Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử giúp phục hồi một phần thính giác. Đây là một lựa chọn cho những người bị mất thính lực nghiêm trọng do tổn thương tai trong. Ốc tai điện tử sẽ truyền tín hiệu âm thanh đến tận dây thần kinh thính giác, sau đó chuyển đến não, giúp hồi phục khả năng nghe một cách tự nhiên.
1. Cấy ghép ốc tai điện tử là gì?
Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử nhỏ dùng điện kích thích dây thần kinh ốc tai (dây thần kinh số VIII), truyền tín hiệu âm thanh vào trong não bộ. Cấu tạo của ốc tai điện tử gồm có bộ phận bên ngoài và bộ phận bên trong:
- Phần bên ngoài có vị trí nằm sau tai, thu nhận âm thanh trong môi trường xung quanh bằng micrô. Sau đó, bộ phận này xử lý âm thanh thành tín hiệu điện học và truyền đến bộ phận bên trong của thiết bị cấy ghép.
- Phần bên trong được đặt dưới da sau tai. Một sợi dây mỏng và các điện cực nhỏ được dẫn đến ốc tai, là một phần của tai trong. Dây truyền tín hiệu đến dây thần kinh ốc tai, có chức năng gửi thông tin âm thanh đến não để tạo ra cảm giác nghe. Mặc dù thính giác bình thường không được phục hồi nhưng với liệu pháp và thực hành thích hợp, khả năng nghe được cải thiện một cách đáng kể. Từ đó, người bệnh sẽ có nhận thức về âm thanh cũng như học được cách giao tiếp tốt hơn thông qua việc nghe và nói dễ dàng hơn.
Như vậy, cấy điện cực ốc tai là một cách điều trị khiếm thính triệt để, giúp người khiếm thính khôi phục hoặc cải thiện khả năng nghe và hiểu lời nói. Thiết bị này có cơ chế hoạt động khác với máy trợ thính. Máy trợ thính chỉ giúp âm thanh to hơn nhưng không cải thiện được nhiều khả năng hiểu giọng nói.
Khi một người gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, ngay cả khi đã dùng máy trợ thính , thì nên xem xét cấy ghép ốc tai điện tử. Ở người lớn, cấy ghép ốc tai điện tử có thể làm tăng đáng kể thính lực. Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, thiết bị này có thể giúp trẻ học nghe và học nói, hình thành khả năng ngôn ngữ bình thường tốt hơn.
2. Khi nào có chỉ định cấy ghép ốc tai điện tử?
Cấy ghép ốc tai điện tử được thực hiện nhằm phục hồi thính lực ở những người bị mất thính lực nghiêm trọng, những người không còn nhận được trợ giúp hiệu quả với máy trợ thính. Lúc này, cấy ốc tai điện tử có thể cải thiện khả năng giao tiếp và chất lượng cuộc sống một cách đáng kể:
- Tăng khả năng nghe lời nói mà không cần dấu hiệu thị giác như đọc môi
- Nhận biết âm thanh môi trường bình thường hàng ngày
- Có khả năng nhận biết âm thanh mục tiêu trong môi trường ồn ào
- Có khả năng tìm nơi phát ra âm thanh
- Có khả năng nghe các chương trình truyền hình, âm nhạc và đàm thoại qua điện thoại
Để cấy ghép ốc tai điện tử, người bệnh cần có một trong các chỉ định sau đây:
- Mất thính lực nghiêm trọng đến mức làm gián đoạn giao tiếp bằng giọng nói
- Không nhận được lợi ích từ máy trợ thính đã được xác định bằng các bài kiểm tra thính giác chuyên biệt
- Không có tình trạng y tế hoặc các yếu tố làm tăng rủi ro liên quan đến cấy ghép ốc tai
- Có động lực cao để tham gia vào quá trình phục hồi thính giác sau đó
Ốc tai điện tử có thể được đặt ở một bên tai hoặc cả hai tai. Liệu pháp cấy ghép ốc tai điện tử ở cả hai tai chỉ bắt đầu được sử dụng trong điều trị mất thính lực nặng ở cả hai bên - đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ em câm điếc bẩm sinh.
3. Theo dõi sau khi cấy ghép ốc tai điện tử thế nào?
Phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử nói chung là an toàn. Tuy nhiên, can thiệp này vẫn có thể ẩn chứa các rủi ro cần phải theo dõi như sau:
- Mất thính giác vĩnh viễn bên tai còn lại một cách tự nhiên. Tuy nhiên, cơ chế của hiện tượng này vẫn chưa rõ ràng.
- Viêm não - màng não. Do đó, người lớn và trẻ em thường được tiêm phòng trước khi cấy ốc tai để giảm nguy cơ mắc bệnh này sau khi thực hiện.
- Lỗi của thiết bị. Đôi khi có thể cần phẫu thuật lặp lại để sửa chữa hoặc thay thế thiết bị bên trong bị lỗi.
- Nhiễm trùng thiết bị.
- Nhiễm trùng tại nơi phẫu thuật.
- Chảy máu, tụ máu tại nơi phẫu thuật.
- Liệt dây thần kinh mặt.
- Rối loạn tiền đình, chóng mặt.
- Rối loạn vị giác.
- Ù tai mới xuất hiện hoặc nặng hơn.
- Rò rỉ dịch não tủy.
4. Quá trình cấy ghép ốc tai điện tử như thế nào?
4.1 Chuẩn bị phẫu thuật
Phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Người bệnh cần nhịn ăn, uống trước phẫu thuật trong một khoảng thời gian nhất định. Người bệnh cần nhớ tiền sử về dị ứng thuốc gây mê và thông báo cho bác sĩ nếu có.
4.2 Chỉ định cấy ghép ốc tai
Vì đây là một can thiệp xâm lấn, chi phí thiết bị cao, người bệnh cần được đánh giá, cân nhắc nhiều lần cho chỉ định cấy ghép ốc tai điện tử, để đảm bảo đây là lựa chọn phù hợp nhất. Bác sĩ sẽ đánh giá sẽ xem xét trên các tiêu chí bao gồm:
- Thực hiện khám chuyên khoa tai - mũi - họng, đánh giá tính trạng tai xương chũm.
- Các bài kiểm tra thính giác, giọng nói
- Kiểm tra sức khỏe tiền đình
- Chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính sọ não để đánh giá tình trạng của ốc tai và cấu trúc tai trong
- Kiểm tra sức khỏe tâm thần - tâm lý trong một số trường hợp nhất định để xác định khả năng học cách sử dụng ốc tai điện tử một cách tích cực của người bệnh.
4.3 Quá trình phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch sau tai nhằm tạo một lỗ nhỏ trên phần xương sọ tại vùng xương chũm - nơi đặt thiết bị bên trong của ốc tai điện tử chuẩn bị được cấy ghép.Sau đó, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trong ốc tai để luồn điện cực của thiết bị bên trong. Vết rạch da sẽ được khâu lại để thiết bị bên trong nằm dưới da.
4.4 Sau khi làm thủ thuật
Người bệnh có thể có cảm giác áp lực hoặc khó chịu trên tai hoặc trong tai bên được cấy ghép. Một số khác có thể bị chóng mặt hoặc buồn nôn. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục hay cảm thấy đủ khỏe để xuất viện ngay trong ngày phẫu thuật hoặc hôm sau. Bác sĩ, chuyên gia thính học sẽ không kích hoạt ốc tai điện tử trong khoảng 2-6 tuần sau khi phẫu thuật, để cho vị trí phẫu thuật có thời gian lành lặn trở lại.
4.5 Kích hoạt thiết bị
Để kích hoạt ốc tai điện tử, nhà thính học sẽ tiến hành các bước sau:
- Điều chỉnh bộ xử lý âm thanh để phù hợp với người bệnh
- Kiểm tra các thành phần của ốc tai điện tử để đảm bảo hoạt động phối hợp hiệu quả
- Xác định âm thanh mà người bệnh cần nghe thấy
- Cung cấp cho người bệnh, cha mẹ hay người giám hộ của trẻ những thông tin về cách chăm sóc và sử dụng thiết bị đúng cách
- Hoàn thiện cài đặt thiết bị sao cho người bệnh có thể nghe hết khả năng của mình
4.6 Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng thính lực liên quan đến việc đào tạo não có khả năng hiểu âm thanh nghe được qua ốc tai điện tử. Lời nói và tiếng ồn môi trường hàng ngày được nghe một cách thụ động sẽ nghe khác với những gì chủ động nghe được và ghi nhớ.
Bộ não luôn cần thời gian để nhận ra những âm thanh này có nghĩa là gì. Quá trình này diễn ra liên tục, do đó người bệnh nên đeo bộ xử lý giọng nói liên tục khi thức giấc.
5. Hiệu quả điều trị sau cấy ghép ốc tai điện tử
Kết quả của phẫu thuật cấy điện cực ốc tai đạt được là khác nhau ở mỗi người. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của việc cấy ghép ốc tai điện tử bao gồm: Độ tuổi bị mất thính lực, khoảng thời gian từ khi mất thính lực đến khi được tiến hành phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử.
Đối với trẻ em, kết quả đạt được tốt thường khi trẻ còn nhỏ, ngay trước khi trẻ bắt đầu có nhận thức âm thanh và bắt đầu học ngôn ngữ. Nếu được như vậy, trẻ bị khiếm thính bẩm sinh sau khi được cấy ghép ốc tai điện tử sẽ có cơ hội phát triển toàn diện, không thua kém các trẻ bình thường.
Đối với người lớn, kết quả tốt là thời gian mất thính giác sâu ngắn trước khi được cấy điện cực ốc tai. Việc cấy ghép ốc tai điện tử sẽ ít hiệu quả hơn với người lớn có ít hoặc chưa từng có kinh nghiệm về âm thanh.
Tóm lại, ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử nhỏ có thể lựa chọn khi máy trợ thính không đủ cung cấp âm thanh rõ ràng cần thiết để hiểu giọng nói và ngôn ngữ nói. Ccan thiệp sớm luôn là chìa khóa trong quá trình hồi phục này. Cơ hội cải thiện sẽ giảm dần theo thời gian khi mất thính lực đã nặng. Do đó, với trẻ nhỏ, quyết định cấy ghép ốc tai điện tử ngay khi có chỉ định là cách điều trị khiếm thính và sẽ giúp trẻ phát triển bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: hopkinsmedicine.org, nidcd.nih.gov, mayoclinic.org