Hỏi
Chào bác sĩ,
Cháu mới nuôi 1 con chó, do dịch chưa được tiêm phòng dại. Hôm nay, vào lúc 10 rưỡi sáng, chó cắn nghịch tay cháu mạnh quá nên cháu giật mình rút ra thì không may bị rách xước chảy chút máu ở ngón giữa và cái vết dài khoảng 1mm. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi chó cắn xước da chảy máu có nguy cơ mắc dại không? Cháu cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Chó cắn xước da chảy máu có nguy cơ mắc dại không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Vật nuôi hay thú hoang dã có thể lan truyền bệnh dại cho con người thông qua vết cắn nếu động vật bị nhiễm virus dại, thường là chó, mèo. Thời kỳ ủ bệnh ở người thường khác nhau, từ một vài ngày đến vài tháng, trung bình ủ bệnh trong vòng 2 - 3 tháng. Khi khởi phát bệnh, virus dại lan rộng trên toàn hệ thống thần kinh trung ương dẫn đến nhiễm trùng và tử vong chỉ từ 1 - 7 ngày. Bệnh dại (do virus dại cổ điển gây ra) gần như gây tử vong 100% trên người. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Cần làm gì khi bị động vật cắn? WHO có biết: Vết thương được rửa và điều trị kịp thời sau khi bị cắn là một quyết định sống còn. Các vết cắn cần phải được rửa sạch ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng thời gian nêu trên. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
Sau đó, vết thương cần được làm sạch kỹ hơn với cồn 70% hoặc cồn iod nếu có. Không nên khâu vết thương sớm, trừ vết thương ở mặt. Nạn nhân bị động vật cắn cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.
Thời kỳ ủ bệnh được tính từ thời điểm bị chó cắn đến khi phát bệnh, đây là khoảng thời gian quý báu quyết định khả năng cứu sống người bệnh. Dấu hiệu khác lạ duy nhất là vết cắn. Vì vậy, người bị động vật cắn cần phải đi khám để tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu nạn nhân bị động vật bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Đặc biệt cần nhanh chóng tiêm phòng trong các trường hợp sau đây:
- Vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu.
- Màng nhầy ở da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại.
- Con vật đã cắn người bị chết hoặc biến mất trong thời gian theo dõi hoặc có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường, bị ốm hoặc thay đổi tính tình.
- Kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính.
Tất cả các loại vắc-xin dại cho người đều là vắc-xin đã được bất hoạt. Vắc-xin phòng bệnh dại ở người phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như: Hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Việc tiêm phòng vắc-xin bệnh dại không thể gây bệnh dại.
Mặc dù tất cả nhóm tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh dại nhưng trẻ em do tính chất độ tuổi nhỏ, thường thích tiếp xúc với vật nuôi mà chưa có nhiều nhận thức về căn bệnh dại, đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em thường có xu hướng che giấu cha mẹ về vết cắn vì sợ la mắng và do đó không nhận được đầy đủ các biện pháp sơ cứu và chăm sóc sức khỏe phù hợp. Dạy trẻ làm cách nào để tránh bị động cắn là một nhân tố thiết yếu nhất của phòng, chống bệnh dại.
Nếu bạn còn thắc mắc về chó cắn xước da chảy máu, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.