Có thể dự phòng rau tiền đạo? Làm thế nào khi bị rau tiền đạo?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Bùi Đức Hoàn - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Rau tiền đạo là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc phòng ngừa rau tiền đạo cũng như hiểu rõ về cách xử trí khi bị rau tiền đạo là vô cùng cần thiết giúp bảo vệ an toàn cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

1. Tìm hiểu về rau tiền đạo?

1.1. Sinh lý học rau thai

Bánh rau được hình thành từ rất sớm cùng với sự phát triển của thai nhi, hình dáng giống như một chiếc đĩa có đường kính khoảng 20-25cm, dày khoảng 2,5-3cm, mỏng dần về phía bìa và có cân nặng khoảng 500-600g. Hệ thống mạch máu của bánh rau được tập trung thành hai động mạch và một tĩnh mạch rốn nối liền với thai nhi, được gọi là dây rốn, có chiều dài 35-60cm.

1.2. Định nghĩa rau tiền đạo

Bình thường bánh rau bám vào mặt trước, mặt sau hoặc đáy tử cung. Nếu vì một lý do nào đó (tử cung có sẹo mổ cũ hay dị dạng, đa thai, viêm niêm mạc tử cung, mang thai nhiều lần hay đã từng nạo phá thai), bánh rau sẽ bám thấp xuống vùng eo tử cung và che lấp một phần hay toàn bộ lỗ trong cổ tử cung gây cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ. Tình trạng này gọi là rau tiền đạo.

Căn cứ vào vị trí bám của bánh rau, rau tiền đạo được chia thành 4 loại:

  • Rau tiền đạo bám thấp.
  • Rau tiền đạo bám mép.
  • Rau tiền đạo bán trung tâm.
  • Rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn.

1.3. Dấu hiệu nhận biết rau tiền đạo

Biểu hiện của rau tiền đạo là tình trạng xuất huyết âm đạo tự nhiên, không đau bụng, lượng máu có thể ít hoặc nhiều, màu đỏ loãng, có thể lẫn cả máu cục. Máu ra từng đợt, khoảng cách giữa hai lần ra máu dần ngắn lại, lượng máu ra lần sau nhiều hơn lần trước. Sản phụ có các biểu hiện thiếu máu ở các mức độ khác nhau, ngôi thai không bình thường và tim thai có thể suy nếu máu ra nhiều.

1.4. Chẩn đoán rau tiền đạo

Hiện nay, phương pháp siêu âm sẽ dễ dàng phát hiện vị trí của bánh rau, giúp cho chẩn đoán lâm sàng nhanh chóng và chính xác. Qua siêu âm, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, ước tính trọng lượng qua các số đo,... bác sĩ có thể xác định vị trí bánh rau bám vào tử cung, ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, bám mép, rau tiền đạo trung tâm hoặc bán trung tâm.


Hình ảnh rau tiền đạo trong thai kỳ.
Hình ảnh rau tiền đạo trong thai kỳ.

2. Rau tiền đạo có nguy hiểm gì không?

Rau tiền đạo có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng rau tiền đạo cho mẹ:

  • Rau tiền đạo gây chảy máu khi có sự bong tách, xóa mở cổ tử cung và có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Vì vậy nếu không được chẩn đoán trước và theo dõi tại bệnh viện để xử trí kịp thời khi chuyển dạ, sản phụ có thể tử vong do mất máu nhiều dẫn đến sốc.
  • Nguy cơ cắt tử cung, tổn thương hệ niệu.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng, rối loạn đông máu, thiếu máu nặng phải truyền máu.

Biến chứng cho con:

  • Tình trạng nhau bám thấp trong tử cung có thể gây ra xuất huyết âm đạo, nhau bong non dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
  • Nguy cơ tử vong chu sinh.
  • Trẻ sơ sinh bị thiếu máu.

Biến chứng của rau tiền đạo rất nguy hiểm cho mẹ và bé.
Biến chứng của rau tiền đạo rất nguy hiểm cho mẹ và bé.

3. Có thể dự phòng rau tiền đạo không?

Hiện nay vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra rau tiền đạo, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy rau tiền đạo thường gặp ở những người sinh nhiều lần, nạo phá thai, sảy thai nhiều lần hoặc viêm nhiễm tử cung trước đó.

Vì vậy, để dự phòng rau tiền đạo, cần áp dụng các biện pháp sau:

  • biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế việc nạo phá thai.
  • Giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt.
  • Giữ gìn vệ sinh khi sinh đẻ.
  • Quản lý thai nghén chặt chẽ, thăm khám thai định kỳ. Khi có các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là xuất huyết âm đạo, cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản.
  • Không nên sinh đẻ nhiều.

4. Bị rau tiền đạo phải làm sao?

Đối với trường hợp rau tiền đạo không triệu chứng:

  • Theo dõi điều trị ngoại trú.
  • Thai phụ cần nhập viện ngay nếu có cơn gò tử cung hoặc ra huyết âm đạo.
  • Để giảm nguy cơ cho thai nhi, các bác sĩ sẽ:
    • Dùng thuốc hỗ trợ phổi cho thai từ 28-34 tuần tuổi
    • Xác định thời điểm sinh mổ chủ động là khoảng 36-37 tuần tuổi thai

Trường hợp rau tiền đạo ra huyết âm đạo ít và thai chưa trưởng thành:

  • cấp cứu sản khoa, cần nhập viện điều trị.
  • Tuy nhiên, thai phụ có thể xuất viện khi không còn ra huyết âm đạo trong vòng 48 giờ và không kèm theo bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác.
  • Để giảm nguy cơ cho mẹ và thai nhi, các bác sĩ sẽ:
    • Cố gắng dưỡng thai đến 34 tuần tuổi. Sau 34 tuần bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích của mẹ và thai nhi với nguy cơ mất máu ồ ạt để quyết định nên tiếp tục dưỡng thai hay nên chấm dứt thai kỳ.
    • Dùng thuốc hỗ trợ phổi khi thai được 28-34 tuần tuổi.
    • Truyền máu nếu có chỉ định.
  • Chọn lựa cách chấm dứt thai kỳ tùy theo phân loại rau tiền đạo:
    • Sinh ngả âm đạo: nếu là rau bám thấp và ngôi đầu.
    • Mổ lấy thai: nếu là các thể rau tiền đạo khác.

Trường hợp rau tiền đạo ra huyết âm đạo nhiều:

5. Bị rau tiền đạo nên kiêng gì?

Khi bị rau tiền đạo, thai phụ cần hạn chế đi lại, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng, kiêng giao hợp, không tập thể dục sau 20 tuần tuổi thai.

Việc thăm khám âm đạo ở thai phụ bị rau tiền đạo có thể gây chảy máu nặng. Vì vậy, nên hạn chế thăm khám âm đạo. Trong trường hợp thật cần thiết phải thăm khám âm đạo trong điều kiện vô khuẩn (trong phòng mổ) và chuẩn bị sẵn sàng để truyền máu cũng như mổ lấy thai nếu cần.

Khi sản phụ bị rau tiền đạo có ra huyết âm đạo cần phải vào bệnh viện có chuyên khoa sản có khả năng phẫu thuật gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Tùy theo mức độ ra huyết âm đạo và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay tiếp tục dưỡng thai thêm.

Rau tiền đạo là rau bám thấp ở đoạn dưới tử cung khi thai đủ tháng, vì vậy rau bám vị trí nào thì không can thiệp được nhưng có thể dự phòng ở những người có nguy cơ cao như sinh đẻ nhiều, nạo hút buồng tử cung nhiều, vết mổ đẻ. Ra máu trong rau tiền đạo là hiện tượng nguy hiểm.

Vinmec có dich vụ đặt hẹn khi khám thai và dịch vụ gói thai sản để khám và điều trị rau tiền đạo khi có thai.

Với mong muốn mang lại dịch vụ chăm sóc cho các bà mẹ và em bé từ khi mang thai đến khi sinh nở, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có các gói Chăm sóc Thai sản trọn gói. Tại đây, các bác sĩ theo dõi, tư vấn và chăm sóc chu đáo cho mẹ và bé từ thời kỳ thai nghén, đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn nhất có thể. Sau khi sinh, mẹ và bé sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn trong phòng bệnh tiện nghi, tiêu chuẩn quốc tế với sự chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp của đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe