp duy trì nguồn sữa. Ngoài ra, việc dành thời gian cho con cũng có thể giúp dễ dàng chuyển đổi từ ăn qua ống thông và bú bình sang bú trực tiếp từ bầu sữa mẹ.
- Phương pháp Kangaroo (Kangaroo Mother Care). Đây là phương pháp để da của trẻ có thể tiếp xúc với da của mẹ hoặc người thân, điều này có thể giúp mẹ cho trẻ bú dễ dàng hơn. Những bà mẹ thực hành phương pháp Kangaroo đã được chứng minh hiệu quả trong việc làm tăng nguồn cung cấp sữa và những trẻ được nhận phương pháp Kangaroo từ mẹ có xu hướng bú sữa mẹ tốt hơn so với những trẻ không được nhận phương pháp Kangaroo.
- Thăm con khi trẻ ăn hoặc chăm sóc. Hầu hết trẻ sinh non sẽ cần ngủ hầu hết thời gian trong ngày để dành năng lượng cho tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, ngay cả những em bé nhỏ nhất vẫn cần được tắm và thay tã. Vì vậy, bạn hãy hỏi điều dưỡng về lịch trình của trẻ và cố gắng thăm trẻ trong lúc trẻ được khám và cho ăn. Ngay cả khi trẻ đang được cho ăn qua ống thông, hãy hỏi xem bạn có thể bế trẻ trong khi cho con bú không.
Nếu bạn nhận thấy mình có nguy cơ sinh non cao, hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận biết kịp thời các dấu hiệu dọa sinh non và có cách xử lý tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, verywellfamily.com