Chấn thương thận kín là gì?

Chấn thương thận kín là bệnh lý gặp hàng đầu trong chấn thương các cơ quan tiết niệu, chiếm tỉ lệ 10-15% trong chấn thương bụng kín nói chung. Vậy chấn thương thận kín có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị chấn thương thận là gì?

1. Chấn thương thận kín là gì?

Thận là một cơ quan nằm sâu sau phúc mạc, ở vùng hố thắt lưng hai bên, được bảo vệ bởi thành cơ và khung xương nên chấn thương thận thường ít gặp, tuy nhiên đây lại là chấn thương chiếm tỷ lệ hàng đầu trong các chấn thương tiết niệu sinh dục. Nguyên nhân chấn thương thận kín chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn do sinh hoạt và tai nạn do can thiệp y học.

2. Cơ chế chấn thương thận kín

Thận là tạng đặc, giàu mạch máu, nằm trong một bao xơ mỏng, ít đàn hồi, có lớp mỡ bao bọc nhưng nó tương đối di động, vì vậy một chấn thương thận bị ép vào xương sườn, cột sống và trở nên dễ bị vỡ.

3. Triệu chứng chấn thương thận kín

3.1. Triệu chứng cơ năng

  • Đau vùng thắt lưng: gặp ở 100% các trường hợp, tuy nhiên đây là triệu chứng không đặc hiệu, có khi xuất hiện cơn đau quặn thận (do máu cục bít tắc niệu quản).
  • Đau tức và co cứng vùng cơ thắt lưng;
  • Đái máu sau chấn thương có khi chỉ phát hiện máu vi thể hoặc đái máu toàn bãi. Đái máu là triệu chứng thường gặp với tỉ lệ từ 90 - 95% các trường hợp. Tuy nhiên mức độ đái ra máu không tương xứng với mức độ tổn thương giải phẫu bệnh lý.

Đau thắt lưng là dấu hiệu phổ biến ở bệnh nhân chấn thương thận kín
Đau thắt lưng là dấu hiệu phổ biến ở bệnh nhân chấn thương thận kín

3.2. Triệu chứng toàn thân

  • Sốc gặp trong 20-30% trường hợp, thường thấy trong chấn thương thận bị dập nát, đứt mạch máu cuống thận.
  • Thiếu máu do mất máu cấp do chảy máu thận.

3.3. Triệu chứng thực thể

  • Bầm tím, xây xát vùng da thắt lưng.
  • Thấy khối máu tụ hố thắt lưng, cơ vùng lưng căng nề lên, đau nhức.
  • Tăng cảm giác đau vùng cơ hố thắt lưng khi sờ nắn.

4. Các xét nghiệm cận lâm sàng trong chẩn đoán chấn thương thận kín

4.1. Xét nghiệm hình ảnh

Đây là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán mức độ tổn thương thận và tổn thương kết hợp. Các xét nghiệm hình ảnh thường dùng:

  • Chụp X-quang thận thường: có khối mờ lan rộng vùng thận bị chấn thương, bờ ngoài cơ thắt lưng chậu bị xoá.
  • Chụp X-quang thận thuốc tĩnh mạch: vùng đài bể thận bị chấn thương nhoè thuốc, thuốc cản quang có thể tràn qua các tổ chức quanh thận.
  • Siêu âm: Đánh giá được hình thái của thận, hình ảnh dập, nứt nhu mô thận, khối máu tụ quanh thận, tụ máu sau phúc mạc..., các tổn thương kèm theo trong ổ bụng
  • CT scanner: Biết được cụ thể mức độ tổn thương như đường nứt, dập nhu mô, tổn thương cuống mạch..., theo dõi được diễn tiến của tổn thương và có thể giúp cho lâm sàng nên can thiệp ngoại khoa hay không.

Chụp X-quang thận phép chẩn đoán hình ảnh về các tổn thương thận
Chụp X-quang thận phép chẩn đoán hình ảnh về các tổn thương thận

4.2. Xét nghiệm máu

Hồng cầu và huyết sắc tố giảm đặc biệt trong các trường hợp có tổn thương mức độ vừa và nặng. Bạch cầu thường tăng và chuyển trái khi bệnh nhân đến muộn.

4.3. Xét nghiệm nước tiểu

  • Hồng cầu, bạch cầu tăng nhiều trong nước tiểu.
  • Protein niệu dương tính.

5. Điều trị chấn thương thận kín

Xu hướng chính hiện nay được thống nhất trên thế giới trong điều trị chấn thương thận kín là điều trị bảo tồn chấn thương thận cũng như phẫu thuật để bảo tồn thận. Vấn đề luôn được đặt ra trong điều trị bảo tồn là khi nào áp dụng, đối với loại tổn thương nào thì có chỉ định mổ, nên mổ sớm trong tuần đầu hay mổ muộn hơn.

5.1. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn được chỉ định trong trường hợp:

  • Bệnh nhân không có sốc hoặc sốc nhanh chóng hồi phục sau khi được điều trị.
  • Tình trạng đái ra máu, căng gồ vùng mạng sườn thắt lưng ổn định dần theo thời gian.

5.2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật được chỉ định khi:

  • Khối gồ vùng mạng sườn thắt lưng vượt quá đường trắng giữa.
  • Các trường hợp bệnh nhân có sốt kéo dài không hồi phục mặc dù đã được điều trị tích cực.
  • Tình trạng đái ra máu, căng gồ vùng thận, đau không dừng lại mà vẫn tiếp diễn nặng lên theo thời gian.
  • Các trường hợp có nghi ngờ có tổn thương các tạng trong ổ bụng cần phải can thiệp phẫu thuật.
  • Trong các trường hợp có tổn thương mức độ nặng có thể vừa hồi sức vừa đồng thời kết hợp phẫu thuật.
  • Các trường hợp có biến chứng apxe hố thận.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe