Viêm bờm mỡ đại tràng là một tình trạng bệnh lý lành tính, vì thế rất dễ bỏ qua. Tuy nhiên, các biến chứng của tình trạng này lại gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm, có thể kể đến các biến chứng như dính ruột hay viêm phúc mạc. Vì thế, việc tìm hiểu rõ về bệnh có thể giúp mọi người phòng tránh tốt hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Phạm Thị Mai Thanh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Viêm bờm mỡ đại tràng là gì?
Bờm mỡ đại tràng (Epiploic appendage) là các túi mỡ bám ở bề mặt ngoài đại tràng. Thông thường, các bờm mỡ này có hình dạng như ngón tay út, trái nho hoặc có hình oval.
Các bờm mỡ được nuôi dưỡng và cung cấp máu bởi một nhánh nhỏ động mạch và tĩnh mạch. Số lượng bờm mỡ sẽ dao động từ 50 - 100 chiếc, trải dài từ manh tràng đến khu vực nối giữa đại tràng sigma và trực tràng.
Viêm bờm mỡ đại tràng, hay còn gọi là túi thừa mạc nối là tình trạng mà các bờm mỡ bị thiếu máu cục bộ hoặc hoại tử. Nguyên nhân là do tĩnh mạch bị xoắn hoặc tĩnh mạch bị tắc do huyết khối.
Viêm bờm mỡ ở đại tràng thường xuất hiện do bờm mỡ to và dài bị xoắn đột ngột. Tình trạng này sẽ gây thiếu máu cục bộ, từ đó dẫn đến hoại tử mỡ vô khuẩn và tắc tĩnh mạch do huyết khối. Đối với bờm mỡ bị xoắn từ từ sẽ gây viêm mãn tính và xuất hiện rất ít triệu chứng.
Bệnh này xảy ra ở khoảng 2-7% số bệnh nhân nghi viêm túi thừa và khoảng 0,3 - 1% tổng số bệnh nhân đang theo dõi viêm ruột thừa. Bệnh thường xuất hiện ở các bệnh nhân đang ở độ tuổi trung niên, cụ thể là khoảng 40 tuổi. Bên cạnh đó, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nữ giới. Những người béo phì hoặc tập các bài tập nặng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Một số biểu hiện lâm sàng của bệnh bao gồm đau vùng hạ vị cấp hoặc bán cấp. Ngoài ra, các triệu chứng ít gặp hơn của bệnh bao gồm:
- Đầy bụng sau ăn.
- Nhanh no.
- Chướng bụng.
- Nôn mửa.
- Đi ngoài ra phân lỏng.
- Sốt nhẹ.
Khi làm xét nghiệm, các chỉ số công thức bạch cầu, protein C phản ứng hay tốc độ máu lắng ở những người mắc bệnh có thể bình thường hoặc tăng nhẹ.
2. Cách chẩn đoán
Dựa trên bệnh cảnh lâm sàng và kết quả chụp CT bụng, bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt viêm bờm mỡ đại tràng với các bệnh lý gây đau bụng cấp khác như viêm túi thừa hoặc viêm ruột thừa.
Các bờm mỡ xuất hiện trên hình ảnh chụp CT sẽ mang các đặc điểm như sau:
- Các khối hình oval nằm cạnh đại tràng có đậm độ mỡ.
- Kích thước các khối này từ 2-3 cm, có thâm nhiễm mỡ xung quanh và dày thành phúc mạc.
- Nốt giảm đậm cản quang xuất hiện ở trung tâm bờm mỡ bị viêm, tương ứng với vị trí huyết khối tĩnh mạch trung tâm.
Bờm mỡ bị viêm thường xuất hiện ở mặt trước của khu vực đại tràng xuống hoặc đại tràng sigma. Tuy nhiên, bờm mỡ bị viêm cũng có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đại tràng.

3. Điều trị
Hầu hết các trường hợp viêm bờm mỡ đại tràng không cần phải điều trị vì đây là một bệnh có khả năng tự điều chỉnh trong khoảng 1 tuần. Trong các trường hợp khác, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng viêm đường uống như Ibuprofen (600mg mỗi 8h trong 4-6 ngày). Nếu cần, bệnh nhân có thể uống thêm thuốc giảm đau thuộc nhóm opiates (acetaminophen/codeine 300/30 mỗi 6h trong 4-7 ngày).
Những trường hợp buộc phải thực hiện phẫu thuật bao gồm:
- Bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc hoặc xuất hiện các triệu chứng ngày càng nặng như sốt cao, các cơn đau gia tăng, buồn nôn, nôn mửa hoặc không thể ăn bằng đường miệng.
- Những trường hợp xuất hiện các biến chứng như tắc ruột, lồng ruột hoặc áp xe.
4. Phòng ngừa viêm bờm mỡ đại tràng
Có một số biện pháp được bác sĩ khuyến nghị để phòng ngừa bệnh bao gồm:
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể để giảm thiểu nguy cơ túi mỡ phát triển. Khi lượng mỡ trong cơ thể tăng cao, khả năng hình thành túi mỡ của bệnh nhân cũng tăng theo.
- Không ăn uống quá mức để tránh ruột già hoạt động liên tục. Không chỉ vậy, thức ăn trong đại tràng còn tạo áp lực lên niêm mạc, làm thay đổi lưu lượng máu và tăng nguy cơ xuất hiện các túi mỡ,
- Tập thể dục đều đặn với thời gian vừa phải.
- Ăn đủ bữa và không nên bỏ bữa, nhịn ăn.

Nhìn chung, viêm bờm mỡ đại tràng là một bệnh lành tính và có thể tự khỏi trong khoảng 3 - 14 ngày mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh vẫn có một số biến chứng hiếm gặp như áp xe, tắc ruột và lồng ruột cần được phát hiện và điều trị từ sớm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa hệ thống máy siêu âm đạt tiêu chuẩn Quốc tế vào việc thăm khám và chẩn đoán nhiều bệnh lý, trong số đó có cả bệnh viêm bờm mỡ đại tràng. Theo đó, quy trình siêu âm đường tiêu hóa tại Vinmec được thực hiện bài bản, đúng chuẩn theo quy trình bởi đội ngũ y bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại, nhờ đó cho hình ảnh siêu âm viêm bờm mỡ đại tràng chính xác, góp phần không nhỏ vào việc xác định bệnh và giai đoạn của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.