Chèn ép tim cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chèn ép tim cấp tính là tình trạng nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi tim bị chèn ép làm cản trở những hoạt động của tim, từ đó dẫn đến các cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu làm suy đa cơ quan.

1. Chèn ép tim cấp là gì?

Chèn ép tim cấp là tình trạng tim bị đè ep do có quá nhiều máu hoặc dịch tích tụ giữa cơ tim và màng ngoài tim, từ đó tạo áp lực lên tim, làm cản trở các chức năng của tim. Khi đó, tim không thể bơm máu đầy đủ đến các cơ quan trong cơ thể; dẫn đến suy đa cơ quan, sốc và thậm chí là tử vong.

Hội chứng chèn ép tim cấp là một trường hợp cấp cứu, cần được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng. Nếu được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm có tiên lượng phục hồi tốt. Nhưng nếu không được chẩn đoán và chẩn đoán kịp thời người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra tỷ lệ tử vong liên quan tới các nguyên nhân gây ra chèn ép tim. Nếu do các nguyên nhân ác tính như ung thư di căn, chấn thương ngực nghiêm trọng, có kèm theo nhiễm khuẩn huyết thì tỷ lệ tử vong rất cao. Các nguyên nhân khác thì tỷ lệ tử vong thấp hơn.


Hội chứng chèn ép tim cần được xử lý nhanh chóng
Hội chứng chèn ép tim cần được xử lý nhanh chóng

2. Nguyên nhân gây chèn ép tim cấp

Hội chứng chèn ép tim cấp thường do máu hoặc dịch nhiều ở khoang ngoài tim (là khoang nằm giữa lớp màng mỏng bao xung quanh tim và cơ tim) dẫn đến đè nén vào tim. Các nguyên nhân gây gây chèn ép tim cấp bao gồm:

  • Do vết thương tim, chấn thương tim, vỡ tim
  • Do nhồi máu cơ tim
  • Nhiễm vi khuẩn, virus gây viêm màng ngoài tim
  • Do bệnh lao
  • Suy tim
  • Các bệnh lý tiết niệu như: Hội chứng thận hư, suy thận, hội chứng ure trong máu cao,
  • Các bệnh lý ác tính: Ung thư di căn, sau điều trị liều tia xạ
  • Bóc tách động mạch chủ hoặc vỡ phình tách động mạch
  • Lupus ban đỏ
  • Tai biến do thông tim, chụp mạch vành, đặt máy tạo nhịp

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chèn ép tim cấp gồm:

  • Người bị nhiễm bức xạ nặng ở ngực
  • Nhiễm HIV
  • Không điều trị tốt các vết thương hở làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Suy tuyến giáp

Suy tim có thể dẫn đến chèn ép tim cấp
Suy tim có thể dẫn đến chèn ép tim cấp

3. Triệu chứng chèn ép tim cấp

Chèn ép tim có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau. Trong đó, các triệu chứng thường xảy ra bao gồm:

  • Người bệnh cảm thấy lo lắng, bồn chồn
  • Đau ngực lan đến cổ, vai, lưng hoặc bụng. Đau ngực, có thể nặng hơn khi bệnh nhân thở hoặc ho
  • Cảm thấy các triệu chứng khó chịu, có thể thuyên giảm khi ngồi thẳng lưng hoặc cúi về phía trước
  • Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nếu nặng có thể thấy mạch yếu, khó bắt
  • Huyết áp hạ
  • Khó thở, thở nhanh
  • Người bệnh có thể ngất xỉu, chóng mặt, choáng váng, tăng cảm giác buồn ngủ, có thể mất ý thức
  • Da nhợt nhạt, xám, hoặc xanh xao.
  • Thiếu máu nuôi dưỡng não dẫn tới yếu cơ, liệt

4. Phương pháp điều trị chèn ép tim cấp

Hội chứng chèn ép tim cấp là một trường hợp cấp cứu cần được điều trị nhanh chóng tại các cơ sở y tế. Điều trị bao gồm điều trị triệu chứng (làm giảm sự chèn ép lên tim) và điều trị nguyên nhân gây ra chèn ép.

4.1 Điều trị triệu chứng

  • Để giải phóng sự chèn ép tim cấp: Bệnh nhân sẽ chọc dịch dẫn lưu dịch ở khoang ngoài tim ra ngoài hoặc phẫu thuật mở ngực để dẫn lưu máu, lấy các cục máu đông nếu bạn bị vết thương tim. Một số trường hợp cũng có thể cắt bỏ một phần màng ngoài tim để làm giảm áp lực lên tim.
  • Khó thở: Bệnh nhân được thở oxy
  • Nâng huyết áp: Bằng các thuốc vận mạch, truyền dịch

4.2 Điều trị nguyên nhân

Nếu do chấn thương ngực: Người bệnh được phẫu thuật điều trị tùy theo từng trường hợp chấn thương.

Ngoài ra nếu không phải do chấn thương sau khi điều trị ổn định tình trạng chèn ép tim cấp, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh nếu nguyên nhân chưa được biết. Từ đó điều trị tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ra chèn ép tim cấp.


Điều trị chèn tim cấp bằng phẫu thuật tùy từng trường hợp chấn thương
Điều trị chèn tim cấp bằng phẫu thuật tùy từng trường hợp chấn thương

5. Phòng ngừa chèn ép tim cấp như thế nào?

Tuy không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân gây ra chèn ép tim, nhưng có một số nguyên nhân gây chèn ép tim có thể phòng ngừa được. Các biện pháp phòng ngừa như:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc bệnh do vi khuẩn hay virus. Điều trị các bệnh lý viêm nhiễm tại họng và da triệt để.
  • Những bệnh nhân có bệnh mạn tính như lupus ban đỏ, suy giáp cần điều trị đúng cách.
  • Những tai biến do các thủ thuật ở tim có thể xảy ra với tỷ lệ thấp hơn nếu thực hiện ở những cơ sở y tế có bác sĩ giàu kinh nghiệm và thiết bị y tế hiện đại.
  • Cần điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc và sử dụng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
  • Thường xuyên tập thể dục và ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.
  • Tái khám định kỳ để tránh trường hợp tái phát.

Chèn ép tim cấp là tình trạng rất nguy hiểm. Cần được phát hiện và điều trị sớm. Chính vì vậy khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe