Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Rung nhĩ có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm. Bệnh nhân suy tim có kèm theo rung nhĩ tỷ lệ tử vong tăng hơn đến 34%. Tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi.
1. Chẩn đoán rung nhĩ
Các triệu chứng liên quan đến rung nhĩ: hồi hộp, tim đập không đều, cảm giác mệt, giới hạn thể lực, chóng mặt, hụt hơi, nặng ngực,....tuy nhiên có trường hợp không có triệu chứng và không để ý cho đến khi được thăm khám xác định.
- Chẩn đoán bằng điện tâm đồ là một xét nghiệm thường quy.
- Có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ.
- Event recorder: Theo dõi ECG vài tuần, vài tháng,...
- Siêu âm tim: Phát hiện bệnh tim cấu trúc gây ra rung nhĩ.
- Xét nghiệm máu: Bệnh lý tuyến giáp hoặc các nguyên nhân khác gây ra rung nhĩ,...
- Nghiệm pháp gắng sức, X-quang ngực: Giúp BS giải thích các dấu hiệu và triệu chứng.
2. Nguyên tắc điều trị rung nhĩ
- Kiểm soát tần số thất.
- Chuyển rung nhĩ về nhịp xoang.
- Dự phòng huyết khối.
- Mục đích của điều trị là làm cải thiện triệu chứng, phòng chống đột quỵ, giảm thời gian và số lần điều trị tại bệnh viện.
- Một số nguyên nhân gây cơn rung nhĩ chỉ cần điều trị khỏi nguyên nhân mà không cần phải điều trị rung nhĩ lâu dài như: viêm cơ tim,...
- Bệnh nhân rung nhĩ không dung nạp khi đã điều trị tối ưu cần được tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia về điện sinh lý học tim để có biện pháp can thiệp tích cực hơn.
3. Mục tiêu cụ thể trong điều trị rung nhĩ
3.1. Dự phòng biến chứng do rung nhĩ gây ra
Rung nhĩ dễ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu đi khắp cơ thể và gây tắc mạch, hay gặp nhất là mạch não gây đột quỵ não. Để phòng ngừa hình thành cục máu đông, các bệnh nhân bị rung nhĩ thường được chỉ định dùng thuốc chống đông máu.
3.2. Chuyển về nhịp xoang bình thường và kiểm soát nhịp đập của tâm thất
Đối với các trường xử trí rung nhĩ cơn hoặc cấp tính, có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện, điều trị can thiệp triệt đốt rung nhĩ. Khi bị rung nhĩ kéo dài, việc chuyển về nhịp bình thường khó khăn và hay tái phát. Việc dùng thuốc, dùng biện pháp can thiệp qua da hay phẫu thuật phụ thuộc vào triệu chứng, mức độ bệnh và các bệnh kèm.
- Bệnh rung nhĩ cấp tính: có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện.
- Bệnh rung nhĩ mạn tính: kiểm soát nhịp thất ở trong giới hạn bình thường bằng các thuốc có tác dụng ngăn chặn các xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất.
4. Chỉ định thuốc kháng đông trong điều trị rung nhĩ
Thuốc chống đông còn gọi là thuốc làm loãng máu ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông. Thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não. Tuy nhiên thuốc chống đông có nguy cơ gây chảy máu. Các loại thuốc chống đông: thuốc kháng Vitamin K và thuốc kháng đông mới (thuốc ức chế trực tiếp Thrombin, thuốc ức chế yếu tố Xa).
Mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau:
4.1. Thuốc kháng vitamin K
Ưu điểm:
- Có thể sử dụng các thuốc đối kháng để đưa quá trình đông máu về bình thường.
- Giá thành thấp nhất.
Nhược điểm:
- Nhiều loại rau xanh chứa nhiều vitamin K sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc kháng vitamin K.
- Một số thuốc khác cũng có sự tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc kháng vitamin K.
- Cần kiểm tra đông máu định kỳ.
- Xét nghiệm INR cần duy trì từ 2.0 - 3.0.
- Khoảng 50% bệnh nhân sẽ ngưng thuốc trong 3 năm: thường do xuất huyết nhẹ. Ngưng thuốc có thể do thất bại trong kiểm soát nồng độ INR hoặc tương tác thuốc. Ngưng thuốc và không bắt đầu dùng lại là vấn đề thường gặp.
4.2. Thuốc kháng đông mới
Ưu điểm:
- Dễ sử dụng hơn trên lâm sàng, ít tương tác với các thuốc, chế độ ăn so với thuốc kháng vitamin K.
- Không phải đi kiểm tra máu định kỳ.
- Nguy cơ gây xuất huyết não thấp hơn thuốc kháng vitamin K.
- Liều cố định.
- Tác dụng nhanh.
Nhược điểm:
- Thuốc đối kháng đã có nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
- Giá thành cao.
- Không dùng trong rung nhĩ do bệnh van tim.
5. Kỹ thuật can thiệp thay thế thuốc chống đông tại Vinmec Central Park
Kỹ thuật bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ nhằm ngăn ngừa biến cố tắc mạch ở bệnh nhân rung nhĩ là một kỹ thuật hiện đại được thực hiện tại Vinmec Central Park. Kỹ thuật này áp dụng cho bệnh nhân rung nhĩ mà không thể sử dụng thuốc chống đông lâu dài để dự phòng biến chứng do rung nhĩ gây ra:
- Bệnh nhân không dung nạp thuốc chống đông đường uống.
- Bệnh nhân có tiền sử chảy máu do dùng chống đông trước đây.
- Bệnh nhân không thể tuân thủ dùng thuốc chống đông đường uống.
- Bệnh nhân dự tính mang thai không sử dụng được thuốc chống đông đường uống.
- Bệnh nhân có biến cố tai biến mạch não tái phát do huyết khối nhĩ trái mặc dù vẫn đang dùng thuốc chống đông đạt liều.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn sau trong và ngoài nước kết hợp với cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt:
GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Giám đốc trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI). Đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật tim mạch mới, chuyên sâu: TAVI, MitraClip, Stent Graft.
Bệnh viện được trang bị Phòng mổ Hybrid và Hệ thống DSA, 2 Hệ thống chụp mạch hiện đại Discovery IGS 730 của GE và Allura Xper FD20 của Philips cho tỷ lệ bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ thành công trên 90%.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.