Chiều cao trung bình của người Việt Nam

Theo số liệu thống kê 2010, chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Có nhiều nguyên nhân khiến chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp, trong đó có nguyên nhân do hệ quả của chiến tranh kéo dài hoặc thiếu vận động, lười thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên.

1. Chiều cao trung bình của người Việt Nam là bao nhiêu?

Theo số liệu thống kê (số liệu thống kê năm 2010), chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm. So với chiều cao trung bình của thế giới thì chỉ số chiều cao của nam thanh niên Việt Nam thấp hơn 13,1cm và nữ thấp hơn 10,7cm. Xét về thứ tự trên thế giới thì Việt Nam có chiều cao trung bình ở nam và nữ đứng thứ 182/200 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Cũng theo số liệu thống kê này, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có chiều cao trung bình nam và nữ cao hơn Lào, Đông Timor, Indonesia, Campuchia nhưng thấp hơn so với Singapore, Thái Lan, Malaysia... Tuy nhiên những số liệu liệu này đã từ lâu nên trong năm 2020 sẽ có một cuộc điều tra mới về chiều cao trung bình của người Việt Nam, do đó kết quả sẽ khác hơn.


Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm
Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm

2. Vì sao chiều cao trung bình của người Việt thấp so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới?

Nguyên nhân chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là do từ năm 1975 trở về trước, chiến tranh kéo dài, nền kinh tế của đất nước còn rất khó khăn, kéo theo đó là dân trí thấp. Vì vậy, các chương trình quốc gia đồng bộ để phát triển thể lực, tầm vóc còn thiếu nên nên những thời kỳ cơ thể phát triển vượt bậc bị bỏ qua. Ngoài hệ quả của chiến tranh kéo dài thì một số nguyên nhân sau khiến cho chiều cao trung bình của người Việt thấp so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là:

  • Không chú trọng cung cấp đầy đủ khoáng chất, vitamin hay chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong thời kỳ mang thai cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi cũng là nguyên nhân khiến cho chiều cao trung bình của người Việt thấp so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
  • Bên cạnh đó, vào thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì của trẻ gái (9-11 tuổi) thường sớm hơn trẻ trai khoảng 2 năm do đó, chiều cao của nữ giới thường hạn hơn hơn so với nam giới.
  • Một trong những lý do khác khiến cho chiều cao trung bình người Việt Nam thấp so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là do phụ nữ thường lấy chồng sớm khi chiều cao người mẹ chưa phát triển hết tầm nên việc sinh con cũng sớm. Tại Việt Nam, hiện nay vẫn còn diễn ra hiện tượng tảo hôn ở các vùng miền núi.
  • Ngoài việc kết hôn sớm, thì nhiều gia đình vẫn có kế hoạch đẻ dày, nhiều nên không có chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai tốt được, dẫn đến chiều cao trung bình của người Việt thấp.
  • Chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp so với chuẩn thế giới cũng là do hệ quả của việc thiếu vận động, lười thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bởi việc vận động sẽ kích thích sự phát triển của tế bào xương, hỗ trợ cho việc tăng chiều dài của xương.

Ngoài những yếu tố trên, hiện giáo dục thể chất ở các trường học, từ cấp mầm non đến phổ thông, đại học, đều rất ít, không chú trọng, coi thể dục là một môn phụ, mỗi lớp một tuần chỉ có 2-3 tiết thể dục và thầy cô giáo cũng chưa được biên soạn giáo trình nhắm vào mục đích giúp các em tăng trưởng chiều cao nên tiết học này thường khiến các em học sinh nhàm chán, hệ quả là khiến cho chiều cao trung bình của người Việt thấp so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.


Không có chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai tốt được, dẫn đến chiều cao trung bình của người Việt thấp.
Không có chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai tốt được, dẫn đến chiều cao trung bình của người Việt thấp.

3. Cách để phát triển chiều cao cho trẻ

Theo Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình người Việt Nam 2020 lên 167 cm ở lứa tuổi thanh niên 18 thì đề án sẽ chú trọng vào dinh dưỡng, hoạt động thể chất là chủ yếu để tăng chiều cao trung bình người Việt Nam. Cụ thể:

  • Dinh dưỡng: Dinh dưỡng là yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở con người. Các vai trò chính của dinh dưỡng đối với cơ thể đó là tạo điều kiện thuận lợi để sức khoẻ phát triển tốt; phòng ngừa các bệnh liên quan đến việc ăn uống và hồi phục sức khỏe nhanh chóng sau thời gian bị bệnh tật. Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn quá nhiều, không điều độ vì dễ dẫn đến thừa cân, béo phì, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của chiều cao. Bên cạnh đó, cũng không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn công nghiệp hay thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn có chứa quá nhiều đường, muối và nhiều chất béo bão hòa; hạn chế uống ít nước ngọt, nước có gas vì những yếu tố này đều ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
  • Hoạt động thể chất: Việc hoạt động thể chất nhiều, thường xuyên là rất tốt cho sự phát triển xương ở trẻ. Theo điều tra, những trẻ chỉ ngồi một chỗ xem tivi, chơi điện tử hay chỉ mải mê lo học trong nhiều giờ đồng hồ thì sự tăng trưởng của chiều cao bị ảnh hưởng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, trẻ không nên ngồi lâu một chỗ quá 2 giờ mỗi ngày để tránh việc chiều cao không được phát triển đúng chuẩn.
  • Bên cạnh đó, trẻ cần có giấc ngủ trưa từ 30-45 phút, buổi tối đi ngủ trước 10h đêm để tốt cho sự phát triển của chiều cao. Cần lưu ý, không nên để các thiết bị điện tử (điện thoại, tivi, máy vi tính) trong phòng ngủ của trẻ vì những thiết bị này đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ...

Hiện Việt Nam đã và đang có đề án khắc phục tốt tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ lệ thấp còi. Tổ chức Y tế Thế giới công nhận chiều cao của trẻ đạt được lúc 3 tuổi sẽ là yếu tố quyết định đến chiều cao khi trưởng thành. Vì vậy việc giúp trẻ em tăng trưởng chiều cao đúng chuẩn từ nhỏ rất quan trọng trong việc thúc đẩy chiều cao khi ở ngưỡng trưởng thành.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe