Chẩn đoán và điều trị rau tiền đạo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm để xác định vị trí bánh rau bám ở tử cung. Siêu âm theo dõi rau tiền đạo giúp bác sĩ có phương án xử trí kịp thời, nhất là khi rau tiền đạo bị ra máu.

1. Chẩn đoán rau tiền đạo

Rau tiền đạo là tình trạng bánh rau không bám đáy ở tử cung mà một phần hoặc toàn bộ bánh rau bám ở vùng dưới tử cung và cổ tử cung, gây cản trở đường di chuyển của thai nhi ra ngoài bằng ngã âm đạo khi người mẹ chuyển dạ.

Thai phụ bị rau tiền đạo bị ra máu đột ngột, lượng máu thay đổi, không kèm đau bụng, vào khoảng tuần thứ 20 (tức vào cuối 3 tháng giữa hoặc đầu 3 tháng cuối) của thai kỳ.

Chẩn đoán rau tiền đạo chỉ được phát hiện bằng phương pháp siêu âm để xác định vị trí rau bám ở vùng nào của tử cung: đáy, thân, mặt trước hay mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.

Khi khám thấy tử cung mềm và không căng đau.


Chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm
Chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm

2. Điều trị rau tiền đạo

2.1 Đối với rau tiền đạo không có triệu chứng

  • Khám lâm sàng (không khám âm đạo) và siêu âm rau tiền đạo để xác định vị trí rau bám.
  • Thai phụ được khuyên kiêng giao hợp, hạn chế đi lại, không đi xa, không làm việc nặng, không tập luyện thể dục thể thao sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Khi thấy có cơn gò tử cung hoặc rau tiền đạo bị ra máu, thai phụ cần nhập viện ngay.

2.2 Đối với rau tiền đạo bị ra máu

  • Tùy theo mức độ ra máu và sự trưởng thành của thai nhi, bác sĩ sẽ ra quyết định chấm dứt thai kỳ hoặc dưỡng thai thêm.
  • Khi được dưỡng thai thêm, thai phụ cần phải nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng và cố gắng dưỡng thai đến 32 - 34 tuần..
  • Bất cứ trường hợp biến chứng rau tiền đạo bị ra máu nào, thai phụ cần được đưa đến bệnh viện có khoa sản gần nhất để được điều trị kịp thời.

2.3 Mổ lấy thai đối với trường hợp rau tiền đạo nào?

Mổ lấy thai đối với những trường hợp sau:

  • Rau tiền đạo bị ra máu nhiều không kể tuổi thai.
  • Rau tiền đạo trung tâm và thai đã đủ trưởng thành (có khả năng sống được khi ra khỏi buồng tử cung).
  • Rau tiền đạo bán trung tâm.

Mổ lấy thai đối với trường hợp rau tiền đạo nào?
Mổ lấy thai đối với trường hợp rau tiền đạo nào?
  • Trường hợp rau bám thấp hoặc bám mép có thể sinh bằng ngã âm đạo nếu không kèm dấu hiệu bất thường nào khác.
  • Một số trường hợp thai 27 tuần chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm nhưng đến khi thai đủ trưởng thành rau lại bám thấp thì vẫn có thể sinh bằng ngã âm đạo được. Vì vậy, để quyết định phương thức sinh, bác sĩ sẽ cho thai phụ siêu âm kiểm tra lại vị trí bánh rau.

Chẩn đoán rau tiền đạo chỉ được phát hiện bằng cách siêu âm để xác định vị trí rau bám. Tùy vị trí bám, tuổi thai và mức độ ra máu, bác sĩ sẽ có phương án điều trị thích hợp đối với sản phụ và thai nhi.

Với mong muốn mang lại dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho các bà mẹ và em bé từ khi mang thai đến khi sinh nở, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có các Gói Chăm sóc Thai sản trọn gói. Tại đây, các bác sĩ theo dõi, tư vấn và chăm sóc chu đáo cho mẹ và bé từ thời kỳ thai nghén, đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn nhất có thể. Sau khi sinh, mẹ và bé sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn trong phòng bệnh tiện nghi, tiêu chuẩn quốc tế với sự chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp của đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe