Giãn phế quản là tình trạng đường thở của phổi bị giãn rộng bất thường, dẫn đến sự tích tụ chất nhầy dư thừa và có thể làm cho phổi dễ bị nhiễm trùng hơn. Điều trị trong các trường hợp giãn phế quản chủ yếu là nâng đỡ, giảm nhờn và chống nhiễm trùng.
1. Giãn phế quản là gì?
Bệnh nhân bị giãn phế quản, đường thở sẽ bị mở rộng và bị tắc nghẽn do chất nhầy tích tụ, dễ bị nhiễm vi khuẩn. Nếu số lượng vi khuẩn nhân lên gấp nhiều lần, người bệnh sẽ bị viêm phổi nặng nề hay bùng phát các triệu chứng nhiễm trùng lan ra toàn thân.
Nếu không được điều trị kịp thời, hệ thống phế quản sẽ bị tổn hại thêm, càng bị giãn rộng và mất chức năng. Lúc này, người bệnh thường xuyên bị khó thở, ho liên tục, khạc đờm nhiều và giảm khả năng gắng sức, suy hô hấp mạn tính.
2. Điều trị giãn phế quản
Giãn phế quản chủ yếu được điều trị bằng thuốc, cân bằng nước - điện giải, vật lý trị liệu chức năng hô hấp và phòng ngừa viêm phổi – phế quản. Đồng thời, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu giãn phế quản khu trú tại một phần của phổi hoặc người bệnh gặp phải biến chứng chảy máu nhiều.
Ngoài ra, nếu giãn phế quản lan rộng và gây suy hô hấp, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng bổ sung oxy dài hạn.
Mục tiêu của điều trị giãn phế quản là:
- Điều trị nâng đỡ chức năng hô hấp
- Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng phổi
- Loại bỏ chất nhầy ra khỏi phổi bằng cách làm loãng nhầy tốt
- Chủ động ngăn ngừa biến chứng giãn phế quản
2.1 Sử dụng thuốc kháng sinh
Các loại thuốc điều trị nội khoa của giãn phế quản bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản hoặc thuốc làm loãng chất nhầy. Trong đó, thuốc kháng sinh đường uống là phương pháp điều trị chính khi nhiễm trùng phổi lặp đi lặp lại do giãn phế quản. Đối với nhiễm trùng khó điều trị, bác sĩ cần chuyển sang thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, vật lý trị liệu hô hấp bằng cách luyện tập các phương pháp hít thở hiệu quả hay vỗ ngực, gõ rung cũng là một cách cải thiện chức năng đường thở. Các thao tác này giúp chất nhầy dễ dàng tống xuất ra khỏi phổi, người bệnh sẽ cảm thấy dễ thở hơn.
Ngoài ra, tùy vào tình trạng của giãn phế quản, về mức độ và vị trí, bác sĩ cũng có thể chỉ định các thuốc kháng viêm dưới dạng corticosteroid dạng hít, liệu pháp oxy bổ sung dài hạn hoặc phẫu thuật.
2.2 Phẫu thuật cắt bỏ phổi trong điều trị giãn phế quản
Phẫu thuật nên được chỉ định dành riêng cho những bệnh nhân chỉ bị giãn phế quản khu trú, thường xuyên viêm phổi tái đi tái lại mà kiểm soát kém bằng kháng sinh. Các vị trí giãn phế quản nên được cắt bỏ phổi hoàn toàn, tiếp cận triệt để nhằm kiểm soát triệu chứng một cách tối ưu.
Ngoài ra, các chỉ định khác để điều trị ngoại khoa giãn phế quản có thể bao gồm:
- Giảm các đợt nhiễm trùng cấp tính
- Giảm sản xuất đờm quá mức
- Ho ra máu lượng nhiều, lúc này phẫu thuật cắt phổi kèm thủ thuật thuyên tắc động mạch phế quản có thể được tiến hành để hạn chế ho ra máu về sau
- Loại bỏ khối u, là một trong các biến chứng của giãn phế quản
- Cân nhắc trong điều trị nhiễm trùng mạn tính hay nhiễm nấm
Khi tiến hành mổ giãn phế quản, cần chú trọng phòng ngừa các biến chứng của can thiệp phẫu thuật bao gồm: Viêm mủ màng phổi, xuất huyết, tràn khí màng phổi khu trú hay toàn thể cấp tính hoặc tái phát.
2.3 Phẫu thuật ghép phổi điều trị giãn phế quản
Trong những trường hợp rất hiếm gặp khi giãn phế quản nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc đến khả năng người bệnh nên được ghép phổi hay thay thế phổi bị bệnh bằng một lá hoặc toàn bộ phổi khỏe mạnh.
Ghép phổi khu trú hay ghép toàn bộ phổi đã được chỉ định trong điều trị giãn phế quản nặng, chủ yếu khi giãn phế quản có liên quan đến bệnh đa xơ hóa. Mục tiêu của điều trị giãn phế quản là cải thiện các triệu chứng, giảm biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bên cạnh các biện pháp nâng đỡ, phẫu thuật giãn phế quản bằng cách cắt một phần phổi bị tổn thương khu trú và/hoặc ghép phổi đã được chứng minh tăng khả năng kiểm soát các đợt tổn thương cấp tính cũng như giảm tỷ lệ tử vong về lâu dài.
XEM THÊM