Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp, xuất hiện theo yếu tố cơ địa và rất hay tái phát. Hiện nay tại Việt Nam có đến hơn 12% dân số được chẩn đoán sỏi tiết niệu và con số này vẫn không ngừng gia tăng. Vậy sỏi tiết niệu là gì? Cách nhận biết và điều trị sỏi tiết niệu như thế nào?
1. Thế nào là sỏi tiết niệu?
Hệ tiết niệu của con người bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Sỏi là những khối rắn xuất hiện trong hệ tiết niệu của con người. Đa phần sỏi tiết niệu xuất hiện ở thận và theo dòng nước tiểu đi đến các vị trí khác của đường tiết niệu. Sỏi gây tổn thương hệ tiết niệu gồm ba cơ chế cơ bản: Gây tắc nghẽn, cọ xát và nhiễm khuẩn.
Cơ chế hình thành sỏi: Hầu như sỏi tiết niệu hình thành tại thận, sau đó theo dòng nước tiểu đi đến các vị trí khác nhau của đường tiết niệu.
2. Cách nhận biết bệnh sỏi tiết niệu
Trên thực tế, bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh khi mà triệu chứng của bệnh đã trở nên trầm trọng, gây khó khăn trong quá trình chữa trị. Mặc dù tùy vào kích thước của sỏi mà triệu chứng bệnh sẽ khác nhau nhưng đa phần người bị sỏi tiết niệu sẽ có những triệu chứng như sau:
- Đau thắt lưng: Đây là biểu hiện đầu tiên và điển hình nhất của người mắc bệnh sỏi tiết niệu. Cơn đau thường xuất hiện khi hoạt động mạnh và đột ngột. Sau đó lan nhanh khắp các vùng hông và bẹn;
- Thường xuyên đi tiểu nhưng không nhiều mỗi lần;
- Đi tiểu bất thường: Khi đi tiểu người bệnh thường có cảm giác đau buốt khó chịu, tiểu ra máu hoặc thậm chí là ra sỏi, nước tiểu vàng và có váng, mùi khó chịu;
- Một số triệu chứng khác như đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh và sốt...
3. Nhóm người dễ bị mắc bệnh sỏi tiết niệu
Hiện tại trên thế giới chưa có nghiên cứu rõ ràng chứng minh nguyên nhân hình thành sỏi tiết niệu. Nhưng sự hình thành sỏi thường là do các muối khoáng hòa tan như canxi, urat trong nước tiểu. Khi gặp nhiều nguyên nhân thuận lợi dẫn đến việc các muối khoáng hòa tan kết tinh và dần dần tạo thành sỏi tiết niệu
Từ nguyên nhân gây ra bệnh, có thể thấy những nhóm người dễ mắc bệnh sỏi tiết niệu như sau:
- Người có đường tiết niệu dị thường bẩm sinh;
- Gia đình có người thân từng bị sỏi tiết niệu;
- Người uống ít nước;
- Người nằm bất động lâu ngày;
- Người tiền sử các bệnh về rối loạn tiêu hóa;
- Người sử dụng một số thuốc lợi tiểu;
- Người làm trong môi trường nóng bức;
- Người thường xuyên nhịn tiểu...
Để chẩn đoán sỏi tiết niệu, đầu tiên bác sĩ dựa trên các triệu chứng lâm sàng như đau sau khi vận động, tiểu ra máu. Sau đó sử dụng các biện pháp cận lâm sàng như chụp x-quang, UIV, hoặc UPR...
4. Điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu
Căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng của sỏi, hình dáng và chức năng của hệ tiết niệu, biến chứng của sỏi tiết niệu cũng như tình trạng của bệnh nhân... để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị sỏi tiết niệu thích hợp nhất. Sau đây là một số cách điều trị sỏi tiết niệu:
- Điều trị sỏi tiết niệu nội khoa: Đối với sỏi nhỏ thường là nhỏ hơn 7mm và chưa gây nhiều biến chứng;
- Điều trị sỏi tiết niệu nội khoa bằng phương pháp y học cổ truyền: Chủ yếu dùng các bài thuốc lợi tiểu, làm tan sỏi...;
- Mổ sỏi tiết niệu: Ở Việt Nam hiện nay ca mổ mở để điều trị sỏi tiết niệu vẫn chiếm hơn 40% vì đa số những bệnh nhân mắc bệnh sỏi tiết niệu thường đến viện kiểm tra khi bệnh lý đã chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nặng nề.
5. Cách phòng và tránh bệnh sỏi tiết niệu
Để phòng chống bệnh này, mỗi cá nhân nên thực hiện một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và hợp lý như ăn nhiều chất xơ, không nên ăn mặn, giảm lượng protein từ động vật, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều dầu muối.
Đặc biệt là bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, giữ gìn vệ sinh thật tốt, tránh nhiễm trùng vùng tiết niệu và không nên nhịn tiểu. Tránh ngồi nhiều một chỗ, nên vận động nếu ngồi một chỗ quá lâu, nên tập thể dục mỗi ngày.
Sỏi tiết niệu nếu không được phát hiện sớm sẽ có kích thước ngày một lớn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và khó điều trị. Để sớm phát hiện ra bệnh, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát thường xuyên.
XEM THÊM:
- Các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu
- Các loại sỏi tiết niệu thường gặp và cách ứng phó
- Chế độ ăn cho bệnh nhân sỏi tiết niệu