Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Tiểu đường thai kỳ thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng gì ngay cả khi làm xét nghiệm dung nạp đường huyết khi mang thai. Tuy nhiên, chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng cao lại có thể gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.
1. Chỉ số tiểu đường thai kỳ của thai phụ
Hiện nay, bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) được xem là đại dịch trên toàn thế giới. Tiểu đường khi mang thai cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở những thai phụ có sẵn các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như: tiền sử gia đình có cha mẹ, anh chị em bị tiểu đường, lần mang thai trước bị thai chết lưu, mang dị tật, con to hoặc những đối tượng có lối sống ít vận động, có bệnh kèm theo, như béo phì, tăng huyết áp.
Để xác định chỉ số tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết khi mang thai (hay nghiệm pháp dung nạp glucose). Với xét nghiệm này, thai phụ sẽ phải nhịn đói 8-12 tiếng trước khi đến xét nghiệm. Khi thực hiện, thai phụ được uống 1 ly nước đường, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để đo chỉ số đường huyết trước khi uống đường (đường huyết lúc đói), lần thứ 2 sau khi uống đường 1 giờ và lần thứ 3 sau khi uống đường 2 giờ.
Thai phụ sẽ nhận được kết quả xét nghiệm dung nạp đường huyết khi mang thai ngay sau đó. Những trường hợp cần lưu ý:
- Lúc đói ≥ 5,1 mmol/L
- Ở thời điểm 1 giờ ≥ 10,0 mmol/L
- Ở thời điểm 2 giờ ≥ 8,5 mmol/L
Nếu kết quả ghi nhận như trên thì thai phụ sẽ được chẩn đoán xác định là đái tháo đường trong thai kỳ. Tuỳ theo chỉ số tiểu đường thai kỳ là bao nhiêu, bà bầu sẽ được bác sĩ tư vấn những ảnh hưởng có thể gặp phải và hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý hoặc điều trị bằng thuốc đúng cách, nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và con.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng cao sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của cả thai phụ và con trong bụng.
Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ:
- Tăng nguy cơ xảy ra tiền sản giật - sản giật.
- Dễ xảy ra nhiễm trùng, viêm thận, viêm bể thận và băng huyết sau sinh.
- Đa số thai to, đa ối, con sinh ra cân nặng trên 4kg, dễ gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ, lúc sinh dễ gây ra sang chấn.
- Tỷ lệ mổ lấy thai cao hơn và nguy cơ xảy ra rủi ro do phẫu thuật cũng tăng.
- Mẹ ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều (nước tiểu có đường), nguy cơ bị nấm candida tái phát nhiều lần.
Tác hại của tiểu đường khi mang thai đối với thai nhi:
- Tăng nguy cơ dị dạng thai, dị tật bẩm sinh về thần kinh, cơ,...
- Tăng khả năng bị sảy thai nhiều lần liên tiếp hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
- Thai to, khi sinh ra dễ bị gãy xương, sang chấn khi sinh và mổ lấy thai.
- Tăng tỷ lệ tử vong ở thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời.
- Em bé sinh ra dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi máu, nguy cơ đái tháo đường do di truyền.
3. Thực đơn cho người bị tiểu đường thai kỳ
3.1. Thực phẩm thai phụ nên ăn
- Nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày để không làm tăng cao chỉ số tiểu đường thai kỳ sau khi ăn và hạ đường huyết quá nhanh lúc xa bữa ăn. Thai phụ nên ăn 3 bữa chính và phân bổ 1-2 bữa ăn phụ.
- Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ, sữa chua, bổ sung sữa không béo, không đường.
- Nên dùng các loại thực phẩm ít gây tăng đường huyết, như gạo lứt, đậu đỗ, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt.
Lưu ý, đối với phụ nữ mang thai 6 tháng cuối, nên bổ sung thêm 350cal/ngày. Phụ nữ cho con bú nên thêm 550cal vào khẩu phần ăn hàng ngày.
3.2. Những thực phẩm nên hạn chế
- Tránh ăn các thực phẩm gây tăng đường huyết: bánh kẹo, trái cây ngọt, kem, chè, nước ngọt...
- Giảm ăn mặn và hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, bao gồm: khô, thịt nguội, mì gói, chao, đồ đóng hộp...
- Hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu, chẳng hạn như: da động vật, lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, phủ tạng (gan, tim, thận).
- Không sử dụng các chất kích thích, nhiều đường, bao gồm: rượu, bia, cà phê, chè đặc, nước ép trái cây ngọt.
3.3. Gợi ý thực đơn cho bà bầu tiểu đường thai kỳ
Sau đây là gợi ý thực đơn cho bà bầu với mức năng lượng 2.400 Kcal/ngày/người.
Thực đơn cho người bị tiểu đường thai kỳ cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng phù hợp cho các hoạt động sinh hoạt trong ngày. Bên cạnh đó, phụ nữ có chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng cao nên chú ý ăn nhạt, bổ sung đầy đủ chất xơ (20-25g/ngày), các yếu tố vi lượng và đa dạng vitamin, đặc biệt là vitamin các nhóm B, C, E, A. Ngoài ra, thai phụ nên ăn nhạt (lượng muối sử dụng không tới 6g/ngày).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.