Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sốc tim là tình trạng hiếm nhưng có khả năng gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Để có thể xử lý sớm tình trạng nguy hiểm này, mọi người đều nên nắm được các dấu hiệu sốc tim điển hình và phương pháp sơ cứu ban đầu cho người bệnh.
1.Tổng quan về sốc tim
Sốc tim (tiếng Anh là “cardiogenic shock”) là tình trạng quả tim đột nhiên không thể bơm máu cung cấp oxy đáp ứng nhu cầu hoạt động của cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến sốc tim thường xuất phát những cơn đau tim nặng, bệnh nhân thường bị tổn thương van tim, suy tâm thất trái trong thời gian quá lâu dẫn đến tình trạng suy tim cấp.
Theo thời gian, động mạch vành có thể bị hẹp do sự tích tụ cholesterol, tạo thành các mảng bám (xơ vữa động mạch). Trong một cơn đau tim, một trong các mảng bám có thể bị vỡ khiến cục máu đông hình thành. Nếu huyết khối đủ lớn có thể chặn dòng chảy máu qua động mạch. Nếu không có máu giàu oxy lưu thông đến phần cơ thể sẽ khiến cơ tim suy yếu và tiến triển thành sốc tim.
Các nguyên nhân phổ biến gây sốc tim bao gồm:
- Suy thất trái cấp
- Suy thất phải cấp
- Tăng hậu gánh: hẹp động mạch chủ, tắc động mạch phổi nặng
- Các biến cố cơ học: hở van 2 lá cấp do đứt dây chằng, cột cơ, thủng vách liên thất, ép tim cấp, vỡ thành tự do...
- Các rối loạn đi kèm: chảy máu, rối loạn nhịp tim, hạ đường huyết, nhiễm toan ceton, rối loạn điện giải...
- Các bệnh lý cơ tim do ngộ độc, nội tiết (cường hoặc suy giáp), miễn dịch, nhiễm khuẩn...
Ngoài ra, có một số bệnh nhân có nguy cơ tiến triển sốc tim hơn những người khác. Những yếu tố làm tăng nguy cơ sốc tim là:
- Người bằng hoặc trên 65 tuổi
- Đã từng suy tim hoặc đau tim trước đó
- Từng bị tắc nghẽn một số các động mạch ở tim (bệnh mạch vành).
2.Các dấu hiệu sốc tim điển hình
Dấu hiệu sốc tim khá điển hình, người nhà bệnh nhân có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu:
- Tụt huyết áp kéo dài: Huyết áp tối đa ở mức dưới 90mmHg hoặc giảm so với huyết áp nền trên 30mmHg (đối với người thường tăng huyết áp).
- Rối loạn nhịp tim: Thở nhanh, thở dốc nghiêm trọng, khó thở, nhịp tim nhanh đột ngột.
- Ý thức bệnh nhân giảm: Lẫn lộn, mất ý thức, bất tỉnh.
- Đổ mồ hôi.
- Làn da nhợt nhạt: lạnh tái hoặc nổi vân tím trên da.
- Lạnh tay hoặc bàn chân, đầu chi tím lạnh.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Đi tiểu ít hơn bình thường (thiểu niệu) hoặc không đi gì cả (vô niệu).
Với những bệnh nhân bị sốc tim do nhồi máu cơ tim, sẽ có các dấu hiệu điển hình như:
- Đau ngực trái gắng sức
- Đau lan ra hai bên vai, có thể lên đến cằm
- Đau ở bụng trên kéo dài
- Mệt, khó thở, vã mồ hôi
- Xanh tái, nổi gân tím
- Mạch nhanh, tụt huyết áp
Ngoài ra sốc tim thể hiện qua các rối loạn huyết động và ứ trệ tuần hoàn ngoại vi đặc trưng như:
- Cung lượng tim giảm với chỉ số tim < 2,2 lít/phút/m2, áp lực mao mạch phổi bít cao (> 15mmHg) và áp lực tĩnh mạch trung tâm cao (> 10mmHg).
- Chênh lệch oxy máu giữa mao mạch và tĩnh mạch cao (DA-VO2 >0,55ml O2/lít).
- Lactat máu tăng trên 1,5 mmol/l do giảm tưới máu tổ chức gây thiếu oxy. Toan chuyển hóa và toan lactat khi lactat máu tăng từ 2-4 mmol/l. Với các trường hợp nặng lactat máu > 4 mmol/l.
- Gan to, tĩnh mạch cổ nổi, có ran ẩm ở phổi.
Nhìn chung, sốc tim là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu tại chỗ, thực hiện chăm sóc y tế nhanh ngay khi phát hiện những triệu chứng hoặc dấu hiệu sốc tim. Suy tim trong bệnh cảnh sốc tim là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng vì tỷ lệ tử vong lên tới 30-90%, kết quả tiên lượng còn tùy thuộc và nguyên nhân gây ra sốc tim và khả năng can thiệp của bác sĩ. Việc điều trị đau tim cũng cải thiện cơ hội sống sót và giảm bớt các thiệt hại cho tim.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.