Máu toàn phần có đầy đủ các thành phần của máu, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và các thành phần của huyết tương. Việc truyền máu và chế phẩm máu phải được sử dụng đúng loại, cho đúng bệnh nhân cần, và đúng thời điểm.
1. Lợi ích của truyền máu và sử dụng chế phẩm máu
Như những liệu pháp y học khác, truyền máu mang lại nhiều hiệu quả trong việc điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh lý cho bệnh nhân. Vai trò và lợi ích của truyền máu có thể nhắc đến là:
- Khôi phục lượng huyết sắc tố nhằm duy trì chức năng vận chuyển oxy của máu;
- Khôi phục thể tích máu nhằm duy trì chức năng sống của cơ thể;
- Khôi phục khả năng đông cầm máu, tránh các nguy cơ mất máu tiếp diễn;
- Trợ giúp khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.
Mỗi người bệnh sẽ có những nhu cầu điều trị và chỉ định truyền máu hay sử dụng chế phẩm máu khác nhau. Vì vậy, truyền máu và các chế phẩm máu cần được sử dụng đúng đắn, hợp lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế tối thiểu những tai biến truyền máu.
2. Tai biến truyền máu có thể gặp
Một số nguy cơ và tai biến mà người bệnh có thể gặp phải khi truyền máu và sử dụng các chế phẩm máu:
- Bị lây nhiễm các virus, ký sinh trùng, xoắn khuẩn thông qua đường truyền máu;
- Tai biến truyền máu: Do bất đồng miễn dịch, do quá tải, máu bị nhiễm khuẩn hoặc do các chất trung gian hình thành khi lưu trữ;
- Bị ứ sắt do truyền máu.
3. Chỉ định dùng chế phẩm máu và máu
3.1 Máu toàn phần
- Chỉ định: Bệnh nhân mất nhiều máu (mất ≥1/3 lượng máu cơ thể).
- Chống chỉ định: Không dùng cho người suy thận, suy tim hoặc chỉ thiếu máu đơn thuần.
Máu toàn phần có hiệu quả trong phục hồi thể tích máu bị mất, khối hồng cầu trong máu giúp làm giảm nhẹ gánh nặng tuần hoàn trong khi vẫn duy trì hiệu quả điều trị thiếu hồng cầu.
3.2 Hồng cầu
Hồng cầu được lấy từ máu toàn phần đã ly tâm và tách phần huyết tương. Tuỳ vào cách chiết tách mà có các loại hồng cầu như:
- Khối hồng cầu đậm đặc: Được chỉ định sử dụng trong các trường hợp thiếu máu. Tuy nhiên, vì đậm đặc nên truyền chậm, nhất là lúc mới bắt đầu truyền cho người bệnh, còn nhiều bạch cầu nên có thể gây phản ứng truyền máu và gây tan máu sớm do các chất giải phóng từ bạch cầu, còn huyết tương chứa kháng thể;
- Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản: Được chỉ định sử dụng trong các trường hợp thiếu máu do suy tim, suy thận;
- Khối hồng cầu nghèo bạch cầu: Được chỉ định khi bệnh nhân bị thiếu máu đơn thuần. Chế phẩm máu này giúp làm giảm phản ứng do bạch cầu (kháng thể kháng bạch cầu, bạch cầu lympho, chất trung gian) và giảm nguy cơ lây bệnh mà tác nhân cư trú trong bạch cầu;
- Khối hồng cầu rửa: Được chỉ định truyền cho bệnh nhân thiếu máu tan máu tự miễn;
- Khối hồng cầu lọc bạch cầu và khối hồng cầu chiếu xạ: Được chỉ định cho bệnh nhân thiếu máu có giảm nặng miễn dịch, đặc biệt bệnh nhân ghép tạng hoặc chuẩn bị ghép tạng;
3.3 Tiểu cầu
Tiểu cầu là một trong những thành phần quan trọng tham gia trong quá trình đông cầm máu nhằm phòng ngừa chảy máu. Thiếu tiểu cầu gây nên những bệnh cảnh chảy máu rất đa dạng. Có hai loại khối tiểu cầu:
- Khối tiểu cầu tách từ máu toàn phần: Chỉ định sử dụng trong việc điều trị các bệnh gây giảm tiểu cầu, đặc biệt là giảm tiểu cầu sau điều trị bệnh lý ác tính;
- Khối tiểu cầu tách chiết: Chỉ định sử dụng trong việc điều trị các bệnh giảm tiểu cầu nặng như sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu nặng, giảm tiểu cầu sau điều trị hoá chất, giảm tiểu cầu ở bệnh nhân suy tuỷ hoặc rối loạn sinh lý tuỷ.
3.4 Huyết tương tươi đông lạnh
Huyết tương là thành phần có trong máu toàn phần. Huyết tương tươi sau khi được chiết tách từ máu được bảo quản đông lạnh thì được gọi là huyết tương tươi đông lạnh. Huyết tương tươi đông lạnh được chỉ định sử dụng:
- Thay thế huyết tương;
- Rối loạn đông máu;
- Bệnh Hemophilia A & B;
- Tai biến dùng quá liều kháng vitamin K;
- Bù các thành phần và thể tích huyết tương, shock do bỏng;
- Mất nhiều máu do chấn thương, phẫu thuật (phối hợp truyền khối hồng cầu và khối tiểu cầu).
3.5 Tủa (cryo)
Sau quá trình đông lạnh huyết tương tươi ở nhiệt độ là 4 độ C và li tâm sẽ thu được các tủa (cryo). Chế phẩm này được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân rối loạn đông máu (mất fibrinogen, DIC) và bệnh nhân Hemophilia A.
3.6 Huyết tương tươi tách tủa
Được chỉ định sử dụng trong trường hợp bệnh nhân mất huyết tương, thiếu thể tích máu.
3.7 Khối bạch cầu hạt
Được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân nhiễm trùng nặng, không còn bạch cầu hạt, điều trị kháng sinh không mang lại kết quả mong muốn.
Như vậy, các trường hợp bệnh nhân cần được truyền máu hay sử dụng các chế phẩm máu thì bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của mỗi người để đưa ra các chỉ định sử dụng máu, loại thành phần máu hợp lý nhất cho việc điều trị.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị tại Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc có thể đến liên hệ trực tiếp hoặc liên hệ đặt hẹn trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: